Nhiệt điện than vẫn là giải pháp cơ bản để đảm bảo điện

Nhiệt điện than vẫn được các chuyên gia năng lượng đánh giá là giải pháp cơ bản để đảm bảo cung cấp điện với chi phí hợp lý, phù hợp với kinh tế đất nước và thu nhập của người dân trong hiện tại và tương lai gần.

Hội thảo “Tìm giải pháp phát triển nguồn điện, đảm bảo an toàn năng lượng quốc gia” do Báo Tiền Phong tổ chức tại TP.HCM ngày 28/5, với sự tham gia của Bộ Công Thương, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Viện Kinh tế Việt Nam và các sở, ngành chức năng của nhiều tỉnh phía Nam. 

Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) - ông Lê Văn Lực cho biết, về cơ cấu nguồn điện hiện nay, thủy điện (có giá thành thấp nhất) đã cơ bản khai thác hết tiềm năng. Nhiệt điện khí phụ thuộc vào giá khí, hơn nữa, các mỏ khí trong nước đang dần cạn và phải nhập khẩu LNG cho sản xuất điện từ năm 2021. Nguồn năng lượng tái tạo thì giá thành sản xuất còn cao và có các đặc tính phụ thuộc vào thời tiết, vận hành không ổn định và cần có nguồn dự phòng. 

Do đó, nhiệt điện than vẫn là giải pháp cơ bản đảm bảo cung cấp điện với chi phí hợp lý, phù hợp với kinh tế đất nước và thu nhập của người dân. 

Lượng điện năng sản xuất từ nhiệt điện than vào năm 2030 dự kiến chiếm khoảng 53,2% tổng sản lượng điện của hệ thống. Tuy nhiên, nếu một số dự án nhiệt điện than không thực hiện được theo quy hoạch, sẽ tiềm ẩn nguy cơ thiếu điện. 

Theo PGS.TS. Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam, không chỉ ở Việt Nam, nhiệt điện than vẫn chiếm tỷ lệ chủ yếu trong tổng sản lượng điện của thế giới trong 3 - 4 thập niên tới đây.

Ông cũng phản bác các thông tin cho rằng nhiệt điện than thải ra nhiều nguyên tố kim loại nặng, là nguồn gây ung thư cho cộng đồng; làm tăng nồng độ bụi mịn... Ông khẳng định: "Đó là những thông tin không chính xác. Hiện nhiều nước công nghiệp phát triển vẫn phát triển nhiệt điện than như Đức, Úc, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Ba Lan, Trung Quốc. Trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam, nếu không phát triển nhiệt điện than thì sẽ dẫn tới thiếu điện". 

Theo các chuyên gia ngành năng lượng, trong giai đoạn 2020-2030 và những năm tiếp theo, để bảo đảm cung cấp điện ổn định, phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội đất nước, cần phải thực hiện các dự án nguồn điện theo quy hoạch đã được phê duyệt bảo đảm tiến độ. 


  • 29/05/2019 05:54
  • Mai Hương
  • 11568