Người dân Đức gia tăng sử dụng bếp củi, giảm tiêu dùng do thiếu năng lượng

16:26, 17/11/2022

Xung đột Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc, các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt đối với Nga tiếp tục gia tăng, khiến nguồn cung khí đốt của nước này tới châu Âu bị cắt giảm.

Nhiều người Đức lo lắng khi mùa đông đã cận kề, giữa lúc giá các mặt hàng năng lượng tăng vọt. 

(Bếp lò củi. Ảnh minh họa: Directstoves)

Chính phủ Đức đã nỗ lực tìm kiếm các nguồn cung khí đốt khác để lấp đầy kho dự trữ trước mùa đông. Nhưng giá thành khí đốt rất cao buộc nhiều nhà máy lớn của Đức phải cắt giảm hoặc dừng hoạt động sản xuất, trong khi các hộ gia đình cũng phải tiết kiệm sử dụng ít năng lượng hơn. Với họ, củi là một trong những phương án dự phòng cho tình huống xấu nhất trong mùa đông năm nay. Mặc dù gỗ rẻ hơn so với khí đốt hoặc điện, nhưng giá vẫn tăng gấp đôi, do đó nhiều gia đình đang phải tìm cách giảm chi phí.

Ông Gerd Möller, một người về hưu cho biết: "Cách duy nhất để tiết kiệm tiền là giảm tiêu dùng. Chúng tôi đã giảm nhiệt độ của nước nóng sử dụng hàng ngày xuống 45 độ. Trong khi nhiệt độ sưởi ấm giảm xuống 19 độ, những ngày thời tiết không lạnh, chúng tôi sẽ tắt hệ thống sưởi vào buổi tối - thậm chí có thể tắt hoàn toàn. Điều này sẽ giúp chúng tôi tiết kiệm khá nhiều tiền hàng tháng”.

Ngoài việc đặt mục tiêu cắt giảm 20% mức tiêu thụ gas hàng tháng, nhiều hộ gia đình Đức còn tính giải pháp đến nơi nào đó ấm áp hơn trong mùa đông năm nay. Ông Möller chia sẻ thêm: "Gia đình chúng tôi đã quyết định bay đến Thái Lan trong 3 tuần vào mùa đông năm nay, do đó căn hộ sẽ không dùng đến hệ thống sưởi. Ba tuần này sẽ giúp chúng tôi tiết kiệm được một khoản chi phí".

Nước Đức phụ thuộc rất lớn vào khí đốt của Nga, với hơn 50% lượng nhập khẩu trong năm 2021, chủ yếu qua đường ống Nord Stream 1. Nhưng khi xung đột Ukraine bùng phát, nguồn cung khí đốt giá rẻ của Nga đã bị cắt giảm. Nord Stream 1 gần như đã dừng hoạt động từ tháng 9.

Để đối phó với thiếu hụt nguồn cung năng lượng, hơn 11 triệu hộ gia đình sử dụng lại lò đốt củi. Tuy nhiên giải pháp này không được các nhà môi trường ủng hộ, khi Cơ quan Môi trường Liên bang Đức cảnh báo lượng khí thải CO₂ do đốt gỗ thậm chí còn cao hơn so với nhiên liệu hóa thạch như than đá.

Link gốc


Theo vov.vn

Share