1. Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm:
a) Những điểm mới, nổi bật
- Điểm mới thứ nhất:
Điều 3 của Quy định 37-QĐ/TW bổ sung một nội dung mới so với quy định 47-QĐ/TW năm 2011. Đó là đảng viên không được “Phản bác, phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; không thực hiện trách nhiệm nêu gương; chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi; "tư duy nhiệm kỳ", đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; độc đoán, chuyển quyền, quan liêu, xa rời quần chúng”.
Việc bổ sung Điều 3 với những nội dung hoàn toàn mới như nói trên là để khắc phục tình trạng "phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin; nói trái, làm trái quan điểm, đường lối của Đảng; sa sút về ý chí chiến đấu, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh; thậm chí còn phụ hoạ theo những nhận thức, quan điểm sai trái, lệch lạc...".
- Điểm mới thứ hai:
Tại Điều 11, Quy định này bổ sung thêm nội dung mới: Đảng viên không được “Lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước”.
Điểm mới này nhằm thích ứng với các chủ trương mới của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Cụ thể như Kết luận 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
- Điểm mới thứ ba:
Điều 13 quy định, đảng viên không được “Can thiệp, tác động vào hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, xét đặc xá, giải quyết khiếu nại, tố cáo để bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tác động, ép buộc, mua chuộc tổ chức, cá nhân để giảm trách nhiệm, hình phạt cho người khác”, nội dung này tại Quy định 47-QĐ/TW năm 2011 chưa có.
Việc bổ sung điểm mới này thể hiện sự quyết tâm của Đảng ta trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
- Điểm mới thứ tư:
Trong Quy định số 37-QĐ/TW đã thay đổi thứ tự một số điều so với Quy định 47-QĐ/TW. Điều 1 quy định không được "Nói, viết, làm trái hoặc không thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, quy chế, quyết định của Đảng; làm những việc mà pháp luật không cho phép." Điều 2 "Không chấp hành các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; tự ứng cử, nhận đề cử và đề cử các chức danh của tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ khi chưa được tổ chức đảng có thẩm quyền cho phép." Và Điều 3 là quy định mới. Ở đây có sự thay đổi thứ tự cho phù hợp, không theo thứ tự như Quy định 47-QĐ/TW; đồng thời được sắp xếp lại từ việc cấm những điều ảnh hưởng đến sinh mệnh của toàn Đảng, đất nước trước, sau đó đi vào những điều cụ thể.
b) Quy định 37-QĐ/TW cũng bổ sung một số hành vi mới yêu cầu đảng viên không được làm như:
- Tại Điều 6: Bổ sung thêm hành vi không được “Đe doạ, trù dập, trả thù người khiếu nại, tố cáo; không thực hiện các quy định của Đảng và pháp luật về bảo vệ người tố cáo, phê bình, góp ý”;.
- Tại Điều 9: Bổ sung thêm hành vi không được “Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận giả, không hợp pháp; nhập quốc tịch, chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài, mở tài khoản và mua bán tài sản ở nước ngoài trái quy định”.
- Tại Điều 11: Bổ sung thêm hành vi không được“Lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước”.
- Tại Điều 12: Đảng viên không được “Có hành vi chạy chức chạy quyền”;
- Tại Điều 14: Bổ sung thêm hành vi không được “Tham ô";
- Tại Điều 18: Bổ sung thêm thái độ “Thờ ơ, vô cảm với các hành vi sai trái trong xã hội”;
2. Quy định số 41-QĐ/TW ngày 03/11/2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ.
a) Các khái niệm được sửa đổi, bổ sung
So với Quy đinh số 260-QĐ/TW ngày 02/10/2009 trước đây (Quy định 260), Quy định mới này đã sửa đổi, bổ sung các khái niệm như sau:
- Miễn nhiệm là việc cấp có thẩm quyền quyết định cho cán bộ thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm do không đáp ứng được yêu cầu công việc, uy tín giảm sút, có vi phạm nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật cách chức.
- Từ chức là việc cán bộ tự nguyện xin thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm và được cấp có thẩm quyền chấp thuận.
Theo quy định mới, miễn nhiệm được bổ sung thêm “khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm”. Đồng thời quy định cũng bổ sung thời điểm cán bộ từ chức là “khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm”
Ngoài ra, Quy định 41-QĐ/TW cũng bổ sung hai khái niệm mới là "vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng" và "vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng” cụ thể:
- Vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại lớn, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm giảm uy tín của bản thân và tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị nơi đảng viên sinh hoạt, công tác.
- Vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại rất lớn, gây dư luận xấu, rất bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm mất uy tín của bản thân và tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị nơi đảng viên sinh hoạt, công tác.
b) Những điểm mới nổi bật.
- Tại Khoản 3 Điều 3 quy định không cho cán bộ từ chức nếu phải miễn nhiệm, cụ thể: Kiên quyết, kịp thời xem xét cho miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ khi có đủ căn cứ. Không thực hiện việc cho từ chức đối với cán bộ thuộc trường hợp phải miễn nhiệm.
Trong khi đó, khoản 3 Điều 3 Quy định 260 cũ không đề cập đến vấn đề này mà chỉ nêu, việc từ chức của cán bộ do người đứng đầu quyết định sau khi tham khảo ý kiến của các thành viên lãnh đạo khác.
- Tại Điều 4: đã quy định cụ thể về thẩm quyền mà không phải nêu trong nguyên tắc chung như Quy định 260 cũ, cụ thể Điều 4 như sau:
+ Cấp có thẩm quyền bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử theo quy định thì có thẩm quyền xem xét cho cán bộ miễn nhiệm, từ chức.
+ Đối với cán bộ thuộc thẩm quyền quyết định của cấp trên thì cấp uỷ, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo báo cáo cơ quan, đơn vị sử dụng cán bộ đề xuất việc cho miễn nhiệm, từ chức.
+ Cấp uỷ, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, cơ quan, đơn vị cấp trên có quyền yêu cầu cấp dưới xem xét, thực hiện việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ khi có đủ căn cứ theo Quy định này.”
- Tại Điều 5, Điều 6: đã quy định cụ thể việc xem xét miễn nhiệm, xem xét từ chức với cán bộ như sau:
Xem xét miễn nhiệm
+ Bị cảnh cáo/khiển trách, uy tín giảm sút không thể đảm nhiệm chức vụ được giao (theo quy định cũ: “Bị kỷ luật cảnh cáo/khiển trách mà yêu cầu nhiệm vụ công tác cần phải thay thế”).
+ Bị khiển trách 02 lần trở lên trong cùng một nhiệm kỳ/thời hạn bổ nhiệm (quy định cũ không nên rõ hình thức kỷ luật khiển trách mà chỉ quy định là bị kỷ luật hai lần).
+ Có trên 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu (quy định cũ không có nội dung này).
+ Có 02 năm liên tiếp xếp loại mức không hoàn thành nhiệm vụ.
+ Bị kết luận suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa, vi phạm những điều đảng viên không được làm, trách nhiệm nêu gương, ảnh hưởng xấu đến uy tín bản thân, cơ quan, đơn vị đang công tác (trước đây chỉ quy định là: bị kết luận vi phạm những điều đảng viên, cán bộ, công chức không được làm).
+ Bị kết luận vi phạm tiêu chuẩn chính trị về bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng đến mức phải miễn nhiệm (như Quy định 260 cũ).
Bên cạnh đó, so với quy định cũ, Bộ Chính trị đã bỏ các trường hợp xem xét miễn nhiệm dưới đây:
+ Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận bằng văn bản về vi phạm pháp luật nhưng chưa đến mức cách chức/bãi nhiệm.
+ Để đơn vị mất đoàn kết hoặc làm đơn vị mất đoàn kết theo kết luận của cơ quan có thẩm quyền”.
Xem xét từ chức
+ Do hạn chế về năng lực/không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao (Quy định cũ là “do nhận thấy hạn chế về năng lực hoặc sức khỏe”)
+ Để cơ quan, đơn vị mình quản lý, phụ trách xảy ra sai phạm nghiêm trọng (quy định cũ là “do nhận thấy không đủ uy tín để hoàn thành chức trách nhiệm vụ được giao; do nhận thấy sai phạm, khuyết điểm của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình hoặc của cấp dưới có liên quan đến trách nhiệm của mình”).
+ Có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu (quy định cũ không có nội dung này).
+ Vì lý do chính đáng khác của cá nhân.
Bên cạnh đó, so với quy định cũ, Bộ Chính trị đã bỏ trường hợp xem xét từ chức đối với “cán bộ từ chức để chuyển giao vị trí lãnh đạo, quản lý”.
- Tại Điều 8, quy trình xem xét miễn nhiệm, từ chức đã được thể hiện cụ thể, rõ ràng hơn như sau:
+ Chậm nhất 10 ngày làm việc kể từ khi có đủ căn cứ miễn nhiệm, từ chức: Cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan, đơn vị sử dụng cán bộ hoặc cơ quan tham mưu về công tác cán bộ có trách nhiệm trao đổi với cán bộ và đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
+ Cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, từ chức trong thời gian 10 ngày làm việc; trường hợp cần thiết, vì lý do khách quan thì có thể kéo dài không quá 15 ngày làm việc.
Như vậy, theo quy định này, thời gian chậm nhất để xem xét, quyết định miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ là 25 ngày làm việc. Trước đây, tại Điều 19, Quy định số 260-QĐ/TW, thì thời gian giải quyết, xem xét miễn nhiệm, từ chức của cán bộ là trong thời hạn 30 ngày làm việc.
- Tại Điều 9: quy định thống nhất về hồ sơ miễn nhiệm, từ chức, gồm:
+ Tờ trình của cơ quan tham mưu về công tác cán bộ.
+ Quyết định, kết luận, thông báo, ý kiến của cơ quan có thẩm quyền, biên bản hội nghị, đơn của cán bộ xin từ chức, báo cáo đề nghị của cơ quan sử dụng cán bộ và các tài liệu có liên quan.
Trước đây Quy định 260 cũ tách riêng và thành phần hồ sơ của trường hợp miễn nhiệm, từ chức là khác nhau.
Qua những điểm mới tại Điều 8, Điều 9 nêu trên, có thể thấy: về quy trình miễn nhiệm, từ chức của cán bộ đã được quy định ngắn gọn hơn, giảm bớt hồ sơ cũng như được quy định thống nhất, cụ thể.
- Tại Điều 10: quy định việc bố trí công tác với cán bộ sau khi từ chức:
+ Cán bộ sau khi từ chức nếu có nguyện vọng tiếp tục công tác thì cấp có thẩm quyền có thể căn cứ vào năng lực, đạo đức, kinh nghiệm để xem xét, bố trí công tác phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
+ Cán bộ đã từ chức và bố trí công tác khác, nếu được cấp có thẩm quyền đánh giá tốt, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện và khắc phục được những yếu kém, sai phạm, khuyết điểm thì có thể được xem xét để quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử theo quy định.
Đây là quy định mới, trước đây Quy định 260-QĐ/TW cũ chưa đề cập đến.
3. Kết luận số 09-KL/TW ngày 09/7/2021 của Ban Bí thư về xác định trình độ lý luận chính trị đối với cán bộ, đảng viên
Tại Kết luận 09-KL/TW, Ban Bí thư đã quyết định dừng việc xác định trình độ lý luận chính trị theo Quy định số 256-QĐ/TW, ngày 16/9/2009 của Ban Bí thư về xác định trình độ lý luận chính trị đối với cán bộ, đảng viên đã học lý luận chính trị ở các cơ sở đào tạo ngoài hệ thống trường chính trị của Đảng hoặc đã học đại học chính trị chuyên ngành và sau đại học tại Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh.
4. Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung
Bộ Chính trị yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số chủ trương sau:
1. Nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu, tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng và đồng thuận trong xã hội về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, hết lòng, hết sức vì nhân dân phục vụ của đội ngũ cán bộ.
2. Trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn, khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển chung
3. Đề xuất đổi mới, sáng tạo của cán bộ phải báo cáo với người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị nơi công tác; được cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định cho thực hiện hoặc thực hiện thí điểm, bảo đảm không trái với Hiến pháp và Điều lệ Đảng. Các cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị quan tâm hỗ trợ nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ triển khai thực hiện.
4. Khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp, nếu thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm.
Xử lý nghiêm việc lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật của nhà nước.