Thêm thu nhập
Nhờ lắp điện hệ thống điện mặt trời công suất 80kWp gần 3 năm qua, UBND quận 12 đã tiết kiệm được khoảng 30% chi phí tiền điện hàng tháng. Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Chánh Văn phòng UBND quận 12, TPHCM cho biết, bình quân mỗi tháng UBND quận giảm được 20 triệu đồng tiền điện. “Ngoài giải pháp chính là đầu tư hệ thống điện mặt trời trên mái nhà, UBND quận còn chỉ đạo các phòng ban tại trụ sở giảm thời gian sử dụng máy lạnh, chỉ mở máy lạnh sau 9 giờ sáng và ưu tiên mở cửa sổ, quạt máy cho thông thoáng để tiết kiệm điện và bảo vệ môi trường”, ông Hiệp nói.
Còn chị Nguyễn Thị Hiền, hộ dân ở quận 12, cho hay hàng tháng được bên điện lực chuyển vào tài khoản hơn 2 triệu đồng tiền mua điện mặt trời. Gia đình chị lắp hệ thống điện mặt trời công suất 10kWp từ 3 năm trước. Mỗi tháng chị trả khoảng 1 triệu đồng tiền điện nhưng bán điện mặt trời được tới hơn 2 triệu đồng. “Từ ngày xài điện mặt trời, tiền điện nhà tôi giảm hẳn, hàng tháng còn có thêm khoản thu nhập để chi tiêu. Tiện hơn nữa là nhờ có lớp pin năng lượng mặt trời che phía trên nên trong nhà mát hơn so với trước. Việc vệ sinh, bảo trì bảo dưỡng tấm pin năng lượng mặt trời đã có bên lắp đặt thực hiện nên tôi rất yên tâm”, chị Hiền vui vẻ nói.
Theo ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC), TPHCM còn rất nhiều tiềm năng để phát triển điện mặt trời trên mái nhà. Hiện nay, các dự án điện mặt trời trên mái nhà được thực hiện cơ chế mua bán điện theo chiều giao và chiều nhận riêng biệt của công tơ điện đo đếm hai chiều, giá 1.943 VND/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tương đương 8,38 UScents/kWh. Giá mua điện được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá VND/USD do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố vào ngày cuối cùng của năm trước để tính tiền điện thanh toán cho các năm tiếp theo. Mức giá này áp dụng cho hệ thống điện mặt trời mái nhà có công suất không quá 1MW, đấu nối trực tiếp hoặc gián tiếp vào lưới điện có cấp điện áp từ 35kV trở xuống và có thời điểm vào vận hành phát điện, xác nhận chỉ số công tơ trong giai đoạn từ ngày 1-7-2019 đến ngày 31-12-2020 và được áp dụng 20 năm, kể từ ngày vận hành phát điện. “Với thời gian xây dựng nhanh, giá bán điện là 8,38 UScents/kWh, trung bình một dự án điện mặt trời sẽ mất 5-6 năm để hoàn vốn. EVNHCMC luôn hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất trong việc hòa lưới và mua bán điện mặt trời”, ông Kiên cho biết thêm.
Nhân viên ngành điện thành phố lắp điện mặt trời cho hộ dân
|
Nhiều chính sách hỗ trợ vay vốn
Bên cạnh sự hỗ trợ tối đa của EVNHCMC, nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hệ thống điện mặt trời đã đưa ra các giải pháp đầu tư cho khách hàng là hộ gia đình và tổ chức, doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp có thể vay vốn ngân hàng và thế chấp bằng chính hệ thống điện mặt trời áp mái. Thậm chí có đơn vị sẵn sàng đầu tư lắp đặt toàn bộ hệ thống cho doanh nghiệp trong khu công nghiệp, rồi bán lại tất cả sản lượng điện được tạo ra bởi hệ thống đó cho chính doanh nghiệp với giá rẻ hơn 5%-10% và sau một thời gian sẽ chuyển giao toàn bộ hệ thống cho doanh nghiệp có mái. Bên cạnh đó, không ít nhà cung cấp còn đưa ra gói bảo hiểm năng lượng điện cho hệ thống điện mặt trời áp mái. Từ đó, nếu sản lượng điện thực tế sụt giảm hơn so với sản lượng điện bảo hiểm thì đơn vị bảo hiểm sẽ bù phần chênh lệch này...
Cụ thể hơn, về giải pháp kỹ thuật, đầu tư, Công ty SolarBK đưa ra phương thức ESCO, cùng đầu tư với khách hàng là tổ chức, doanh nghiệp với tỷ lệ góp vốn từ 70%-100%, giải pháp phối hợp đầu tư và chuyển giao hệ thống,... Về phía tổ chức tín dụng như Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank) triển khai chính sách cho vay 70% chi phí lắp đặt đối với khách hàng doanh nghiệp và cá nhân với tài sản bảo đảm chính là hệ thống điện mặt trời áp mái. Trong khi đó, Công ty cổ phần Tài chính điện lực (EVN Finance) cũng đưa ra gói tài chính thiết kế riêng cho khách hàng lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà với mục tiêu giải ngân 1.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2020-2022.
Theo số liệu của EVNHCMC, tính đến ngày 21-8-2020 đã có 9.267 công trình lắp đặt điện mặt trời mái nhà với công suất 127.604,5MWp. Đánh giá về sự tiện dụng của điện mặt trời, tại hội thảo “Các giải pháp phát triển điện mặt trời mái nhà tại TPHCM” do EVNHCMC tổ chức mới đây, PGS-TS Võ Viết Cường, Khoa Điện - Điện tử (Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM), khẳng định trong tương lai điện mặt trời sẽ thay thế các nguồn điện khác. “Cách đây 10 năm, chi phí đầu tư điện mặt trời lên đến 5 USD/W nhưng hiện tại chỉ còn 0,21-0,23 USD/W, nghĩa là giảm đến 20 lần. Vì vậy, tương lai 80 năm nữa, điện mặt trời thay thế đến 70%-80% nhu cầu điện thế giới là khả thi”, PGS-TS Võ Viết Cường phân tích.
TPHCM yêu cầu tiết kiệm ít nhất 10% chi phí điện
Trước bối cảnh nguồn cung ứng điện gặp nhiều thách thức, UBND TPHCM có văn bản về việc tăng cường công tác tiết kiệm trong sử dụng điện. Theo đó, yêu cầu Sở Công thương TPHCM đẩy mạnh triển khai thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện theo Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 7-5-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020 - 2025.
UBND TPHCM yêu cầu ngành điện lập kế hoạch cung ứng điện cho năm nay, vận động người dân tận dụng điện mặt trời để giảm tiêu thụ điện lưới; yêu cầu các sở ban ngành, đơn vị kiểm tra, giám sát việc thực hiện tiết kiệm điện trong các cơ quan Nhà nước, đơn vị công lập, bảo đảm các đơn vị này tiết kiệm ít nhất 10% chi phí điện năng.
UBND TPHCM cũng đề nghị các doanh nghiệp sử dụng điện trọng điểm bố trí thiết bị sử dụng điện hợp lý, giảm công suất vào giờ cao điểm hoặc dịch chuyển sản xuất. Chỉ đạo Sở Công thương đẩy mạnh thực hiện các biện pháp tiết kiệm; EVNHCMC và các công ty điện lực trực thuộc phối hợp UBND các quận huyện tăng cường công tác tuyên truyền sử dụng hệ thống điện mặt trời trên mái nhà đến các cơ quan, đơn vị và hộ dân trên địa bàn; tận dụng và huy động các nguồn để lắp đặt và sử dụng hệ thống điện mặt trời trên mái nhà, hệ thống máy nước nóng năng lượng mặt trời để giảm tiêu thụ điện từ hệ thống điện quốc gia.
Link gốc
Nguồn: sggp.org.vn
Share