Những người đi “khai sơn phá thạch”

Gặp gỡ những người làm công tác khảo sát, tư vấn xây dựng các công trình điện, tôi mới thấu hiểu những khó khăn, thử thách mà họ phải vượt qua trên chặng đường tìm kiếm, thăm dò những địa điểm xây dựng các công trình điện mang lại nguồn sáng cho  đất nước.

Cơm nắm, muối vừng  lội suối, trèo đèo

Ông Đào Quang Hân -  nguyên Trưởng đoàn khảo sát công trình điện, Công ty Tư vấn xây dựng Điện 1

Ông Đào Quang Hân - Cựu trưởng đoàn khảo sát công trình điện, thuộc Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 1 đã gắn bó với nghề gần 40 năm. Ông cho biết, đã đặt chân lên hầu hết các địa danh thuộc mảnh đất hình chữ S và cũng là một trong những người đầu tiên có mặt trong Đoàn khảo sát, thiết kế Thủy điện Hòa Bình.

Cho đến bây giờ, ông vẫn không quên những gian khổ đã trải qua cùng anh em ở nơi rừng sâu, núi thẳm. Ăn uống thiếu thốn, kham khổ, quần áo không đủ ấm trong khi trời rét cắt da cắt thịt. Anh em vẫn phải trèo đèo, lội suối cùng cơm nắm, muối vừng đi khắp tỉnh Hòa Bình. Cứ như thế, họ đi bộ hàng năm trời dọc các dòng sông để cắm mốc đo đạc, khảo sát địa hình. Ngay cả những trận sốt rét rừng, những lần bị vắt, đỉa cắn bật máu, những lần hụt chân rơi xuống vách núi… cũng không làm họ gục ngã. Nhiều người cả năm trời không về thăm nhà. Có người khi về đến nhà, người thân chỉ biết khóc ròng vì quá thương sự vất vả, nhọc nhằn hiển hiện rõ trên khuôn mặt, mái tóc, màu da.

Ở Hòa Bình, ông Hân làm nhiệm vụ xác định chính xác tọa độ các điểm mốc của công trình từ bản vẽ  đưa ra thực địa thi công. Ông đã gắn bó với công trình hơn 3 năm,  ăn , ngủ trong rừng, ngày đêm lăn lộn  với công việc, không có thời gian về thăm nhà lần nào.

Năm 1984, Công ty Tư vấn Xây dựng điện 1 bắt đầu khảo sát đường dây 220 kV Hòa Bình – Hà Đông – Chèm (120 km) và Phả Lại – Hải Phòng (60 km) với thời gian khảo sát 3 tháng, nếu không hoàn thành sẽ bị kỷ luật. Ông Hân và các anh em trong đoàn chia nhau làm ngày làm đêm. Họ đi từ mờ sáng, đến khi tối trời, không còn nhìn thấy được “MIA” (dụng cụ đo đạc trắc địa) mới quay về. Lùa vội bát cơm, chưa kịp nghỉ, lại ngồi vào bàn với tính toán và các bản vẽ còn dang dở. Thông thường, mỗi tổ được phân công khảo sát 20 - 30 km. Ô tô của cơ quan chở họ đến địa điểm đã định. Sau đó, mỗi người chia nhau vác máy tầm 20 - 30 kg, chân máy khoảng 15 kg, tấm MIA 5 kg, các dụng cụ như: Cọc, búa… Ai cầm dao thì đi trước phát cây cối, bụi rậm, mở đường. Trung bình mỗi ngày phải khảo sát đo đạc khoảng 2 km. Lúc tối trời lại vào nhà dân xin nghỉ nhờ. Khi làm hết 30 km, ô tô cơ quan mới đón về.

Nhưng thông thường, anh em bao giờ cũng cố gắng hoàn thành sớm hơn dự kiến để tranh thủ về thăm nhà. Họ mang theo xe đạp, có người làm xong phần việc, đạp xe từ Vinh, Đồng Hới về Hà Nội. Thương anh em vất vả, ông Hân đã xin với lãnh đạo liên hệ sang khảo sát thuê cho Liên Xô một công trình để có tiền mua khoảng 20 – 30 chiếc xe máy Min-khơ cho anh em đi công trình. Nhưng đúng lúc lo xong thủ tục, hành lý để lên đường thì Liên Xô tan rã. Vậy là tan ước mơ mua xe cho anh em. Ông Hân ngậm ngùi nhớ lại.

“Các anh phải được phong anh hùng hết”

Những người làm công tác khảo sát, tư vấn xây dựng là những người đi tiên phong, “khai sơn phá thạch”. Họ có mặt ở những nơi rừng thiêng nước độc, những nơi thậm chí ngay cả người dân địa phương cũng chưa đặt chân đến. Trong cuộc đời mình, ông Hân không thể nào quên những ngày tháng khảo sát đường dây 500 kV mạch 1. Trong tay chỉ có tấm bản đồ và cây bút, nhóm của ông cứ đi đến đâu cắm mốc đến đó. Có những đoạn ô tô không đi được như Hòa Bình, Thanh Hóa, Thọ Xuân, Nghi Xuân, Thái Hòa (Nghệ An)… ông và các đồng nghiệp cuốc bộ hàng trăm km xuyên rừng.

Đoạn đèo Lò Xo từ Quảng Nam đi Kon Tum và đèo Hải Vân là những đoạn khó khăn, gian khổ nhất. Người dân địa phương lúc bấy giờ cứ nhìn thấy nhóm khảo sát là bảo “các anh phải được phong anh hùng hết”. Họ thực sự ngưỡng mộ và cảm phục trước những nỗ lực bền bỉ của những người khảo sát. 5h sáng, mọi người cơm nắm, muối vừng, khoác balo đi từ dưới chân lên đỉnh đèo, đến khoảng 11h trưa ngày hôm sau thì đến nơi. Họ thực hiện công việc khảo sát, đo đạc thực địa trong vòng 2h. Đến 1h30 chiều là phải kết thúc để đi xuống chân đèo trước khi bóng tối kéo đến. Đi lên đi xuống mất hàng chục giờ đồng hồ, làm việc chỉ có 2 giờ. Hành trình này cứ lặp đi lặp lại, 3 tháng mới xong.

Những chuyến đi khảo sát về dòng sông Đà, phục vụ công trình Thủy điện Sơn La đã được cán bộ tiền thân của Công ty CP tư vấn xây dựng điện 1 thực hiện vào tháng 11/1975. Nguồn: Ban A Sơn La

Hiểm nguy luôn rình rập

Ông Nguyễn Hữu Mùi – Chủ tịch Công đoàn – Công ty Tư vấn Xây dựng điện 1 chia sẻ, ngày trước anh em khảo sát phải đối mặt với nhiều rủi ro lắm. Khi làm Thủy điện Yaly, Trị An, nơi rừng núi hiểm trở vẫn còn nhiều bom mìn từ chiến tranh, những thùng phuy đựng chất độc hóa học mà anh em không biết, chỉ cần dùng dao bổ xuống một nhát là có thể bị ngất ngay. Nước suối cũng nhiễm chất độc hóa học, mà nước sạch thì không có. Thời gian khảo sát lại kéo dài hàng năm, chỉ có thể làm lán trại tạm, anh em nhịn đói nhịn khát, thiếu thốn đủ thứ, vất vả vô cùng. Trong khi đó, đúng giai đoạn Công ty khó khăn, anh em chỉ được trả lương bằng hiện vật như dép nhựa trắng! Thế mà kỹ sư, cán bộ, công nhân vẫn miệt mài, tận tụy làm việc, cống hiến cho ngành Điện, cho sự phát triển của đất nước.

Ngay cả thời điểm hiện tại, những người làm công việc khảo sát, tư vấn xây dựng điện vẫn phải hy sinh nhiều thứ: Tình cảm, hạnh phúc gia đình, nuôi dạy con cái, thậm chí là cả xương máu. Chuyện nhịn đói cả ngày, hoặc ăn mỳ tôm sống trên đỉnh đèo với họ chỉ là chuyện nhỏ. Những đoạn khảo sát phải trèo lên độ cao vài trăm đến gần nghìn mét mà sương mù dày đặc không thể đo đạc được, anh em đành phải “thắt lưng buộc bụng” nằm lại trên đỉnh đèo, chứ một khi đã đi xuống rồi thì không còn sức để leo lên nữa. Khảo sát, đo đạc mặt bằng cả một công trình thủy điện là hết sức phức tạp, vì diện tích rộng lớn, không có đường  vào, địa hình đa phần đều là rừng thiêng nước độc, dân bản địa còn sợ, nhưng anh em vẫn phải quyết tâm.

Ông Mùi nhớ lại những ngày khảo sát công trình Thủy điện Sơn La. Từ thành phố Sơn La vào địa điểm xây dựng công trình chỉ có 45 km nhưng đi từ 5h sáng đến 11h trưa mới đến nơi. Anh em đào hầm thí nghiệm bằng thủ công, chiều ngang 390m, sâu trong lòng núi 500m, rồi nổ mìn đo địa chấn, đổ các khối bê tông thí nghiệm xác định sự biến dạng trong điều kiện có áp suất đó như thế nào. Phải nói là vô cùng vất vả! Với công trình Thủy điện Lai Châu, khi đào hầm thí nghiệm cũng phải vào sâu 300m trong lòng núi, nước trong núi cứ chảy tí tách suốt ngày đêm, anh em đào hầm lúc nào cũng ướt như chuột.

Năm 1994, Đoàn khảo sát công trình Thủy điện Sơn La của Công ty gồm 6 người đã bị lật thuyền ở thác Tà Bú, 1 người đã tử nạn. Năm 2006, khi khảo sát công trình Thủy điện Huội Quảng, một kỹ sư đi khảo sát gặp lũ bất chợt, phải đu dây qua sông và đã gặp nạn, rơi xuống dòng nước, bị lũ cuốn trôi mất xác. Năm 2008, Đoàn khảo sát gồm 5 người lên công trình Thủy điện Sê San 3 cũng bị lật thuyền làm một người thiệt mạng… Dẫu biết hiểm nguy vẫn rình rập ở phía trước là vậy, nhưng đã làm nghề khảo sát xây dựng điện, họ sẵn sàng dấn thân vì dòng điện của đất nước.

 


  • 23/01/2015 09:29
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN
  • 3773


Gửi nhận xét