Năng lượng xanh quan trọng thế nào với tương lai của Việt Nam?

Bên lề sự kiện ra mắt Sách trắng 2022-2023 ngày 16/2, do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức tại Hà Nội, ông Stuart Livesey, Giám đốc Quốc gia của Copenhagen Offshore Partners (COP) - đơn vị phát triển các dự án điện gió ngoài khơi của Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP); trong đó, có dự án điện gió ngoài khơi La Gàn (tại tỉnh Bình Thuận) đã có một số trao đổi với phóng viên liên quan đến vấn đề chuyển đổi năng lượng xanh của Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam đang đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp nhằm mang lại những kết quả cho chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng xanh và tăng phát triển bền vững. Từ việc đưa ra các cam kết loại bỏ dần năng lượng than vào những năm 2040 và đạt được mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050, đến việc mang lại những kết quả ấn tượng cho sự phát triển của năng lượng tái tạo, đặc biệt là trong các lĩnh vực năng lượng gió và năng lượng mặt trời.

Bên cạnh các loại hình năng lượng như điện mặt trời, điện sinh khối..., ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng của việc phát triển điện gió ngoài khơi với quá trình chuyển đổi năng lượng xanh của Việt Nam?

Ông Stuart Livesey: Điện gió ngoài khơi sẽ là nguồn năng lượng thiết yếu để thực hiện các mục tiêu chuyển đổi xanh của Việt Nam. Hiện tại, tài nguyên gió ngoài khơi của Việt Nam chưa được khai thác và việc thiết lập ngành công nghiệp này tạo ra nhiều lợi ích so với các ngành năng lượng tái tạo khác.
Điện gió ngoài khơi về bản chất đặt tại khu vực biển nên cần ít đất trên bờ hơn (khu vực trên bờ chỉ dành cho lắp đặt cáp và các trạm biến áp) nên không ảnh hướng đến đất nông nghiệp, nhà ở...Ngoài ra, công suất tạo ra từ điện gió ngoài khơi cao hơn và mang lại hiệu quả năng lượng nhiều hơn cho Việt Nam, khi được mở rộng quy mô, được hỗ trợ bởi khung pháp lý phù hợp.

Điện gió ngoài khơi có thể sẽ rẻ hơn và bền vững hơn nhiều so với các nguồn năng lượng khác. Đồng thời, có thể sử dụng nhiều lực lượng lao động và chuỗi cung ứng hiện tại cũng như trong tương lai của Việt Nam để thực hiện các dự án này.

Eurocham ra mắt Sách trắng “Hướng tới nền kinh tế xanh và phát triển bền vững/Thực hiện đầy đủ Hiệp định EVFTA và hoàn tất phê chuẩn Hiệp định EVIPA, ông nhận định thế nào về tính cấp thiết của việc phát triển năng lượng xanh tại Việt Nam?

Ông Stuart Livesey: Việt Nam đã cam kết một số mục tiêu đầy tham vọng tại COP26, đồng thời tích cực thể hiện quan điểm chống biến đổi khí hậu và thực hiện việc sản xuất các dạng năng lượng xanh và bền vững cho các thế hệ hiện tại và tương lai.

Năng lượng xanh và bền vững rất quan trọng đối với tương lai của Việt Nam. Các quốc gia và nhà cung cấp trên thế giới hiện đang đặt mục tiêu cho chuỗi cung ứng xanh và năng lượng xanh. Nhiều bên đã có cam kết mạnh mẽ để thực hiện điều này, do đó Việt Nam phải chuyển đổi để duy trì vị thế là thị trường xuất khẩu chính ở Đông Nam Á.

Phải thừa nhận rằng, Việt Nam đang chậm hơn một chút so với nhiều quốc gia khác, nơi quá trình chuyển đổi xanh đang diễn ra thuận lợi và việc này cần có sự hỗ trợ từ các giải pháp, cơ sở hạ tầng phù hợp và nguồn nhân lực lành nghề.

Tuy nhiên, vẫn còn thời gian để đạt được điều này nếu Việt Nam có thể thực hiện các cải cách cần thiết và đưa ra các quyết định quan trọng kịp thời để tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi này được thực hiện thuận lợi và tránh bỏ lỡ các mốc quan trọng.

Hiện các chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát triển điện gió tại Việt Nam đã có nhưng nhiều ý kiến vẫn cho rằng chưa thực sự hoàn chỉnh. Vậy, ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?

Ông Stuart Livesey: Hiện tại, do chưa có khung pháp lý cần thiết cho ngành công nghiệp mới này và thiếu sự linh hoạt trong chuyển đổi ngành năng lượng nên về cơ bản là chưa thể thực hiện dự án điện gió ngoài khơi thương mại ở Việt Nam để các siêu dự án ngoài khơi này có thể đem lại lợi ích to lớn cho đất nước.

Các nhà phát triển và nhà đầu tư trong nước và quốc tế đều mong muốn đầu tư vào điện gió ngoài khơi tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, việc trì hoãn trong việc đưa ra các quyết định quan trọng để kích hoạt ngành này có thể dẫn đến sự chậm trễ đối với các mục tiêu về năng lượng xanh, trì hoãn một lượng lớn nguồn vốn đầu tư trực tiếp cho Việt Nam. Từ đó, dẫn đến rủi ro là các nhà đầu tư toàn cầu dừng theo đuổi các dự án ở Việt Nam trong khi rất nhiều thị trường mới nổi khác đang tích cực cố gắng đạt được các mục tiêu điện gió ngoài khơi của riêng họ.

Đối với các nhà phát triển dự án quốc tế lớn, các tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội và quản trị) ngày càng quan trọng như một phần trong chính sách làm việc của họ, vì các công ty này cần đáp ứng các tiêu chuẩn của IFC (Tổ chức Tài chính Quốc tế) để đáp ứng yêu cầu của các bên cho vay và các tổ chức quốc tế có tiêu chuẩn cao.

CIP có các nhà đầu tư có uy tín, chẳng hạn như các quỹ hưu trí, đòi hỏi các tiêu chuẩn và tính minh bạch cao nhất khi sử dụng các chính sách và thực tiễn của tiêu chí ESG và chúng tôi cam kết việc tiếp tục áp dụng các tiêu chí này tại Việt Nam. Các quy định pháp luật của Việt Nam nên thừa nhận việc sử dụng các tiêu chuẩn được quốc tế công nhận này để thiết lập các thủ tục đủ điều kiện và minh bạch đối với các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn.

Vậy ông có thể chia sẻ thêm về những kinh nghiệm dưới góc độ chuyên gia và là đại diện của Tập đoàn CIP để đóng góp cho ngành năng lượng và điện gió ngoài khơi tại Việt Nam?

Ông Stuart Livesey: CIP đã bước vào thị trường Việt Nam hơn 3 năm, đã thiết lập và đang phát triển dự án điện gió ngoài khơi La Gàn 3,5G W tại tỉnh Bình Thuận từ năm 2020. Đây là một trong những dự án được đưa vào trong danh mục các dự án được lựa chọn của Dự thảo Quy hoạch điện VIII.

Ngoài ra, CIP tiếp tục triển khai dự án này với các đối tác trong nước và cũng đang nghiên cứu phát triển thêm một danh mục với tổng công suất trên 10 GW cho các dự án điện gió ngoài khơi giai đoạn mới ở các tỉnh khác ở phía Nam (như tỉnh Ninh Thuận) và tìm kiếm sự hợp tác với Xuân Cầu (sau khi ký kết thỏa thuận hợp tác tại tháng 11/2022) cho các dự án tại Hải Phòng và Quảng Ninh.

Chỉ riêng dự án La Gàn sẽ đóng góp khoảng 10,5 tỷ USD vốn đầu tư và với hơn 40% trong số này được chuyển trực tiếp vào nền kinh tế Việt Nam thông qua chuỗi cung ứng, lực lượng lao động, sử dụng cảng…

Chúng tôi nhận thấy rằng, kinh nghiệm và kỹ năng toàn cầu là yếu tố có thể giúp chuỗi cung ứng trong nước phát triển và hỗ trợ cho ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi. Do đó, chúng tôi cam kết chia sẻ kiến thức, thông tin và làm việc cùng với các nhà cung cấp trong nước khi ngành này phát triển.

Xin cảm ơn ông./.

Link gốc


  • 16/02/2023 02:51
  • Theo bnews.vn
  • 3925