Hội nghị "Thúc đẩy tăng trưởng tại Việt Nam: Lộ trình đến thành công" do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sáng nay (18/4). Trong các lĩnh vực kinh tế được bàn luận và các nhóm giải pháp xuyên suốt được đưa ra, năng lượng được xem là ngành quyết định cho cam kết phải thải ròng bằng 0 của Việt Nam vào năm 2050.
Theo Bộ kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn 2021 - 2030, có 8 ngành được ưu tiên về những can thiệp chính sách cho tăng trưởng xanh, trong đó năng lượng sẽ là ngành quyết định cam kết phát thải ròng bằng 0.
"Ngành năng lượng chiếm đến 60% lượng phát thải của toàn bộ nền kinh tế. Đến năm 2050, tổng lượng phát thải của nền kinh tế do ngành năng lượng chiếm tới 81%. Từ những con số này có thể thấy năng lượng là bài toán thiết yếu nhất", ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhận định.
Theo ước tính từ Bộ kế hoạch và đầu tư, tính riêng đối với chuyển dịch 2 ngành điện gió và điện mặt trời, tiềm năng đóng góp vào GDP lên tới 70 - 80 tỷ USD. Ngoài ra, hệ sinh thái hydro sạch dựa trên nền tảng năng lượng tái tạo cũng là một lĩnh vực tiềm năng nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam.
"Với kinh nghiệm và công nghệ năng lượng sạch như hydrogen, LNG xanh, chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam, hợp tác với những doanh nghiệp đang nắm giữ công nghệ giảm phát thải trên toàn cầu để tiếp tục đóng góp vào tăng trưởng xanh và quá trình trung hòa carbon của Việt Nam", ông Hyeongwook Choo, Chủ tịch Tập đoàn SK E&S, cho biết.
Hiện nay, hệ sinh thái hydro sạch có tiềm năng đóng góp 40 - 45 tỷ USD vào GDP hàng năm, tạo ra khoảng 40.000 - 50.000 việc làm cho Việt Nam.
Link gốc