Cùng với hành trình 48 năm hình thành và phát triển của Công ty, đội ngũ nữ CBCNV Công ty đã không ngại những khó khăn, thử thách, cần mẫn bám nghề, khẳng định được vai trò của phụ nữ trong thời kỳ mới. Trong lĩnh vực đặc thù như ngành Điện, phần lớn nữ CBCNV công ty được sắp xếp công việc văn phòng, bao gồm cả việc tăng cường đi hiện trường để thực hiện các nhiệm vụ như đến từng xã, phường để ký hợp đồng điện tử, cài app, khảo sát lắp mới, thực hiện công tác tuyên truyền... Dù ở vị trí công tác nào, nữ CBCNV PC Gia Lai đều luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, đa năng, xông xáo nhiệt huyết, hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao.
Chị Huỳnh Thị Minh Hiếu, nhân viên Phòng Kinh doanh, Điện lực Ayun Pa chia sẻ: “Điện lực Ayun Pa có 7 nữ CBCNV. Mỗi lần về các xã vùng sâu vùng xa, mặc dù các chị em đều đi từ rất sớm để kịp có mặt tại địa bàn. Nhưng có đôi khi, do thói quen sinh hoạt của một số làng người đồng bào dân tộc thiểu số, khi chị em đến nơi thì các thanh niên trong làng đã say, nên việc tiếp cận khách hàng (KH) thêm phần khó. Nhưng sau đó, bằng sự kiên trì và cái tâm trong nghề, cùng với những kinh nghiệm sau bao nhiêu năm gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên và thấu hiểu con người nơi đây, các chị em đều có cách xử lý ổn thỏa, đem thông tin cần thiết đến KH và hoàn thành nhiệm vụ được giao. Với những cố gắng đó, từ đầu năm đến nay, Điện lực Ayun Pa đã tiến hành ký hợp đồng điện tử được 16.403 KH, cài app cho 2.198 KH và thực hiện khảo sát lắp mới cho 513 KH”.
Lãnh đạo PC Gia Lai biểu dương, khen thưởng những cá nhân đạt thành tích trong hoạt động SXKD của Công ty
|
Cũng là một huyện vùng xa, cách trung tâm thành phố trên 100km, Điện lực Kbang có 18.993 KH sử dụng điện với 48% KH là người đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, xã Kon Pne – xã đặc biệt khó khăn nhất của huyện, cách trung tâm huyện Kbang 80km, giao thông đi lại khá khó khăn.
Là một trong những nữ CBCNV trực tiếp về xã Kon Pne thực hiện ký hợp đồng, chị Lê Thị Sơn Anh – nhân viên Phòng Kinh doanh, Điện lực Kbang chia sẻ: “Xã Kon Pne có 99,54% KH là người dân tộc Bahnar, cuộc sống bà con nơi đây còn nhiều vất vả, thiếu thốn và còn có tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự bao cấp của nhà nước. Muốn đưa thông tin đến bà con một cách hiệu quả nhất, bản thân các chị em đã thực sự nỗ lực và cố gắng rất nhiều”.
Trong mỗi lần đi công tác xa như thế, ngoài cố gắng hoàn thành tốt công việc chuyên môn, các chị em luôn sắp xếp ổn thỏa công việc gia đình để có thể vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ, vừa giữ tròn vai người vợ, người mẹ trong gia đình. Vất vả là thế, nhưng sau mỗi chuyến đi, các chị vẫn luôn giữ được nụ cười rạng rỡ trên môi bởi sự hài lòng của bà con với sự nhiệt tình, chu đáo của những nữ CBCNV ngành Điện. Đó thực sự là nguồn động lực rất lớn để các chị em tiếp tục gắn bó với nghề mà “thế mạnh không thuộc về phụ nữ”.
Có thể nói, phụ nữ ngành Điện làm việc ở vùng xa có nhiều vất vả, nhưng làm việc tại thành phố lại có những khó khăn đặc thù riêng. Điện lực Pleiku 15 nữ CBCNV, chủ yếu được phân công nhiệm vụ là nhân viên giao tiếp KH, nhân viên theo dõi nợ… Với số lượng KH khá đông nên khối lượng công việc lớn, chính vì thế các chị thường xuyên phải làm việc quá 8 tiếng mỗi ngày. Ngoài ra, với đối tượng KH đa dạng và thuộc nhiều thành phần khác nhau, phần lớn KH có sự hiểu biết và nắm khá rõ các thông tin về ngành Điện nên càng đòi hòi nữ CBCNV phải khéo léo và nhẫn nại khi làm việc trực tiếp với KH.
Cần cù, chịu thương chịu khó vốn là những đức tính cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam xưa và nay. Những đức tính cao đẹp ấy vẫn đang được nữ CBCNV PC Gia Lai học tập và phát huy để xứng đáng là những người phụ nữ hiện đại “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, chung tay góp sức thắp sáng dòng điện trên miền đất đỏ Banzan - Tây Nguyên hùng vỹ.
Hồng Báu
Share