Đây là một trong những vấn đề được nêu tại chương trình Midnight Talks tối 13/11, với sự tham gia của nhiều diễn giả, chuyên gia như: Ông Nguyễn Cảnh Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Sách Alpha (Alpha Books); ông Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh; nhà báo Hoàng Tư Giang; Tiến sĩ Nguyễn Tuệ Anh – Chuyên gia nghiên cứu Đại học Tổng hợp London; ông Bùi Văn Tiến – Chủ tịch Công ty TNHH Tư vấn năng lượng Vatec; ông Phạm Nam Phong – Chủ tịch HĐTQ Công ty CP Xây dựng 47, nguyên là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Điện mặt trời Vũ Phong.
Đại diện EVN có ông Nguyễn Quốc Trung – Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia.
Chia sẻ tại chương trình, các diễn giả đồng tình cho rằng, phát triển năng lượng tái tạo đang là xu thế và sẽ dần thay thế nhiên liệu hóa thạch trong tương lai. Năng lượng tái tạo mang lại rất nhiều lợi ích như giảm thải lượng khí carbon và các loại ô nhiễm khác nhưng đi cùng với đó là không ít thách thức, đặc biệt là trong việc vận hành hệ thống điện, chi phí tăng cao và khả năng chi trả của người sử dụng.
Ông Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh chia sẻ tại chương trình Midnight Talks tối 13/11
|
Chủ trì chương trình Midnight Talks, ông Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh cho biết, khi thực hiện nghiên cứu, đánh giá về các kịch bản trong triển khai quy hoạch điện VIII (hiện nay đang trong giai đoạn dự thảo và lấy ý kiến, chỉnh sửa), nguồn điện khí, điện than trong cơ cấu nguồn thấp hơn rất nhiều so với trước đây. Trong trường hợp này, hệ thống điện phải huy động rất nhiều nguồn điện gió, điện mặt trời và số công suất cần phải đầu tư xây dựng là rất cao. Thực tế công tác điều độ hệ thống điện cho thấy, vận hành với tỷ trọng cao về năng lượng tái tạo là không hề dễ dàng.
Chia sẻ về những khó khăn trong vận hành hệ thống điện khi nguồn NLTT tăng cao, ông Nguyễn Quốc Trung - Phó giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) nêu ví dụ: 6h sáng, khi có điện mặt trời, hệ thống sẽ phải giảm nguồn nhiệt điện than xuống. Tuy nhiên, vào 16h chiều, khi điện mặt trời bắt đầu giảm dần, hệ thống buộc phải tăng nhiệt điện than để bù đắp, để đảm bảo cung cấp đủ điện. Tương tự, để đưa nguồn điện gió vào vận hành cũng phải ngừng các nguồn điện khác…
Có những thời điểm, nguồn điện năng lượng tái tạo chiếm đến 55% trong cơ cấu nguồn điện của hệ thống, trong đó chủ yếu là điện mặt trời, dẫn đến suy giảm quán tính hệ thống. Hệ thống điện nếu có nhiều phần tử quay thì quán tính hệ thống sẽ tốt hơn, nếu hệ thống điện chỉ có điện mặt trời, quán tính hệ thống giảm thấp… Tính bất định của NLTT cũng gây những thách thức lớn trong việc điều tần và điều áp, đảm bảo sự ổn định cho hệ thống điện, ông Trung cho hay.
Thời gian qua, EVN/A0 đã triển khai, đầu tư nhiều giải pháp, nỗ lực tối đa để đảm bảo vận hành hệ thống điện an toàn, tin cậy khi nguồn NLTT thâm nhập ngày càng cao. Tuy nhiên, việc đầu tư các giải pháp cũng dẫn đến những áp lực về tăng chi phí vận hành của hệ thống...
Ông Phạm Nam Phong chia sẻ, kinh nghiệm từ các nước châu Âu là phát triển điện mặt trời phân tán; trong khi đó, tại Việt Nam, điện mặt trời đang được triển khai khá tập trung ở những vùng bức xạ tốt, gây áp lực lên lưới điện truyền tải. Nguồn điện mặt trời phát triển tự tiêu thụ tại chỗ có rất nhiều điểm lợi và tăng năng lực cạnh tranh, tiết kiệm chi phí.
Thời gian vừa qua, năng lực của ngành Điện rất tốt, khi tiếp nhận nguồn điện mặt trời lớn, tập trung ở một số khu vực mà vẫn đảm bảo hệ thống điện vận hành an toàn, ổn định, ông Phạm Nam Phong đánh giá.
Còn theo nhà báo Hoàng Tư Giang, điện than vẫn là nguồn điện giá rẻ đối với Việt Nam. Phát triển năng lượng tái tạo là xu thế tất yếu, nhưng cần phải đặt ra câu hỏi là sự đáp ứng của nguồn điện đó đối với nền kinh tế có đảm bảo không? Ngay cả châu Âu, châu Mỹ, năng lượng hạt nhân hay điện than vẫn còn chiếm tỉ trọng khá cao.
Thời gian qua, EVN đã có những đột phá trong tiếp cận điện năng, cải cách hành chính. Tuy nhiên, việc phát triển NLTT vẫn là những thách thức lớn cho EVN/A0. Chính phủ cần có những chính sách phù hợp về phát triển NLTT, về giá điện trong thời gian tới, nhà báo Hoàng Tư Giang cho hay.
Bên cạnh đó, các diễn giả cũng cho rằng, hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam đã có thể làm chủ về tổng thầu EPC trong phát triển NLTT như điện gió, điện mặt trời. Tuy nhiên, vẫn chưa chủ động được phần sản xuất thiết bị. Trong chiến lược dài hơi, thị trường điện gió, điện mặt trời của Việt Nam còn rất lớn, nếu được sự hỗ trợ của Chính phủ về mặt vốn, chuyển giao công nghệ, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tự chủ từ khâu sản xuất thiết bị.
Bùi Hoa - Tuấn Anh
Share