Ngành Điện và những năm Mão lịch sử

Chào Xuân Quý Mão, hãy cùng ôn lại những sự kiện đáng nhớ của ngành Điện trong những năm Mão lịch sử.

Quý Mão 1963

Năm 1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và chúc Tết Đội công trình 2 thuộc Xí nghiệp IV (Công ty Xây lắp mỏ và đường dây) tại Lỗ Khê, Đông Anh, Hà Nội.

Ngày 2/3/1963: Nghị quyết của Bộ Chính trị về thiết kế sơ bộ Nhà máy Thủy điện Thác Bà. Nghị quyết số 72- NQ/TW do đồng chí Nguyễn Duy Trinh ký, quyết định tiếp tục xây dựng Nhà máy Thủy điện Thác Bà với các chỉ số: mức nước dâng bình thường của hồ chứa là 58m; mức nước bảo đảm khi có lũ lớn (tần suất 10.000 năm một lần) là 61,9m; công suất 108.000kW; cấp công trình là cấp II, thời hạn hoàn thành toàn bộ vào cuối năm 1967… Ngoài ra, Nghị quyết còn đề cập tới việc nghiên cứu cách lợi dụng tối đa các mặt khác như: trị lũ, nuôi cá, nước ruộng…, tổ chức tốt việc di dân, xây dựng công trường…

Quý IV năm 1963, đưa vào vận hành tuyến đường dây Đông Anh – Việt Trì, Uông Bí – Hải Phòng, hai tuyến đường dây 110 kV đầu tiên ở miền Bắc nước ta. Toàn tuyến dùng cột bê tông vuông và các thiết bị của Trung Quốc. Bắt đầu sử dụng tời cối xay trong thi công. Ban đầu công trình do Cục Kiến thiết cơ bản thuộc Bộ Công nghiệp nặng thực hiện, sau đó Tổng Cục Điện lực thuộc Bộ Thủy lợi và Điện lực tiếp tục hoàn thành.

Ất Mão 1975

Ngày 6/2/1975: Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 56/TTg phê chuẩn nhiệm vụ thiết kế xây dựng Trạm 110kV Gò Dầu.

Ngày 4/3/1975: Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 51/TTg cho phép xây dựng Trạm biến thế điện và nhánh đường dây 110kV Hà Tu.

Ngày 7/3/1975: Chuẩn bị xây dựng công trình Thủy điện sông Đà

Chỉ thị số 62/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương có liên quan phối hợp với Ban quản lý xây dựng công trình Thủy điện sông Đà tập trung thực hiện các nhiệm vụ: khảo sát thiết kế, thi công, xây dựng, tiền vốn, nguyên vật liệu, lương thực, thực phẩm, thông tin tuyên truyền, đối ngoại… để phấn đấu khởi công vào năm 1978.

Ngày 17/3/1975: Bộ Điện và Than ra Quyết định số 55/ĐT chuyển địa điểm xây dựng Nhà máy Điện 120MW từ Phả Lại về Quảng Bình.

Ngày 22/4/1975: Thủ tướng Chính phủ ký các quyết định:

  • Quyết định số 146/TTg phê chuẩn nhiệm vụ xây dựng đường dây 110kV Hà Đông – Mai Động
  • Quyết định số 149/TTg phê chuẩn thiết kế xây dựng đường dây 110kV An Lạc – Thái Bình

Ngày 22/4/1975: Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ thăm Nhà máy điện Huế. Chủ tịch và các vị trong đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng và Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam biểu dương tinh thần cán bộ, công nhân viên nhà máy đã bảo vệ máy móc không để cho địch phá hoại, đề cao tinh thần khắc phục khó khăn, nhanh chóng mang lại ánh sáng cho thành phố Huế mới được giải phóng.

Đinh Mão 1987

Năm 1987: Khởi công xây dựng đường dây 110kV Huế - Đà Nẵng. Tại lễ khởi công, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đổ mẻ bê tông đầu tiên.

Ngày 10/3/1987: Khai mạc kỳ họp lần thứ 11 Tổ Công tác năng lượng Việt Nam – Liên Xô tại Hà Nội. Kỳ họp diễn ra từ ngày 10 đến ngày 17/3/1987 nhằm thực hiện những cam kết trong việc cung cấp vật tư, kỹ thuật, thi công các công trình nguồn và lưới điện, nhất là với 2 nhà máy Thủy điện Hòa Bình và Trị An, nhằm mục tiêu đưa vào hoạt động tổ máy số 1 ở Thủy điện Trị An (cuối năm 1987) và Hòa Bình (vào năm 1988). Vào thời điểm này, Nhà máy chế tạo Kháccốp đã hoàn thành việc sản xuất tổ máy có công suất 110 kW để chuyển sang Việt Nam cho Nhà máy Thủy điện Trị An.

Ngày 7/4/1987: Công trường xây dựng Thủy điện Hòa Bình tiếp nhận an toàn bánh xe nặng 83 tấn của tuabin tổ máy phát điện số 1. Đây là thiết bị quan trọng nhất và có khối lượng nặng nhất trong tổ máy số 1. Việc vận chuyển kịp thời sẽ tạo điều kiện cho tổ máy số 1 phát điện vào tháng 7/1987.

Ngày 8/4/1987: Khởi công xây dựng đường dây tải điện 110kV Đông Anh – Gia Lâm và Trạm biến áp Gia Lâm (Hà Nội). Tháng 5/1987: Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thăm và làm việc tại công trình xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình. Tại gian hầm đặt máy và đập tràn, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã cảm ơn các chuyên gia Liên Xô và tập thể cán bộ, công nhân viên Việt Nam, đồng chí nêu rõ: Vì “đường điện của Tổ quốc”, mọi người phải không ngừng bồi dưỡng phẩm chất người công nhân mới, ngày càng có nhiều đơn vị lao động xã hội chủ nghĩa và thực hiện đúng mục tiêu đưa tổ máy số 1 vào hoạt động giữa năm 1988.

Ngày 29/7/1987: Quyết định lập đề án Tổng sơ đồ phát triển điện giai đoạn III (1991- 1995). Bộ trưởng Bộ Năng lượng phê duyệt đề cương lập đề án thiết kế Tổng sơ đồ phát triển điện giai đoạn III (1991 – 1995) có xét đến triển vọng năm 2000 – 2005. Theo quyết định này, mục đích của việc lập đề án nhằm lập số liệu cơ sở cung cấp cho Liên Xô để lập thiết kế Tổng sơ đồ giai đoạn III; tính toán một số phương án để chuẩn bị trước cho công tác thẩm tra tổng sơ đồ; tính toán chung để lập thành quy hoạch tổng thể phát triển ngành Điện đến năm 2005.

Kỷ Mão 1999

Ngày 11/1/1999: Bộ trưởng Bộ Công nghiệp ký các quyết định: Quyết định số 01/1999/QĐ-BCN đổi tên Công ty khảo sát thiết kế điện 1 (PIDC1) thành Công ty Tư vấn Xây dựng điện 1 (PECC1); Quyết định số 02/1999/QĐ-BCN đổi tên Công ty Khảo sát thiết kế điện 2 (PIDC2) thành Công ty Tư vấn Xây dựng điện 2 (PECC2).

Ngày 13/2/1999: Quyết định số 22/1999/QĐ-TTg ngày 13/2/1999 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án điện nông thôn đến năm 2000. Mục tiêu của Đề án là đến cuối năm 2000, đưa điện đến tất cả các tỉnh, huyện trong cả nước, phấn đấu 80% số xã, trong đó có 60% số hộ nông dân có điện sinh hoạt và sản xuất.

Ngày 1/3/1999: Thực hiện cổ phần hóa hai đơn vị đầu tiên của Tổng công ty Điện lực Việt Nam (Công văn số 912/EVN-TCCBLĐ ngày 1/3/1999 của Tổng công ty Điện lực Việt Nam gửi Công ty Điện lực 2, Công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh). Ngày 31/12/1998, Bộ Công nghiệp đã có quyết định số 86/1998/QĐ-BCN và số 88/1998/QĐ-BCN phê duyệt phương án cổ phần hóa và chuyển Xí nghiệp Xây lắp điện thuộc Công ty Điện lực 2 thành Công ty CP Xây lắp điện, Xí nghiệp Điện cơ thuộc Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh thành Công ty cổ phần Điện cơ. Đây là 2 đơn vị đầu tiên của Tổng công ty tiến hành cổ phần hóa.

Ngày 7/4/1999: Chuyển Điện lực Hải Phòng trực thuộc Công ty Điện lực 1 thành Công ty Điện lực Hải Phòng- doanh nghiệp hạch toán độc lập thuộc Tổng công ty Điện lực Việt Nam (Quyết định số 16/1999/QĐ-BCN ngày 7/4/1999 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp).

Ngày 7/4/1999: Bộ Công nghiệp ra Quyết định số 17/1999/QĐ-BCN tổ chức lại Trung tâm Năng lượng, doanh nghiệp thành viên hạch toán phụ thuộc, thành Công ty tư vấn Xây dựng điện 3, doanh nghiệp thành viên hạch toán độc lập của Tổng công ty Điện lực Việt Nam.

Ngày 3/6/1999: Bộ trưởng Bộ Công nghiệp ký Quyết định số 31/1999/QĐ – BCN thành lập Công ty Cơ điện Thủ Đức trực thuộc Tổng công ty Điện lực Việt Nam.

Ngày 3/6/1999: Bộ trưởng Bộ Công nghiệp ký quyết định số 32/1999/QĐ-BCN thành lập Công ty Điện lực Đồng Nai trực thuộc Tổng công ty Điện lực Việt Nam.

Ngày 3/6/1999: Bộ trưởng Bộ Công nghiệp ký quyết định số 33/1999/QĐ-BCN thành lập Công ty Tư vấn xây dựng điện 4 trực thuộc Tổng công ty Điện lực Việt Nam.

Ngày 26/10/1999: Hội đồng quản trị Tổng công ty Điện lực Việt Nam ban hành Quyết định số 325/EVN-HĐQT-TCCB-LĐ chuyển giao lưới điện phân phối 66kV – 110 kV từ Công ty Truyền tải điện 4 sang Công ty Điện lực 2 và Công ty Điện lực Đồng Nai quản lý.

Nhà máy Thủy điện Lai Châu. Nguồn ảnh: Internet

Tân Mão 2011

Ngày 5/1/2011: Khởi công xây dựng Nhà máy Thủy điện Lai Châu. Nhà máy có công suất 1.200 MW nằm trên địa bàn xã Nậm Hàng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Đây là công trình thủy điện lớn thứ ba trên dòng sông Đà, sau Thủy điện Hòa Bình và Thủy điện Sơn La.

Ngày 24/4/2011: Khởi công xây dựng Nhà máy Thủy điện Sông Tranh 4.

Ngày 1/7/2011: Khởi động thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm – VCGM

Ngày 21/7/2011: Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1208/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII- Tổng sơ đồ phát triển điện VII).

Ngày 8/9/2011: Khởi công đường dây 220kV Đắk Nông – Phước Long – Bình Long

Ngày 15/9/2011: Thành lập Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi

Ngày 10/10/2011: Vận hành chính thức các trang thông tin điện tử phiên bản mới của EVN.

Ngày 22/10/2011: Khởi công xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1

Ngày 23/10/2011: Khởi công xây dựng đường dây 500kV Pleiku- Mỹ Phước – Cầu Bông.

Ngày 16/11/2011: Đóng điện xung kích trạm biến áp lớn nhất Việt Nam. Ngày 16/11/2011, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia đã tổ chức đóng điện xung kích thành công TBA 500kV Hiệp Hòa. Đây là một trong những công trình trọng điểm đồng bộ với Nhà máy Thủy điện Sơn La.

Ngày 22/11/2011: Máy biến áp 500kV đầu tiên do Việt Nam sản xuất được đưa vào vận hành an toàn. Tại Trạm biến áp 500kV Nho Quan (Ninh Bình), Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia đã đóng điện và đưa vào vận hành an toàn máy biến áp 500kV do Việt Nam sản xuất. Đây là máy biến áp 500kV đầu tiên được chế tạo tại Việt Nam, do Công ty CP Chế tạo thiết bị điện Đông Anh sản xuất, đánh dấu bước chuyển mình lịch sử của ngành chế tạo thiết bị điện nước nhà.


  • 21/01/2023 04:18
  • PV
  • 4379