Nhiều văn bản liên quan đến ngành Điện có hiệu lực từ tháng 12/2013

01:47, 02/12/2013

Nhiều văn bản, quy phạm pháp luật của Chính phủ liên quan đến quản lý ngành Điện được thi hành từ tháng 12/2013. Đó là:

Nghị định số 124/2013/NĐ/CP ngày 14/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ: Quy định chính sách ưu đãi, hỗ trợ người đi đào tạo trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

Nghị định này áp dụng đối với người đi đào tạo các chuyên ngành trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử đáp ứng đủ các điều quy định sẽ được miễn học phí và ở ký túc xá miễn phí; được cấp sinh hoạt phí hằng tháng tùy theo hình thức đào tạo ở trong nước, nghiên cứu sinh hoặc đào tạo ở nước ngoài... Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2013.

Nghị định số 134/2013/NĐ-CP ngày 17/10/2013 của Chính phủ: Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả chính thức áp dụng từ ngày 1/12/2013.

Có nhiều điểm mới trong Nghị định số 134/2013/NĐ-CP so với Nghị định số 68/2010/NĐ-CP ngày 15/6/2010 của Chính phủ, trong đó có việc quy định đối với trường hợp trộm cắp điện từ 20.000 kWh trở lên được chuyển hồ sơ để truy cứu trách nhiệm hình sự. Nghị định cũng quy định rất chi tiết hành vi vi phạm, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả; thủ tục và thẩm quyền xử phạt vi phạm trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả...

Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ: Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực. Nghị định này chính thức được áp dụng từ ngày 10/12/2013.

Những điểm mới của Nghị định số 137/2013/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành đó là: quy định về thanh toán tiền điện; về Hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt; về Hành vi vi phạm hợp đồng mua bán điện,quy định, khi thay đổi thiết bị đo đếm điện cũng như việc ghi chỉ số công tơ điện...

Đồng thời, Nghị định số 105/2005/NĐ-CP ngày 17/8/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực sẽ hết hiệu lực từ ngày Nghị định 137/2013/NĐ-CP được áp dụng.

Thông tư số 27/2013/TT-BCT ngày 30/10/2013 của Bộ Công Thương: Quy định về kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện, giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện được áp dụng từ ngày 15/12/2013. 

Thông tư quy định trình tự kiểm tra hoạt động điện lực trong các lĩnh vực: Tư vấn chuyên ngành điện lực, phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện; kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về sử dụng điện, bảo vệ an toàn công trình điện lực và lưới điện; Quy định về tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền hạn của Kiểm tra viên điện lực và các trình tự giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện...

Quyết định số 63/2013QĐ-TTg ngày 8/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ: Quy định về lộ trình, các điều kiện và cơ cấu ngành điện để hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam. Quyết định có hiệu lực từ 25/12/2013.

Theo đó, thị trường điện lực được hình thành và phát triển qua 3 cấp độ:

Cấp độ 1 - Thị trường phát điện cạnh tranh. Được tiếp tục thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh đến hết năm 2014.

Cấp độ 2 - Thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Cụ thể, từ năm 2015-2016, thực hiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh thí điểm; từ năm 2017-2021, thực hiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh hoàn chỉnh.

Cấp độ 3 - Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Cụ thể, từ năm 2021-2023, thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh thí điểm; từ sau năm 2023, thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hoàn chỉnh.

Thông tư Thông tư số 30/2013/TT-BCT ngày 14/11/2013 của Bộ Công Thương: Quy định về điều kiện, trình tự ngừng, giảm mức cung cấp điện được chính thức áp dụng kể từ ngày 25/12/2013,

Thông tư quy định 3 điều kiện ngừng, giảm mức cung cấp điện đó là: ngừng, giảm mức cung cấp điện không khẩn cấp; ngừng, giảm mức cung cấp điện khẩn cấp; ngừng cấp điện do tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật...

 

 


Lương Nguyên (tổng hợp)

Share