Những người thợ điện trong mùa lụt bão

Bão tiếp bão, lũ chồng lũ. Sự cố do lũ lụt đợt trước chưa kịp khắc phục xong, bão đã tràn tới làm cho cả một vùng miền Trung "trắng điện". Những người thợ mang sắc áo cam lại phải lên đường.

5 lần nước lên là năm lần ông Lê Trọng Suyền và bà Nguyễn Thị Mến (thôn Phù Lưu, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) loay hoay kê cao đồ đạc cùng nhau. "Cũng may nhờ bà con chòm xóm bưng cho mấy bao lúa đưa lên chỗ cao, chứ ở tuổi thất thập, vợ chồng tôi cũng đành "thả tay", nước lên nhanh quá", vừa quét lớp bùn non sau trận lụt, bà Mến vừa kể. Mấy người con gái đi lấy chồng xa. Anh con trai Lê Trọng Sáng là công nhân Điện lực Đakrông - Công ty Điện lực Quảng Trị, lên "trực chiến" tại Đội Quản lý điện tổng hợp A Ngo ở tận vùng biên giới Việt - Lào từ giữa tháng 9. Vì vậy, khi "tối lửa tắt đèn", ông bà Suyền chỉ biết cậy nhờ hàng xóm.

"Anh em cũng sốt ruột khi bão, lụt liên miên, trong khi ở nhà chỉ có cha mẹ già. Nhưng biết làm sao được, bà con mong có điện từng giờ. Công việc của chúng tôi là như vậy" - Kỹ sư Phan Văn Tùng, Đội trưởng Đội Quản lý điện tổng hợp A Ngo chia sẻ. Anh đang cùng các đồng nghiệp chuẩn bị vật tư để "cõng" vào Pa Linh, A Sau (xã A Vao, huyện Đakrông). Đợt mưa lũ tháng 10/2020 vừa qua đã làm sạt lở nhiều vị trí cột điện, đường giao thông cũng bị sạt lở và ngập lụt nhiều đoạn nên ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ khắc phục lưới điện. Ở Đội, có những anh em nhà bị ngập lụt nặng nhưng hơn cả tháng nay chưa về được nhà.

Những anh em mà anh Phan Văn Tùng vừa nhắc đến là các anh công nhân Lê Văn Nhu, Phạm Thế Nhân (công nhân Đội Quản lý điện tổng hợp A Ngo - Điện lực Đakrông) và những cán bộ, kỹ sư, công nhân khác nữa đang ngày đêm bám lưới điện để kiểm tra và xử lý sự cố lưới điện do mưa lũ gây ra. Họ để lại những ngôi nhà đang ngập chìm trong nước lụt cho cha mẹ già lo liệu.

Ưu tiên nhiệm vụ khắc phục sự cố điện, rất nhiều thợ điện đã phải đành lòng bỏ lại sau lưng việc nhà ngổn ngang sau bão, lũ

Thôn Phú Thọ, xã An Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, ba ngày sau khi nước lụt đạt đỉnh, nước vẫn chưa rút hết. Anh Thái Quốc Tám, công nhân Đội Quản lý đường dây và trạm biến áp, Điện lực Lệ Thủy, Công ty Điện lực Quảng Bình đang bì bõm cùng đồng nghiệp đi tìm và xử lý sự cố đường dây hạ áp sau Trạm biến áp Phú Thọ. Dù cho ngôi nhà bên bờ sông Kiến Giang của anh, cũng như những ngôi nhà ở xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy, ngập sâu trong nước. "Nước bắt đầu lên là tôi đi trực thao tác ở cơ quan. Vợ một mình xoay xở ở nhà, đành phải cậy nhờ bà con chòm xóm giúp đỡ" - anh Tám tâm sự. 

"Nhưng nhìn nhà cửa như thế đau lòng quá. Khi nước lên, vì công việc mình thả vậy không giúp được gì, giờ nước xuống chắc cũng thả vậy luôn. Bây giờ cấp điện cho nhân dân là quan trọng nhất". Nói xong, anh Tám lại tất tả cùng đồng đội di chuyển sang vị trí khác.

Không riêng có anh Tám, ở Điện lực Lệ Thủy còn có anh Phan Văn Tư, là công nhân lái xe nên trong những lúc xử lý sự cố không thể thiếu anh vận hành xe. Đợt lụt lịch sử vừa qua, một mình vợ ở nhà không xoay xở được, bao nhiêu lúa trong kho đều ngập nước.

Anh Tám kể, thợ điện thường đùa "Nếu muốn chồng ở bên lúc mưa dồn, gió dập, nước lớn, nước ròng thì tránh xa những anh làm nghề công an, bộ đội, điện lực...". Lúc bão lũ thiên tai là lúc những mẹ già, con thơ cần lắm bờ vai của người đàn ông trụ cột, nhưng cũng là lúc các anh lên đường làm nhiệm vụ. Gánh nặng gia đình đành để lại hậu phương...


  • 07/11/2020 05:10
  • Minh Thành
  • 4556