Ngày 20/07/1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết thắng lợi, Pháp đã thua trận và sẽ rút quân. Biết tin quân ta sẽ về tiếp quản Thủ đô vào ngày 10/10, ngay ngày mùng 9/10, các đồn bốt của quân Pháp hối thúc đóng gói, cuốn cờ chuẩn bị bàn giao các cơ quan, công sở trả lại cho quân đội của cụ Hồ.
Cờ của quân đội Liên Hiệp Pháp bị bóc, xé và thay vào bằng những lá cờ đỏ sao vàng rực rỡ tung bay.
Thời điểm này, công nhân Nhà máy điện Hà Nội cũng đã tổ chức nhiều cuộc đấu tranh trong nhiều ngày, lôi kéo cả cai ký, nhân viên kỹ thuật điện đứng về phía công nhân bảo vệ nhà máy. Công nhân điện đã thành lập các đội tự vệ gồm hơn 30 đội viên, đêm ngày canh giữ những bộ phận quan trọng của nhà máy, ngăn chặn địch phá máy móc hoặc di chuyển thiết bị đi nơi khác.
Tại các nhà máy điện ở Nam Định, Cửa Cấm, Thượng Lý, Cọc 5,... công nhân ngành Điện cũng có những hành động tương tự công nhân điện Hà Nội. Có nơi phong trào đấu tranh của công nhân điện với giới chủ nhà máy rất quyết liệt và cuối cùng công nhân đã thắng, nhà máy điện được bảo vệ an toàn.
Công nhân Nhà máy Điện Yên Phụ ký đơn đấu tranh không cho giới chủ Pháp mang máy móc vào miền Nam và có đủ 4.000 tấn than dự trữ - Ảnh tư liệu
|
Đúng ngày 10/10, bộ đội ta từ năm cửa ô rầm rập tiến vào tiếp quản thành phố. Tại các bến tàu, bến xe, đường qua cầu Long Biên đầy ắp những chiến binh thất trận đang rút dần qua cầu, sang đường 5 về nơi tập kết 300 ngày của quân đội Pháp (tại Hải Phòng).
Dân chúng hân hoan đón chào, tặng hoa cho bộ đội đang tiến vào trung tâm thành phố... Khắp thủ đô tràn ngập cờ, hoa, chim bồ câu trắng và các khẩu hiệu chào mừng đại quân và Bác Hồ.
Cũng vào thời điểm này, đoàn tiếp quản ngành Điện dẫn đầu là đồng chí Hồ Quý Diện trưởng đoàn cùng các đồng chí Trịnh Trọng Thực, Vũ Đình Bông (hai kỹ sư mới ở Pháp về nước) và các đồng chí Lê Văn Đáp, Lê Chí Thành,... từ chợ Bằng (Thường Tín) tiến về. Lúc này, ở nội đô đã hình thành một ban tiếp quản bao gồm các ngành: Điện, Nước, Đường Sắt, Bưu điện và Công chính, lấy tên gọi là “Ban Lợi ích công cộng” trực thuộc Bộ Giao thông Công chính.
Các đồng chí trong Ban tiếp quản trở thành những cán bộ quản lý đầu tiên của ngành Điện Việt Nam. Trong số lớp cán bộ quản lý điện đầu tiên đó, ngoài những đồng chí quê miền Bắc, có nhiều người quê ở Nam Bộ, Khu IV, Khu V tập kết ra Bắc, trong đó nhiều đồng chí là công nhân quân giới, cán bộ chính trị, cán bộ kinh tế trong kháng chiến. Tuy từ mọi miền đất nước "hội tụ" nhưng đều chung ý chí, quyết tâm xây dựng ngành Điện trở thành ngành công nghiệp quan trọng, phục vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, làm chỗ dựa vững chắc cho sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà.
Đồng bào Thủ đô chào đón đại quân về tiếp quản - Ảnh tư liệu
|
Khi gặp chủ ngành Điện (ở Hà Nội) họ xin được phép ở lại để hợp tác cùng ta sản xuất và kinh doanh điện. Ban tiếp quản đã không nhất trí vì ngay từ lúc chuẩn bị tiếp quản họ đã chủ định: “Nếu Pháp rút đi, chỉ sau một tuần, thủ đô Hà Nội sẽ chìm ngập trong bóng tối” và thế cũng có nghĩa là Hà Nội sẽ không điện, không nước, không tàu xe, trật tự an ninh cũng không có... Hà Nội sẽ như một thành phố “chết”! Than để sản xuất điện cũng sẽ không có.
Ban tiếp quản yêu cầu chủ điện phải ra đi và cho phép được để lại 5 kỹ sư (một ở phân xưởng Mắc dây đặt điện; một ở phân xưởng Đồng hồ - thuộc Nhà Đèn Bờ Hồ và ba người làm trưởng ca sản xuất vận hành điện ở xưởng Phát điện Yên Phụ). Năm kỹ sư này là kỹ thuật viên có nhiệm vụ chăm sóc, bảo dưỡng các thiết bị lò, máy, đường dây điện và cùng ta chăm lo sản xuất và cung cấp điện an toàn, liên tục cho Thủ đô sau những ngày tiếp quản ở Hà Nội. Ta sẽ đảm bảo các quyền lợi, chính sách cho các kỹ sư này và yêu cầu phía chủ của nhà đèn phải cung cấp đủ số than đốt và dự trữ cho xưởng phát điện Yên Phụ như những điều đã quy định ở hội nghị Trung Giã. Hết thời hạn tiếp quản, 5 kỹ sư trên rút về Sài Gòn. Họ đã không ngớt cám ơn và ca ngợi ta.
Qua đầu năm 1955, ngành Điện về Bộ Công Thương. Đồng chí Hồ Quý Diện làm Giám đốc, đồng chí Phan Văn Hựu làm Phó giám đốc Nhà máy điện Hà Nội. Đồng chí Trịnh Trọng Thực kỹ sư, phụ trách kỹ thuật; đồng chí Vũ Đình Bông (kỹ sư điều hành các công việc ở xưởng phát điện Yên Phụ). Đến 21/07/1955 thành lập Cục Điện lực, đồng chí Hồ Quý Diện được đề bạt làm Cục trưởng Cục Điện lực. Đồng chí Vũ Đình Bông về làm Giám đốc Nhà máy điện Cọc 5. Đồng chí Vũ Hạnh làm Giám đốc Nhà máy điện Hà Nội...
Lúc này cấp trên điều về các nhà máy nói trên hàng chục cán bộ và công nhân, để quản lý và điều hành các công việc của ngành Điện những ngày đầu sau tiếp quản. Từ đây mọi công việc được tiến hành có nhiều kết quả tốt.
Hết lòng vì sự nghiệp cách mạng, dũng cảm đấu tranh với kẻ thù, tận tụy, sáng tạo trong công việc,... là những phẩm chất cao đẹp của thế hệ cán bộ quản lý và lớp lớp những người thợ điện đầu tiên của Việt Nam. Phẩm chất cao đẹp đó là "tài sản quý báu" để lại, để lớp lớp cán bộ, công nhân, viên chức ngành Điện kế tiếp, giữ gìn và phát huy trong từng giai đoạn lịch sử mới.
"Khi vào Nhà máy điện Yên Phụ, tôi phát hiện ra những chiếc rô-to, tuốc-bin hỏng đang nằm chờ để đưa về Pháp sửa chữa. Vì lý do nào đó, nên các quản đốc Pháp đã vội vàng đưa chúng vào hoạt động trong lúc hơi chưa sấy khô đủ độ ở bộ quá nhiệt của lò hơi. Tôi đã nói điều đó với những đốc công người Pháp đang bị gửi làm con tin. Họ hết sức ngạc nhiên về kinh nghiệm nghề điện của cán bộ Việt Minh khi vào tiếp quản Thủ đô chứ không chỉ là “những sĩ quan quân đội trá hình” vào tiếp quản như họ đã nghĩ trước kia"
Trích từ hồi ký của ông Trịnh Trọng Thực - nguyên Vụ trưởng Vụ kỹ thuật Bộ Điện và Than, nguyên Phó ban tiếp quản Nhà máy đèn Bờ Hồ - về thời kỳ tiếp quản ngành Điện tại Hà Nội tháng 10/1954.
|
Theo vanhoa.evn.com.vn
Share