Ông Trần Văn Lượng - Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương), đại diện Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Bộ Công Thương cho biết: Năm 2018, nhờ chủ động thực hiện tốt công tác chuẩn bị và ứng phó nên mức độ ảnh hưởng của thiên tai đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành Công Thương được đánh giá ở mức thấp, ước tổng thiệt hại khoảng 103 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong thực tế triển khai còn phát sinh bất cập. Đơn cử, pháp luật hiện hành chưa quy định về hành lang và quản lý hành lang thoát lũ các hồ chứa thủy điện, nên có nhiều hộ gia đình đã xây dựng nhà ở, sản xuất, sinh hoạt trong vùng ngập.
Các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PCTT&TKCN 2018 nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương tại Hội nghị
|
Theo ông Phạm Hồng Long - Trưởng ban An toàn (EVN), trong thời gian qua, công tác vận hành các hồ chứa thủy điện thuộc EVN đã tuân thủ nghiêm quy trình, quy định.
Trong đó, dưới sự chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, các hồ chứa trên lưu vực sông Hồng đã góp phần cắt giảm hoàn toàn các đợt lũ lớn, đồng thời mực nước lớn nhất của sông Hồng tại khu vực Hà Nội và hạ du trong năm 2018 luôn nhỏ hơn mức báo động 1 (9,5m).
Công tác điều hành của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh và công tác phối hợp giữa các chủ đập và chính quyền địa phương đã rất nhịp nhàng, đảm bảo hạn chế các thiệt hại khi thiên tai xảy ra đối với nhân dân vùng hạ du.
“Đến nay, tất cả thủy điện của EVN đã lắp đặt bổ sung hệ thống cảnh báo và liên tục phổ biến thông tin liên quan trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương", ông Long cho biết.
Triển khai nhiệm vụ công tác 2019, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đề nghị các đơn vị trong ngành Công Thương tập trung thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 06/CT-BCT ngày 7/5/2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về công tác PCTT&TKCN năm 2019.
Trong đó, các chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện vận hành hồ chứa, cảnh báo và an toàn cho vùng hạ du; kiểm định đập, phối hợp giữa các chủ sở hữu đập với chính quyền và các cơ quan chức năng của địa phương trong công tác vận hành hồ chứa thủy điện. Rà soát, bổ sung phương án ứng phó thiên tai cho công trình, hạ du đập và phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp; tổ chức diễn tập theo phương án được duyệt, bảo đảm an toàn cho vùng hạ du trong mọi tình huống.
Đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần chỉ đạo các đơn vị phát điện, truyền tải, phân phối điện trực thuộc rà soát, kiểm tra các công trình, gia cố các vị trí xung yếu đảm bảo an toàn cho công trình khi thiên tai xảy ra; chuẩn bị sẵn sàng và tập trung mọi nguồn lực để khắc phục kịp thời mọi sự cố xảy ra.