Nhà trực vận hành: Thu hẹp khoảng cách giữa điện lực và khách hàng

Không chỉ rút ngắn khoảng cách giữa điện lực với khách hàng, khắc phục nhanh các sự cố, nâng cao năng suất lao động, nhà trực vận hành còn là ngôi nhà thứ hai, giúp những người thợ điện vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới có nơi ăn, chốn ở ổn định, yên tâm công tác.

Đến gần hơn với khách hàng

Cách thành phố Lai Châu khoảng 70 km, Nhà trực vận hành của Tổ trực điện Dào San thuộc Điện lực Phong Thổ, Công ty Điện lực Lai Châu, nằm trên địa bàn xã biên giới Dào San, huyện Phong Thổ. Tuy chỉ có 3 phòng (phòng làm việc, phòng vật tư,  phòng ngủ) và một gian bếp, nhưng với 7 công nhân của Tổ trực điện Dào San, đây đã là một cơ ngơi khang trang, tạo thuận lợi cho công nhân điện làm việc cũng như sinh hoạt.

Anh Quách Duy Quỳnh - Công nhân Tổ trực điện Dào San cho biết, trước đây, khi chưa có nhà trực, từ Điện lực Phong Thổ tới vị trí gần nhất do Tổ quản lý cũng gần 30 km, còn điểm xa nhất phải đến 70 km. Đó là chưa kể, các bản biên giới, vùng cao, địa hình bị chia cắt, giao thông đi lại khó khăn. Chính vì vậy, mỗi khi có sự cố, phải mất rất nhiều thời gian mới tiếp cận được vị trí để xử lý, khắc phục, cấp điện trở lại cho khách hàng. 

“Từ khi điện lực xây dựng các nhà trực vận hành, khoảng cách giữa thợ điện với khách hàng đã được rút ngắn đáng kể. Hiện nay, từ nhà trực đến hộ dân xa nhất chỉ còn khoảng 15-20 km, còn vị trí gần chưa đến 1-2 km. Nhờ đó, chúng tôi tiết kiệm được thời gian di chuyển, sự cố được xử lý nhanh hơn. Năng suất lao động của công nhân cũng tăng hơn so với trước đây”, anh Quỳnh chia sẻ.

Từ khi điện lực xây dựng các nhà trực vận hành, khoảng cách giữa thợ điện với khách hàng được rút ngắn

Chính thức đi vào vận hành từ năm 2012, Nhà trực vận hành Dào San không chỉ rút ngắn bán kính giữa Điện lực với lưới điện của khách hàng, khắc phục nhanh các sự cố, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng sử dụng điện mà còn giải đáp kịp thời các thắc mắc; thu nhận, giải quyết hiệu quả các kiến nghị, yêu cầu của khách hàng ở  những khu vực vùng sâu, vùng xa.

Ông Vàng A Sùa (xã Dào San) cho biết, từ khi điện lực có trụ sở ở đây, người dân mừng lắm. Mất điện, bà con đến báo là công nhân điện lực có mặt, xử lý ngay lập tức. Còn trước đây, do ở xa nên có khi phải mất một buổi, thậm chí một ngày, công nhân điện lực mới đến nơi. “Bây giờ có thắc mắc về tiền điện, lắp công tơ điện… chúng tôi có thể ra ngay nhà trực của tổ điện để hỏi; không còn phải mất công đi cả ngày trời xuống điện lực hoặc chờ đến khi nhân viên thu ngân đến thu tiền điện mới hỏi được”, ông Sùa chia sẻ thêm.

Theo ông Nguyễn Đức Thọ - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Lai Châu (PC Lai Châu), tại các nhà trực/chốt trực vận hành, điện lực các địa phương bố trí công nhân trực thường xuyên, suốt 24/24h. Các nhà trực/chốt trực cũng được trang bị đầy đủ các trang thiết bị, vật tư, xử lý nhanh các sự cố, đặc biệt là trong mùa mưa bão. Nhờ đó, người dân ở các bản vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới cũng có thể được hưởng những dịch vụ về điện năng như khu vực trung tâm. 

Ngôi nhà thứ 2 của thợ điện 

Hơn bốn năm gắn bó với nhà trực vận hành, 7 công nhân của Tổ trực điện Dào San luôn coi đây là ngôi nhà thứ hai của họ. “Chúng tôi cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm việc, chăm sóc nhau những lúc ốm đau, mệt mỏi… Chính những sinh hoạt hằng ngày đó đã gắn kết tình cảm của anh em trong Tổ”, anh Quách Duy Quỳnh cho hay.

Nhà trực vận hành là ngôi nhà thứ 2 của những người thợ điện miền núi

Quê ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, cách nơi làm việc hơn 600 km, mỗi năm, anh Đinh Công Chiến - Công nhân Tổ trực điện Dào San chỉ về thăm gia đình được 3-4 lần. Chính tình cảm cùng sự đùm bọc của các anh em trong tổ đã giúp anh Chiến vơi bớt nỗi nhớ nhà, có thêm động lực, yên tâm công tác, gắn bó với nghề. Anh Chiến chia sẻ: “Trước đây, những người quê xa như chúng tôi phải thuê nhà dân để ở. Điều kiện ăn ở và sinh hoạt rất khó khăn. Từ khi có nhà trực vận hành, chúng tôi đã có một chỗ ở ổn định, khang trang, sạch đẹp để yên tâm công tác”. 

Chỉ vào vườn rau xanh trong khuôn viên nhà trực, anh Chiến cho biết, đường sá đi lại khó khăn, trước đây, muốn mua rau, mua thức ăn phải đi tới mấy chục cây số xuống thị trấn Phong Thổ hoặc thành phố Lai Châu. Do vậy, ngoài giờ làm, anh em trong đội tranh thủ tăng gia sản xuất tại chỗ, cải thiện bữa ăn hằng ngày.

Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán, cùng với nỗ lực đảm bảo điện an toàn, liên tục cho người dân, anh em Tổ trực điện Dào San còn cùng nhau gói bánh chưng, bánh tét... trang trí đào, quất, để mỗi thành viên được hưởng không khí Tết như ở chính gia đình của mình. “Đáng quý hơn, vào các ngày lễ, tết, bà con ở các bản, người mang đến cho tổ trực bó rau, quả trứng… Tất cả đều là “cây nhà lá vườn”, nhưng chan chứa tình cảm yêu thương của bà con dân bản đối với thợ điện miền núi. Đây cũng chính là niềm hạnh phúc, là động lực để chúng tôi tiếp tục cống hiến, gắn bó với núi rừng”, anh Quỳnh chia sẻ. 

Có thể nói, các nhà trực/tổ trực của ngành Điện đã và đang góp phần gắn kết, đưa thợ điện đến gần hơn với khách hàng, để người dân ở các vùng sâu, vùng xa cũng được thụ hưởng những dịch vụ điện năng tốt nhất. Đây cũng là “tổ ấm” để những người thợ điện vùng cao yên tâm cống hiến, giữ gìn cho những nếp nhà của bà con các bản làng luôn sáng ngời ánh điện. 


  • 17/04/2017 11:20
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 10622