Giữ cho dòng điện xuyên suốt
Ông Lê Tuấn Anh - Giám đốc Truyền tải điện Quảng Nam cho biết, đơn vị đang quản lý vận hành 3 tuyến đường dây 500 kV có tổng chiều dài hơn 157,4km; 8 tuyến đường dây 220 kV mạch kép dài gần 239km; 1 trạm biến áp (TBA) 500 kV công suất 900 MVA, 3 TBA 220 kV công suất 565 MVA, có nhiệm vụ truyền tải công suất từ các nhà máy thủy điện ở Bắc Trà My, vùng tây Quảng Nam, nước bạn Lào, hòa vào lưới điện quốc gia. Những nơi này vào mùa mưa bão thường gánh chịu nhiều thiệt hại.
Hệ thống đường dây và TBA, đặc biệt một số đoạn xung yếu trên các tuyến đường dây 220 - 500 kV đi qua địa hình phức tạp đồi núi cao ở Bắc Trà My, tuyến biên giới Việt Nam – Lào, đèo Lò Xo… thường dễ bị sạt lở, ngã đổ cột. Đường công vụ bị lũ lụt chia cắt nên công tác kiểm tra, xử lý sự cố đường dây trong và sau mưa bão gặp nhiều khó khăn.
Để giữ cho dòng điện xuyên suốt, Truyền tải điện Quảng Nam luôn theo dõi, bám sát tình huống, đánh giá đúng hiện trạng, từng đặc điểm khu vực các tuyến đường dây, vị trí xung yếu để lập phương án xử lý sự cố và tổ chức diễn tập tình huống giả định nhằm chủ động ứng phó trong mùa mưa bão.
Các công trình sửa chữa lớn được Công ty Truyền tải 2 giao như lắp tăng cường lèo tại các vị trí néo đường dây 220 kV Tam Kỳ - Dốc Sỏi, Sông Tranh 2 - Tam Kỳ, đường dây 500 kV Đà Nẵng - Dốc Sỏi... đã được Truyền tải điện Quảng Nam thực hiện, hoàn thành đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ trước mùa mưa bão. Đến nay, đơn vị đã tổng kiểm tra toàn bộ lưới điện và xử lý tồn tại về độ ổn định các móng cột đường dây 220 - 500 kV, xử lý dứt điểm các khiếm khuyết trong quá trình vận hành đường dây…
Truyền tải điện Quảng Nam đảm bảo vận hành an toàn lưới điện trong mùa mưa bão
|
Đảm bảo an toàn cho người và tài sản
Theo ông Võ Anh Hùng – Phó Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Nam (PC Quảng Nam), với chủ trương chú trọng công tác phòng hơn chống, trước mùa mưa bão, đơn vị đã chuẩn bị chu đáo và sẵn sàng mọi công tác ứng phó. Cụ thể, về mặt tổ chức, công ty đã thành lập Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, đồng thời thành lập các đội xung kích tại tất cả đơn vị điện lực. Đây là đội ngũ nòng cốt tinh nhuệ, được tập huấn bài bản, có khả năng sẵn sàng “xung trận”, ứng cứu trong những tình huống thiên tai, bão lũ cấp bách. Mới đây PC Quảng Nam cũng đã tổ chức diễn tập xử lý tình huống bão lũ giả định trên diện rộng tại các đơn vị.
PC Quảng Nam đã triển khai phương án “4 tại chỗ”, phân công nhân lực, chuẩn bị vật tư, thiết bị dự phòng đầy đủ, cũng như có kịch bản cấp điện, khôi phục lưới điện theo từng mức độ thiên tai.
Tính đến nay, PC Quảng Nam đã thi công xong 437 công trình sửa chữa thường xuyên lưới điện; kiểm tra 309 điểm xung yếu trên lưới điện, trong đó 306 vị trí cần thường xuyên theo dõi; khắc phục xong 9 vị trí có nguy cơ sự cố...
Tại những vị trí xung yếu, PC Quảng Nam đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiến hành kiểm tra, xử lý kịp thời hệ thống dây chằng néo (móng néo, tăng đơ néo, dây néo…); kiểm tra và xử lý kịp thời những phát sinh tại chân kè, hệ thống thoát nước mặt, nước ngầm của móng kè. Các đơn vị trực thuộc tổ chức kiểm tra các vị trí xung yếu, dễ bị ảnh hưởng khi xảy ra thiên tai như các vị trí cột, TBA nằm trên sườn núi, đồi, vùng địa chất yếu, vùng trũng thấp dễ bị ngập, đồng thời chủ động phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác ứng phó, khắc phục thiên tai.
“PC Quảng Nam cũng đã chuẩn bị lực lượng, phương tiện, thiết bị, vật tư, nguồn lực để ứng trực và xử lý khắc phục sự cố nhanh nhất. Trường hợp có sự cố xảy ra khi mưa bão thì việc đảm bảo an toàn cho người và tài sản luôn được công ty đặt lên hàng đầu” - ông Võ Anh Hùng nhấn mạnh.
Link gốc