Nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Điện lực (sửa đổi)

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Điện lực (sửa đổi) như đề xuất của Chính phủ.

Tạo điều kiện cho phát triển nguồn và lưới điện

Chiều 19/8/2024, tiếp tục phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

Thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Điện lực (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, Dự thảo Luật có 9 chương, 121 điều (tăng 51 điều so với Luật hiện hành), trong đó, giữ nguyên 1 Điều là so với Luật hiện hành.

Về sự cần thiết xây dựng dự án Luật, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Điện lực (sửa đổi) như đề xuất của Chính phủ tại Tờ trình số 380/TTr-CP.

Ngoài ra, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhấn mạnh thêm các yêu cầu khi sửa đổi Luật Điện lực: Thể chế hóa đầy đủ, toàn diện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tạo điều kiện cho phát triển nguồn và lưới điện nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao của quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và an ninh năng lượng quốc gia, trong đó, đẩy mạnh việc phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới phù hợp với hiện trạng của đất nước;

Tăng cường tính minh bạch trong các hoạt động điện lực, hướng tới xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hoàn chỉnh; xử lý, tháo gỡ những hạn chế, vướng mắc trong quy định của pháp luật về điện lực, đồng thời không hợp thức hóa các sai phạm trong lĩnh vực điện lực; thực hiện cải cách theo hướng hiệu lực, hiệu quả, phân cấp, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, giảm bớt các đầu mối trong quản lý nhà nước về điện lực; đảm bảo cụ thể hóa đầy đủ 6 chính sách xây dựng dự án Luật theo đề nghị xây dựng Luật đã được Quốc hội thông qua.

Về hồ sơ và thời hạn gửi hồ sơ dự án Luật, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, về cơ bản, các tài liệu trong hồ sơ đã bảo đảm theo yêu cầu quy định tại Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đã cụ thể hóa được 6 nhóm chính sách được thông qua.

Về cơ bản dự thảo Luật đã thể chế hóa và phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Các nội dung của dự thảo Luật cơ bản phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013; tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục rà soát, đối chiếu các quy định của dự thảo Luật với các luật có liên quan để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp quy định của các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Việt Nam là thành viên.

Đồng thời, đề nghị tiếp tục rà soát trong quá trình xây dựng Luật, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp với thực tế của Việt Nam để bảo đảm tính khả thi của một số quy định như tính độc lập trong hoạt động của các đối tượng tham gia thị trường điện cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi của người sử dụng điện, các bên tham gia mua bán điện, mô hình đầu tư năng lượng mới, năng lượng tái tạo…

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy

Nhiều nội dung quy định mới về đầu tư dự án, công trình điện lực

Về chính sách của Nhà nước về phát triển điện lực (Điều 5), Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cơ bản nhất trí với việc bổ sung các nội dung về chính sách của Nhà nước về phát triển điện lực, các quy định tại Điều 5 cơ bản kế thừa các quy định tại Luật Điện lực hiện hành.

Tuy nhiên, để hoàn thiện quy định tại Điều 5, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ việc cụ thể hóa các chính sách quy định tại Điều này trong dự thảo Luật hoặc các luật khác có liên quan để: Bảo đảm tính khả thi trong việc thực hiện các chính sách của Nhà nước.

Đặc biệt, các nội dung về giá điện, về việc xóa bỏ bù chéo; nghiên cứu bổ sung một số chính sách lớn liên quan đến bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; phát triển tổng thể nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành điện; nghiên cứu, ứng dụng khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực năng lượng; bổ sung chủ trương bảo đảm mục tiêu phát triển ngành điện gắn liền với an ninh năng lượng.

Về phát triển điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới (Chương III), theo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới là cần thiết, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam phấn đấu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, phù hợp với xu thế chung của thế giới.

Tuy nhiên, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, bổ sung các nguyên tắc như: Bảo đảm an ninh cung cấp điện và an toàn hệ thống điện; đồng bộ với phát triển cơ sở hạ tầng của hệ thống điện; đồng bộ kế hoạch đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.

Về giấy phép hoạt động điện lực (Chương IV), Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thấy rằng, cấp giấy phép hoạt động điện lực là nội dung quan trọng, quy định về thủ tục hành chính mà tổ chức, doanh nghiệp phải thực hiện khi tham gia hoạt động điện lực, do đó, cần quy định cụ thể, rõ ràng, minh bạch.

Do đó, cần quy định cụ thể, đánh giá kỹ hơn việc xem xét miễn trừ, thu hồi giấy phép, điều kiện cấp phép đối với từng hoạt động (như phát điện, truyền tải, phân phối, bán lẻ điện...), từng trường hợp cụ thể (như cấp lại, gia hạn, cấp mới,...) để đảm bảo phù hợp và đồng bộ với quy định của Luật Đầu tư.

Về giá điện và giá các dịch vụ về điện (từ Điều 76 đến Điều 78), Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị nghiên cứu, bổ sung các quy định cụ thể về việc đảm bảo cơ cấu giá điện ổn định; quy định nguyên tắc, lộ trình rõ ràng về cải cách giá điện như: Xóa bỏ bù chéo giữa các nhóm khách hàng, thực hiện giá điện hai thành phần, giá điện cho khuyến khích sử dụng tiết kiệm điện, giá điện nhập khẩu, xuất khẩu... để tạo tín hiệu tốt, thu hút đầu tư vào ngành điện. Đồng thời, cần quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan quản lý nhà nước đối với lĩnh vực giá điện.

Về quy định chuyển tiếp (Điều 121), Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy dự thảo Luật có nhiều nội dung quy định mới về đầu tư dự án, công trình điện lực so với quy định của Luật Điện lực hiện hành và quy định của pháp luật về đầu tư, đầu tư công, đấu thầu.

Do đó, đề nghị cơ quan Chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ các nội dung của dự thảo Luật để bảo đảm quy định đầy đủ các nội dung cần quy định chuyển tiếp, đặc biệt là trong việc đầu tư thực hiện các dự án, công trình điện lực.

Link gốc