Nếu dòng điện sáng hóa thành bài ca
Anh thợ điện ơi, anh sẽ là nghệ sĩ
Hãy lên dây cung đàn thời đại
Hát khúc ca trong muôn ngàn tia sáng
Ánh sáng sẽ xua đi nghèo nàn tăm tối
Ánh sáng sẽ quên đi nhọc nhằn cay đắng
Anh thợ điện ơi, có cả bầu trời lung linh rực rỡ
Từ đôi bàn tay anh bỗng bừng lên ánh sáng
Từ đôi bàn tay anh bỗng vút thành tiếng ca.
Lời ca tác phẩm Bài ca ánh sáng của nhạc sỹ Tạ Quang Tố đầy chất thơ và lãng mạn, mang nhiều hình ảnh hiện thực. Nhạc sỹ chia sẻ, Bài ca nhớ thương và Bài ca ánh sáng được ông viết riêng cho ngành Điện lực tỉnh Hà Bắc để mang đi hội diễn toàn ngành vào năm 1983.
Thời đó, ông đạp chiếc xe cà tàng không biết bao lần từ huyện xuống thị xã Bắc Giang để bắt nhịp dạy hát cho tốp ca công nhân ngành Điện. Những người công nhân điện khi đó làm việc theo ca kíp vất vả vô cùng, nhưng họ vẫn luôn yêu đời và tham gia các hoạt động văn nghệ. Cả hai bài hát viết cho ngành Điện năm ấy đi dự thi hội diễn ngành Điện đều đạt giải cao.
Cảm xúc khi nhạc sỹ Tạ Quang Tố viết Bài ca ánh sáng bắt nguồn từ trải nghiệm của người ở hai thế kỷ đèn dầu - ánh điện. Nhạc sỹ hồi tưởng: Lần đầu tiên thấy người ta mắc dây điện về thôn, ánh sáng ở bóng điện tỏa sáng lạ lùng lắm, kỳ diệu vô cùng! Tôi cũng giống như mọi người, ngắm ánh điện sáng mà ngỡ trong mơ. Tôi liên tưởng, ánh điện là bài ca ngân nga trong lòng mỗi người và anh thợ điện chính là người nghệ sỹ. Tôi cũng nghĩ, người nghệ sỹ - thợ điện đã “lên dây cho cung đàn thời đại”, xua đi tăm tối nhọc nhằn…
|
Khi ca khúc được hát lên dưới ánh điện lung linh, mỗi lời ca mang hình ảnh tượng trưng nhưng cũng đầy cảm xúc "từ đôi bàn tay anh bỗng bừng lên ánh sáng”, có lẽ nhiều người sẽ liên tưởng tới cả câu thơ "Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đã cũng thành cơm" (thơ Hoàng Trung Thông), còn tôi lại nhớ đến tên tác phẩm của nhà văn Nguyễn Khắc Phục: “Những bước đi tỏa sáng”. Nhà văn nhìn thấy bước chân của người thợ điện đi đến đâu là nơi đó bừng lên ánh sáng; còn nhạc sỹ Quang Tố lại thấy đôi tay anh thợ điện làm cho ánh sáng bừng lên… “Từ đôi bàn tay anh bỗng bừng lên ánh sáng/ Từ đôi bàn tay anh bỗng vút thành tiếng ca”.
Ông Quốc Thái - Nguyên cán bộ Sở Điện lực Bắc Giang, Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bắc Giang kể: “Bài ca ánh sáng của nhạc sỹ Tạ Quang Tố sau khi đoạt giải cao tại liên hoan được rất nhiều người yêu thích. Giám đốc Sở Điện lực lúc bấy giờ rất muốn gửi lời cảm ơn người sáng tác bài hát nên đã gửi tặng nhạc sỹ Quang Tố một… bao thuốc lá 555. Nhưng nhạc sỹ Quang Tố không hút thuốc lá nên ngay khi nhận được đã chia sẻ cho mọi người như một sự chia vui.”
Với Bài ca nhớ thương, nhạc sĩ Tạ Quang Tố kể, ông sáng tác ca khúc vào năm 1980 khi ở Tây Ninh. Lúc đó khi sáng tác xong, ông đã hát cho nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nghe. "Anh Sơn gật gù liên tục bảo: “Được đấy!" Câu nói ấy của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn là sự khuyến khích, là nguồn động viên rất lớn cho ông. Sau này, cứ mỗi khi giao lưu văn nghệ hai miền diễn ra, ca khúc Bài ca nhớ thương của ông lại được các nghệ sỹ ngân nga. Ca khúc như cầu nối trao gửi ân tình cho kẻ Bắc người Nam: Nước nhớ nguồn làm mưa tuôn ngày tháng/ Cây nhớ núi về ấp ủ sớm chiều/ Ta nhớ nhau gửi vần thơ thương yêu/ Như thời gian có nắng sớm, mưa chiều/ Đi vào phương Nam, núi Bà vời vợi/ Em ra ngoài Bắc/ Dòng sông Đà chảy mãi/ Anh đi xây nhà cao/ Cho điện em tỏa sáng/ Giữa hai ngả cách vời/ Là bài ca, bài ca nhớ thương…
Có thể thấy, những tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ Tạ Quang Tố được công chúng biết đến nhiều qua các hội diễn, cuộc thi. Nhiều tác phẩm của ông sáng tác để cổ vũ tinh thần hăng say lao động sản xuất vào thập niên 80-90 như Ánh nước, Nắng trung du; Theo mẹ vào vườn ươm, Bài ca vách đá , Em đi tìm cây thuốc, Khơi dòng nhựa trắng… Đến nay, ông có khoảng hơn 50 ca khúc đậm chất trữ tình, trong đó hai ca khúc viết về ngành Điện là Bài ca ánh sáng và Bài ca nhớ thương luôn được người nghe yêu thích và ngân nga để nhớ về những ngày ánh điện bừng sáng, xua tan bóng đêm năm nào.
Theo Tạp chí Điện lực số quý IV năm 2022
Share