Những vụ mất điện trầm trọng trên thế giới

Nhiều vụ mất điện trầm trọng đã diễn ra trên thế giới vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Điện ngày càng chứng tỏ vai trò đối với cuộc sống, bởi thiếu nó gây ra những thiệt hại không kể xiết...

Hàng chục triệu người dân Brazil bị ảnh hưởng do mất điện năm 2009 - Ảnh ST

1/4 dân số Brazil sống trong bóng tối

Sự cố mất điện hàng loạt ở hai thành phố lớn nhất Brazil là Sao Paulo và Rio de Janeiro khiến hàng chục triệu người chìm trong đêm tối.

Điện bị cúp đột ngột vào khoảng 22h ngày 10/11/2009 (giờ địa phương). Nguyên nhân bước đầu được xác định sấm sét có thể đã đánh trúng một trong năm đường dây điện cao thế.

Đài phát thanh Bandnews ước tính 50 triệu người ở chín bang, tức hơn một phần tư dân số Brazil, đã phải sống trong bóng tối. Sự cố điện tồi tệ này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông và thông tin liên lạc Brazil.

Ở Sao Paulo và Rio de Janeiro, đèn tín hiệu giao thông bị tắt gây tắc nghẽn giao thông, các hệ thống tàu điện ngầm cũng đã bị gián đoạn khiến hàng chục triệu người dân mắc kẹt dưới lòng đất, trên đường phố, trong thang máy, nhà hàng, sân bay.

Mỹ: Thiệt hại 6 tỷ USD

Số người bị ảnh hưởng lên tới 50 triệu người ở New York, Michigan, Ohio của Mỹ và Toronto, Ottawa của Canada.

Đợt mất điện lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ (ngày 24/8/2003) đã gây thiệt hại ước tính khoảng 6 tỷ USD. Đáng chú ý, sự cố này bắt nguồn khi một đường điện cao thế tại Northern Ohio chạm phải những cây mọc quá cao.

Ấn Độ: Nửa nước tê liệt

Một nửa đất nước Ấn Độ bị tê liệt do mất điện - Ảnh ST

Một trong những sự cố mất điện lớn nhất thế giới đã làm một nửa đất nước Ấn Độ bị tê liệt, buộc 670 triệu người phải sống trong bóng tối và khiến phần lớn hệ thống giao thông bị đình trệ.

Sự cố mất điện tại Ấn Độ bắt đầu vào chiều 30/7/2012 khi một hệ thống lưới điện miền bắc bất ngờ ngừng hoạt động. Cuộc khủng hoảng đã lan sang miền đông và đông bắc Ấn Độ khi 2 hệ thống lưới điện khác cũng gặp sự cố.

Góc tối châu Âu

Tối thứ bảy (4/11/2006), vầng hào quang rực rỡ thường thấy của tháp Effel vụt tắt cùng với toàn bộ hệ thống chiếu sáng ở thủ đô Paris. Không phải chỉ có thành phố hoa lệ của nước Pháp bị mất điện mà còn một số vùng lân cận của 4 nước láng giềng khác thuộc châu Âu cũng chịu cảnh “tắt lửa tối đèn có nhau”.

Hàng triệu người lâm vào cảnh khó chịu vì bị “cúp điện” bất ngờ. Hàng nghìn người mắc kẹt trong thang máy hay trong các toa tàu điện ngầm chưa về đến ga.

Nguyên nhân mất điện hoá ra là do trời đột ngột trở lạnh ở nước Đức, các máy sưởi đột ngột đồng loạt được sử dụng. Lưới điện bị mất cân đối và trên hai tuyến đường dây dẫn điện bị quá tải. Tiếp đó là aptômat của hệ thống năng lượng châu Âu tự ngắt để bảo vệ an toàn cho các thiết bị truyền tải và thế là một góc châu Âu gặp sự cố hy hữu.

Indonesia: Cháy nổ do dùng nến

Sáng 17/8/2005, sự cố kỹ thuật tại một loạt các nhà máy điện trên đảo Java (Indonesia) đã gây cúp điện trên diện rộng tại ít nhất 2 tỉnh là Tây Java, Banten, một phần đảo du lịch Bali và thủ đô Jakarta, ảnh hưởng đến hơn 120 triệu người sinh sống tại các khu vực trên.

Các hộ gia đình cùng nhiều ngành kinh doanh đã phải chuyển sang dùng máy phát điện. Tại Jakarta, điện bị mất hoàn toàn khiến giao thông trên đường phố bị tắc nghẽn nghiêm trọng trong khi các dịch vụ giao thông khác như xe lửa phải tạm ngưng và một số chuyến bay nội địa bị hủy. Cháy nổ xảy ra trên khắp thủ đô Indonesia khi người dân quay sang dùng nến để thắp sáng.

Chính quyền thủ đô đã phải triển khai hàng ngàn cảnh sát để đối phó với tình hình. Trước đây vào tháng 9/2002, một vụ mất điện quy mô tương tự cũng đã xảy ra tại xứ sở vạn đảo và kéo dài đến 2 ngày.

 


  • 23/05/2013 08:58
  • Theo Chinhphu.vn
  • 6952


Gửi nhận xét