Nguồn nhân lực của EVN đã đáp ứng được yêu cầu?

GS.VS.TSKH Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam đã có cuộc trao đổi với PV Tạp chí Điện lực đánh giá về nguồn nhân lực của EVN, cũng như chia sẻ những tâm sự riêng của ông - người đã từng nhiều năm đứng trên bục giảng, đào tạo không ít thế hệ kỹ sư điện Việt Nam.

GS Trần Đình Long

Phóng viên (PV): Đã ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng Giáo sư vẫn miệt mài làm việc. Lý do nào để Giáo sư không ngừng cống hiến như vậy?

GS Trần Đình Long: Tôi chính thức nghỉ hưu từ năm 2008, lúc đã 70 tuổi. Đây cũng là sự ưu ái của Nhà nước, cho phép các nhà khoa học có học hàm, học vị được tiếp tục làm việc, dù đã đến tuổi nghỉ hưu. Sau đó, tôi dành phần lớn thời gian làm việc tại Hội Điện lực. 

Với tôi cũng như nhiều đồng nghiệp khác, còn có sức khỏe và còn có ích cho ngành Điện - nơi tôi đã làm việc và gắn bó nhiều năm, được tiếp tục cống hiến cũng là một vinh dự, một niềm vui lớn. Hơn nữa, lao động trí óc sẽ làm cho suy nghĩ, tư duy của mình không bị lạc hậu, có thể cập nhật những thành tựu KHCN mới cũng như tình hình xã hội trong nước và trên thế giới.

PV: Từng đảm nhận trọng trách khác nhau, nhưng công việc nào Giáo sư yêu thích và tâm huyết nhất?

GS. Trần Đình Long: Hơn 50 qua, tôi đã tham gia rất nhiều công việc, nhưng tựu chung lại, công việc chiếm nhiều thời gian và có ý nghĩa nhất trong cuộc đời tôi là tham gia vào sự nghiệp giáo dục. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Đến bây giờ, tôi vẫn thấm thía câu nói này và càng nhận thức sâu sắc hơn ý nghĩa của sự nghiệp “trồng người”. 

Tôi tâm đắc nhất với nghề giáo là sản phẩm mình góp phần tạo ra. Đó là những con người có nhân cách. Rất nhiều người trước đây là sinh viên, sau này trở thành những người có địa vị cao trong xã hội, là lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước..., nhưng dù ở địa vị nào, khi gặp lại thầy giáo cũ, các em đều bày tỏ sự kính trọng. Tôi có dịp đi nhiều nơi ở nước mình và đâu đâu cũng gặp lại những sinh viên cũ và luôn được chào đón với những tình cảm rất nồng ấm. Đấy chính là niềm an ủi, động viên, cổ vũ lớn nhất cho những người thầy giáo. 

Tôi vẫn thường nói với bạn bè, nghề giáo ở Việt Nam lương bổng không nhiều, nhưng các thầy giáo, cô giáo lại là người “giàu có” nhất, hiểu theo nghĩa về quan hệ con người, về sự may mắn trong sự tiếp xúc với đồng nghiệp, với các em học sinh.

PV: Gần nửa thế kỉ gắn bó với sự nghiệp giáo dục, theo Giáo sư, nguồn nhân lực đóng vai trò như thế nào trong sự phát triển đất nước nói chung, ngành Điện nói riêng?

GS Trần Đình Long: Có một câu nói: “Con người chính là yếu tố quyết định trong mọi công việc”. Đặc biệt, trong thời đại công nghiệp 4.0 ngày nay, yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực đã hoàn toàn khác, đó là câu chuyện thông tin hóa, số hóa... 

Điện lực là một ngành kỹ thuật đặc thù, đòi hỏi nhiều kiến thức chuyên sâu, luôn phải tiếp cận nhiều với công nghệ hiện đại, câu nói này lại càng đúng. Chính vì vậy, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định đến sự phát triển của EVN. Ví dụ, khi xây dựng các TBA không người trực, chúng ta phải có nguồn nhân lực trình độ chuyên môn cao, có khả năng điều khiển, thao tác các trang thiết bị hiện đại của những TBA vốn trước kia có người điều hành trực tiếp...

Tuy nhiên, việc đưa công nghệ hiện đại vào sản xuất, kinh doanh, đồng nghĩa với một lực lượng lao động sẽ dôi dư, do đã có máy móc thay thế. Việc sắp xếp công việc hợp lý cho lực lượng này cũng là một thách thức lớn đối với ngành Điện. 

PV: Trước đây, với vai trò Phó Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Điện lực Việt Nam, được chứng kiến sự phát triển không ngừng của ngành Điện, ông đánh giá như thế nào về chất lượng nguồn nhân lực của ngành Điện hiện nay?

GS Trần Đình Long: Với vai trò Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng công ty Điện lực Việt Nam (nay là EVN), tôi phụ trách lĩnh vực KHCN và đào tạo nguồn nhân lực. 

Ngay từ thời kỳ đó, Tổng công ty Điện lực Việt Nam đã rất quan tâm đến phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo sức mạnh của đơn vị. Trong giai đoạn này, ngành Điện đã đào tạo được lớp cán bộ vận hành thiết bị công nghệ mới như, tuabin khí hỗn hợp, công nghệ truyền tải ở cấp siêu cao áp 500 kV, đưa kĩ thuật số vào trong đo lường thiết bị thứ cấp…

Bây giờ, nhìn lại, tôi rất vui khi công tác đào tạo nguồn nhân lực tiếp tục được lãnh đạo Tập đoàn và các đơn vị quan tâm. Nhìn chung, nguồn nhân lực của EVN đã đáp ứng được yêu cầu sản xuất kinh - doanh điện năng. Tuy nhiên, để đón đầu, đuổi kịp những thành tựu khoa học công nghệ mới, tiên tiến trên thế giới, đặc biệt là để xây dựng được một ngành Điện hiện đại trong xã hội 4.0, EVN vẫn phải tiếp tục nỗ lực rất lớn trong việc đào tạo nguồn nhân lực.

Theo tôi, Tập đoàn nên bắt đầu từ các cơ sở đào tạo. EVN cần chủ động phối hợp với các trường đại học, lựa chọn những người có tài năng, có trình độ, ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Từ đó, đề xuất với nhà trường những nội dung cần đào tạo sâu, đặc biệt là đưa các vấn đề thực tiễn của ngành Điện vào các chương trình đào tạo.

Tập đoàn và các đơn vị thành viên cũng cần tạo điều kiện cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng, học nghề… có ngành nghề đào tạo về điện đến thực tập, giúp họ làm quen với môi trường và công việc thực tế. 

Đặc biệt, EVN cần có cơ chế chọn lọc đầu vào khi tuyển dụng nhân lực. Phải chọn được những người có tài, có tâm huyết... xứng đáng với đồng lương mà Tập đoàn trả.

PV: Vừa là thầy giáo, vừa là một cán bộ lão thành của EVN, Giáo sư có nhắn nhủ gì đến CBCNV ngành Điện hôm nay, đặc biệt là thế hệ trẻ?

GS Trần Đình Long: Tôi chỉ muốn nói, làm nghề nào cũng thế, việc gì cũng vậy, mỗi người phải không ngừng học hỏi và rèn luyện, nâng cao năng lực, sự hiểu biết. Muốn mình tốt lên, phải tự thân nỗ lực!

PV: Chân thành cảm ơn Giáo sư! Chúc ông có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục cống hiến cho ngành Điện nói riêng, nền KHCN nước nhà nói chung. 

GS.VS.TSKH Trần Đình Long:
- Sinh năm: 1938
- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Điện lực Việt Nam;
- Nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Điện lực Việt Nam; Trưởng ban Soạn thảo Luật Điện lực;
- Được mệnh danh là “kiến trúc sư trưởng” công trình ĐD 500 kV mạch 1;
- Nguyên Chủ nhiệm bộ môn Hệ thống điện, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

* Các danh hiệu được Đảng, Nhà nước trao tặng:
- Huân chương Lao động hạng Ba năm 1988, hạng Nhất năm 2000;
- Nhà giáo ưu tú năm 1989;
- Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới năm 2005.


  • 28/02/2018 03:19
  • Theo TCĐL chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 12838