Ngủ trưa: Lợi hay hại?

Giấc ngủ trưa ngắn giúp tăng trí nhớ, giảm nguy cơ mắc bệnh tim, nhưng giấc ngủ trưa dài lại có hại.

Ngủ trưa là một thói quen có từ xa xưa trên khắp thế giới. Trong khi một số người coi ngủ trưa là một thú vui xa xỉ thì những người khác lại coi đó là một cách để duy trì sự tỉnh táo và vui vẻ. Thực tế là ngủ trưa vừa tốt lại vừa không tốt.

Rất nhiều lợi ích cho sức khỏe

Nghiên cứu cho thấy ngủ trưa có nhiều tác dụng tốt. Giấc ngủ trưa ngắn có thể thúc đẩy chức năng thần kinh và trí nhớ, nâng cao tính tập trung và rút ngắn thời gian phản xạ.

Giấc ngủ ngắn ban ngày cũng giúp tăng năng suất và sức sáng tạo. Chính vì thế, một số công ty khuyến khích người lao động ngủ trưa ở nơi làm việc.

Hơn nữa, bộ não còn dùng thời gian ngủ trưa để xử lý thông tin đã thu thập trong ngày, nhờ đó khả năng giải quyết vấn đề được cải thiện. Một nghiên cứu cho biết những người ngủ trưa ngắn thì nhanh nhẹn hơn, ít thất vọng hơn, do đó họ tập trung tốt và làm việc hiệu quả hơn.

Ngủ trưa thậm chí còn giúp cải thiện khả năng học các kỹ năng vận động mới, ví dụ như đánh golf hoặc chơi một nhạc cụ. Đó là do những ký ức hoặc kỹ năng này được củng cố kỹ hơn trong não trong khi ngủ, dù vào ban đêm hay ban ngày.

Ngủ trưa cũng giúp giảm căng thẳng. Một nghiên cứu chỉ ra rằng ngủ trưa khoảng 20 phút giúp bạn có tâm trạng tốt hơn. Tuy nhiên, ngủ quá 30 phút thì không có tác dụng như vậy.

Giấc ngủ trưa ngắn còn giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Nếu chúng ta thức lâu hơn khả năng chịu đựng của cơ thể, thì cơ thể có xu hướng sản sinh ra những hóa chất căng thẳng cấp tính. Những giấc ngủ đều đặn giúp giảm các hóa chất này, làm bình thường hóa huyết áp và nhịp tim.

Nhưng cũng giống như giấc ngủ đêm, một số người khó ngủ trưa, nhất là khi chỉ có ít thời gian. Những người này có thể thực hiện những bài tập giãn cơ thư giãn có lợi cho việc đi vào giấc ngủ.

Ngủ trưa cũng có thể có hại

Một trong những tác hại của việc ngủ trưa là nếu giấc ngủ lâu hơn 30 phút, người ta có thể gặp vấn đề quán tính giấc ngủ, tức là cảm giác uể oải, mất phương hướng có thể xảy ra sau khi thức dậy.

Thông thường, ngủ trưa càng lâu thì việc khắc phục sức ỳ sau giấc ngủ càng vất vả. Điều này có thể làm suy giảm chức năng nhận thức trong khoảng vài phút đến nửa tiếng mới tỉnh táo được hoàn toàn. Đối với một số người, tình trạng này được cải thiện khi họ uống cà phê ngay sau khi thức dậy.

Nhưng điều quan trọng là dùng cà phê để tỉnh táo không thể thay cho giấc ngủ. Caffeine có tác dụng tạm thời ngăn chặn hoạt động của một hóa chất gọi là adenosine, một chất thúc đẩy giấc ngủ tích tụ dần trong thời gian chúng ta thức.

Nếu bạn phụ thuộc vào việc sử dụng đồ uống có caffeine để giữ cho đầu óc tỉnh táo thì rất có thể bạn mắc chứng rối loạn giấc ngủ như là mất ngủ hoặc ngưng thở khi ngủ.

Ngủ trưa quá lâu cũng có thể khiến bạn khó đi vào giấc ngủ buổi tối. Nếu điều này xảy ra thường xuyên, nó có thể dẫn đến tình trạng thiếu ngủ tổng thể, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nói chung.

Hơn thế nữa, với những người trên 60 tuổi, ngủ trưa quá 30 phút có thể làm tăng nguy cơ các vấn đề tim mạch. Nghiên cứu cho biết người cao tuổi ngủ trưa hơn một giờ mỗi ngày dễ bị tăng huyết áp, tăng lượng đường trong máu, tích mỡ thừa quanh eo và mức cholesterol bất thường.

Thực hành thói quen tốt

Như vậy, để tận dụng tối đa lợi ích và giảm thiểu tác hại của giấc ngủ ngắn ban ngày, chúng ta nên ngủ trưa ngắn vào đầu giờ chiều, sau bữa trưa, vì thời điểm này phù hợp với việc giảm mức năng lượng sau bữa trưa và với nhịp sinh học tự nhiên của cơ thể.

Không nên ngủ trưa muộn, giấc ngủ trưa nên cách giấc ngủ tối từ 4 đến 6 tiếng, ngủ trong không gian yên tĩnh và ít ánh sáng càng tốt.

Nếu bạn thấy khó ngủ trưa, cách tốt nhất là giải quyết tận gốc, ví dụ như giảm uống thức uống chứa caffeine, duy trì giờ giấc ngủ đều đặn, ngủ đủ vào ban đêm để giảm nhu cầu ngủ ban ngày.

Cuối cùng, việc có một giấc ngủ ngắn ban ngày nên là một thói quen bổ sung cho chế độ ngủ lành mạnh chứ không phải là cách thay thế cho giấc ngủ đêm kém chất lượng. Cân bằng giờ giấc để có thời gian ngủ trưa vừa đủ sẽ góp phần mang lại một cuộc sống tràn đầy năng lượng, tập trung hơn và sức khỏe dẻo dai hơn.

Link gốc


  • 11/09/2023 04:33
  • Theo dantri.com.vn
  • 3953