Những "thần đèn" áo cam

Giữa bộn bề guồng quay công việc, nhịp sống hối hả vẫn còn có niềm vui thật bình dị “trao đi” và “nhận về” đong đầy tình người. Và trong số những câu chuyện chúng tôi thu lượm được trên “từng cây số” là chuyện về những thợ điện giàu lòng nhân ái, sẵn sàng sẻ chia giúp đỡ người dân, khách hàng…

Những “trái tim hồng” trong màu áo cam

Chào tạm biệt gia đình có một bé sinh non thiếu tháng, bị thiếu tiểu cầu dẫn đến nguy cơ tử vong vừa được cứu sống từ chính giọt máu của mình, anh thợ điện bỗng  nghe thấy câu hỏi ngây thơ từ miệng một bé gái gần đó: “Bố ơi, chú ấy là… ông thần đèn hả bố?” Nghe câu hỏi của cô bé, “ông thần đèn” nở nụ cười.  Hơn 2 tiếng đồng hồ vừa qua anh đã nằm trên giường cấp cứu, để máu chảy qua máy lọc, tách lấy tiểu cầu, cứu sống sinh linh bé nhỏ mới chào đời.

“Ông thần đèn” mà cô bé nhắc tới ấy tên thật là Trần Tiến Trung, công nhân Đội Quản lý vận hành điện số 2 - Công ty Điện lực Hai Bà Trưng, Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội. Và đây cũng là một trong số rất nhiều lần người thợ điện này cho đi những giọt máu quý giá, góp phần nối dài sự sống cho một bệnh nhân đang cần máu.

Anh Trần Tiến Trung trong một lần tham gia hiến máu tình nguyện tại sự kiện Tuần lễ hồng EVN.

“Mỗi người sinh ra không ai muốn mang trong mình những căn bệnh hiểm nghèo, cũng chẳng ai muốn mình gặp phải tai nạn. Mỗi ngày trên cả nước có hàng nghìn bệnh nhân cần được truyền máu để duy trì cuộc sống. Tôi thấy mình may mắn hơn nhiều người có sức khỏe, vì vậy tôi muốn góp chút sức giúp họ vượt qua căn bệnh hiểm nghèo” – anh Trần Tiến Trung tâm sự. Anh cho biết thêm, do mang nhóm máu O – nhóm máu bệnh nhân nào cũng cần, nên suốt 20 năm qua anh Trung đã hơn 40 lần tham gia hiến máu cứu người.

Có lần, khi nhận được cuộc gọi từ phía Viện huyết học truyền máu Trung ương trong một đêm mưa rét, anh đã không ngần ngại vào viện ngay để hiến máu cho một bệnh nhân bị tai nạn giao thông cần phải phẫu thuật. Những giọt máu đong đầy yêu thương của anh đã góp phần tiếp nối sự sống cho bệnh nhân này. Nhìn gia đình bệnh nhân vỡ òa hạnh phúc khi con mình được cứu sống trong gang tấc dù rất mệt, anh vẫn thấy ấm lòng. Đó chính là động lực để anh thêm quyết tâm theo đuổi việc hiến máu tình nguyện hàng năm, nhất là tại các chương trình Tuần lễ hồng EVN. Cao điểm, có năm anh Trung 6 lần hiến máu. Và dù công việc của thợ vận hành rất vất vả, phải đi ca, trực đêm thường xuyên, nhưng anh vẫn luôn cố gắng giữ sức khỏe, để không chỉ hoàn thành nhiệm vụ, mà còn tiếp tục hành trình hiến máu cứu người của mình.

Phản xạ… làm việc tốt

Tháng trước, khi đến đấu nối điện cho gia đình chị Mỹ, với con mắt nhà nghề, anh Nguyễn Kim Long (PC Đà Nẵng) đã phát hiện một đoạn dây điện trước bàn học con gái chị Mỹ bị nứt hở lõi đồng ra và sà xuống. Mỗi khi gặp gió, đoạn dây lại đung đưa, rất nguy hiểm. Gia đình chị Mỹ lại rất neo người. Chồng mất sớm, một mình chị Mỹ quán xuyến mọi việc, chắt chiu nuôi con ăn học nhờ vào tiệm bánh canh nhỏ bán buổi sáng. Sẵn đồ nghề trong tay, anh Long nhanh nhẹn dùng băng keo cách điện “băng bó vết thương” và cố định lại đường dây lên sát vách tường. Chỉ một loáng là xong!

Hai mẹ con chị Mỹ không giấu nổi niềm vui, nhất là cô con gái nhỏ, mắt nhìn chăm chăm vào đường dây điện gọn gàng, miệng cô bé lại cười líu ríu cảm ơn chú thợ điện. Anh Long cũng tranh thủ hướng dẫn chị Mỹ cách sử dụng bình chữa cháy, bảo vệ an toàn ngôi nhà. Điều này đặc biệt hữu ích khi hàng ngày chị đều phải sử dụng bếp củi đun nấu.

Một ngày làm việc khác. Khi tới gửi thông báo ngừng cung cấp điện vì lý do khách hàng chậm thanh toán tiền điện, sau một hồi gọi cửa, trước mắt anh Long là một cụ bà đã ngoài 80 tuổi. Bà Lý Thị Sáu sống trong căn nhà nhỏ hẹp tại K75 Hùng Vương, TP Đà Nẵng. Con cháu đi làm xa, bà Sáu lại luôn bị đau ốm. Sau khi biết được lý do anh Long đến, lục lọi một hồi, gom được 89.000 đồng, dúi vào tay anh nhờ nộp giúp rồi bảo: “Năm chục ngàn đồng còn thiếu, tháng tới tui trả được không, giờ không đủ tiền…”. Tần ngần một lát, anh Long rút ví, gửi biếu bà Sáu ít tiền để bà có thể đảm bảo cuộc sống. Anh cũng không quên điện thoại nhờ thu ngân viên lưu ý trường hợp khách hàng lớn tuổi, cần đến tận nhà thu tiền điện. Anh Long còn xin phép vào vào nhà, kiểm tra giúp bà hệ thống điện, cố định lại bảng điện lên tường; đồng thời chạy lại đường dây điện trên cao, đảm bảo không vướng vào các đồ vật trong nhà. Đợi anh xong việc, bà Sáu lại gần nắm chặt tay anh Long không rời, nói lời cảm ơn anh mà mắt rưng rưng lệ.

Ấm áp tình người trong mưa lũ

Hai ngày sau cơn lũ dữ đi qua miền Trung vào tháng 10/2020, tại thôn Đại Phong, xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, nhiều công nhân ngành Điện dù nhà cửa của mình cũng đang chịu ảnh hưởng nặng, nhưng vẫn tiếp túc trực tại thôn để tham gia công tác khôi phục lưới điện sau mưa lũ. “Mấy ngày nay rồi chúng tôi không có thời gian để nghỉ ngơi, nước lũ về làm bà con mất nhiều quá nên anh em phải thật khẩn trương. Nguồn sáng cho dân lo trước, nhà mình dọn dẹp sau!” - anh Võ Văn Tuân - công nhân Điện lực Lệ Thủy tâm sự.

“Có một hôm, mưa rất to, nước lên nhanh, 4 anh em công nhân chúng tôi đang đi kiểm tra lưới điện. Bỗng nhiên, nghe thấy tiếng kêu cứu của một bà cụ trong căn nhà đang bị ngập sâu. Khi chúng tôi vào, nhà chỉ có bà cụ và một cháu nhỏ không kịp chạy lũ. Rất nhanh chóng, anh em mỗi người một việc, cõng cụ và cháu lên thuyền, đưa đến nơi an toàn”.

Các công nhân của Điện lực Lệ Thủy (Công ty Điện lực Quảng Bình) hỗ trợ người dân ở thôn Đại Phong, xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy chạy lũ và đưa đến nơi trú ẩn an toàn. Ảnh chụp ngày 18/10/2020.

Bên cạnh việc giúp đỡ người dân thoát khỏi vùng lũ, các anh công nhân điện còn phối hợp với các đoàn thiện nguyện tiếp tế lương thực, thực phẩm... cho người dân. Hình ảnh các anh thợ điện dầm mình cả ngày trong mưa lũ, ăn vội miếng cơm, chiếc bánh… rồi nhanh chóng lên đường, tiếp tục làm nhiệm vụ, tận tình giúp đỡ người dân đã không còn xa lạ với các địa phương bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ trong nhiều năm qua. Họ đã thể hiện hình ảnh, trái tim ấm áp của người làm điện một cách giản dị, chân thực và sâu sắc nhất.


  • 15/02/2021 06:00
  • Theo Tạp chí Điện lực chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 5962