Đủ điện trong mùa nắng nóng
Xã Hòa Bình, Hòa An (huyện Chợ Mới) tập trung nhiều cơ sở xay xát, chế biến lúa gạo, nhận điện từ phía tỉnh Đồng Tháp. Trong các tháng mùa khô năm 2023, khu vực này bước vào cao điểm xay xát, chế biến lúa gạo, xảy ra tình trạng quá tải lưới điện 22kV cục bộ.
Để giải quyết tình thế, PC An Giang chuyển tải lưới điện một phần khu vực về nhận điện từ Trạm 110kV Chợ Mới; triển khai chương trình điều chỉnh phụ tải, tiết kiệm điện. Tuy nhiên, tình trạng quá tải vẫn còn, buộc phải cắt điện khẩn cấp các phát tuyến 22kV một số thời điểm, đảm bảo an toàn cho hệ thống điện, tránh sự cố đáng tiếc xảy ra.
Đáp ứng nhu cầu phụ tải các tháng cuối năm 2023 và mùa khô năm 2024, PCAG triển khai công trình “Tăng công suất MBA T2-40MVA lên 63MVA Trạm 110kV Chợ Mới”, đóng điện ngày 30/9/2023, giải quyết tạm thời tình trạng quá tải Trạm 110kV Chợ Mới. 4 tháng đầu năm 2024, PCAG đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định trên địa bàn tỉnh, không còn xảy ra tình trạng quá tải như mùa khô năm 2023.
“Chúng tôi tiếp tục nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho khách hàng, phấn đấu giảm thời gian và số lần mất điện khách hàng so năm 2023; thực hiện đạt chỉ số độ tin cậy cung cấp điện (SAIDI, SAIFI, MAIFI). Đồng thời, xây dựng và thực hiện phương thức vận hành lưới điện tối ưu, chuẩn bị sẵn sàng phương án đảm bảo cấp điện mùa khô, mùa mưa bão sắp tới” - Giám đốc PC An Giang Nguyễn Phước Quý Hùng cho biết.
Đối với điện thương phẩm, năm 2023, đơn vị thực hiện gần 2,8 tỷ kWh (đạt trên 100% so kế hoạch), tăng 7,2% so năm 2022; ước thực hiện tháng 4/2024 đạt 280 triệu kWh (cao hơn 13,9% so cùng kỳ năm 2023). Lũy kế 4 tháng của năm 2024 đạt gần 1 tỷ kWh, cao hơn 12,3% so cùng kỳ. Dự tính, cả năm 2024, đơn vị “chạm mốc” hơn 3 tỷ kWh, đạt 105% so kế hoạch Tổng Công ty giao, tăng 9,2% so năm trước.
Một nội dung đặc biệt quan trọng, được tuyên truyền, vận động thường xuyên là tiết kiệm điện. Năm 2023, PC An Giang định hướng nội dung tiết kiệm điện tại các điện lực, giao chỉ tiêu tiết kiệm sản lượng điện 2,1% sản lượng điện thương phẩm. Kết quả, tiết kiệm hơn 67 triệu kWh (2,4%). Bốn tháng đầu năm 2024, tiết kiệm được 22 triệu kWh (2,2%). Đơn vị còn ký cam kết, thỏa thuận tiết kiệm điện với 10.933 khách hàng, tương ứng 24,3 triệu kWh.
Cụ thể, phát động tiết kiệm tối thiểu 5% trên tổng điện năng tiêu thụ trong năm đến 1.123 khách hàng thuộc nhóm hành chính sự nghiệp (tương ứng 1,6 triệu kWh); tiết kiệm tối thiểu 10% ở 847 khách hàng nhóm chiếu sáng công cộng (tương ứng 0,5 triệu kWh); tối thiểu 2% (giảm 50% phần chiếu sáng quảng cáo) ở 4.536 khách hàng nhóm thương mại dịch vụ (tương ứng gần 2,9 triệu kWh), 4.427 khách hàng ở nhóm sản xuất công nghiệp (tương ứng 19,3 triệu kWh).
Đề nghị tháo gỡ khó khăn
Theo PC An Giang, năm 2023, đơn vị được giao 73 danh mục công trình, tổng vốn hơn 344 tỷ đồng. Năm 2024 là 72 công trình, tổng vốn gần 340 tỷ đồng. Đơn vị đang tập trung mọi nguồn lực, phấn đấu hoàn thành kế hoạch đầu tư xây dựng này. Để cung ứng điện lâu dài, Tổng Công ty Điện lực miền Nam triển khai đầu tư dự án “Trạm biến áp 110kV Khu công nghiệp Hòa Bình và đường dây đấu nối, tỉnh An Giang” từ năm 2018. Nhưng đến nay vẫn chưa triển khai được, vì một số lý do trong công tác giải phóng mặt bằng, di dời trạm biến áp 110kV đến vị trí mới, quá trình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.
Ông Nguyễn Phước Quý Hùng chia sẻ: “Hiện nay, chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng. Người dân không đồng thuận mức bồi thường, do đơn giá bồi thường thấp hơn đơn giá thị trường. Thủ tục triển khai trải qua nhiều thủ tục quy định, nên mất nhiều thời gian. Các công trình dọc theo lộ nông thôn (hoặc đường tỉnh) do địa phương giao mốc sâu vào trong, thuộc đất của người dân. Nếu chỉ vận động mà không bồi thường, một số hộ dân không đồng ý, dự án khó triển khai được theo tiến độ”.
Tại buổi làm việc với Ban Giám đốc PC An Giang trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Trình Lam Sinh ghi nhận khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật trong quá trình hoạt động của ngành điện lực. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tổng hợp kiến nghị đến tỉnh, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan xem xét, tháo gỡ.
Trên địa bàn tỉnh An Giang, có 2 đơn vị quản lý vận hành lưới điện: Truyền tải điện miền Tây 3 (quản lý vận hành lưới điện 220kV trở lên) và PC An Giang (quản lý vận hành lưới điện từ 110kV trở xuống). Truyền tải điện miền Tây 3 quản lý vận hành 6 đoạn tuyến đường dây, tổng chiều dài 214km đi qua huyện Châu Thành, Châu Phú, Tri Tôn, TX. Tịnh Biên, TP. Châu Đốc, Long Xuyên. Cùng với đó là 2 trạm biến áp 220kV tại TP. Châu Đốc, Long Xuyên. Sản lượng điện truyền tải 3 tháng đầu năm 2024 cung cấp cho tỉnh đạt 554 triệu kWh (tăng 25% so cùng kỳ). |
Link gốc