Niềm vui lớn ngày đầu năm của đồng bào vùng cao ở Tuyên Quang

Trong những ngày đầu năm, niềm vui của đồng bào người Dao ở bản Thài Khao, xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) như được nhân lên khi điện lưới quốc gia về với từng mái nhà trong bản. Ước mong bao đời của bà con nay đã thành hiện thực. Có điện lưới, người dân nơi đây cũng có thêm cơ hội tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật và phát triển đời sống...

Thài Khao là thôn vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn của xã Yên Lâm, xã thuộc diện Chương trình 135 của huyện Hàm Yên (Tuyên Quang). Trong thôn hiện có hơn 80 hộ dân với gần 400 nhân khẩu; 100% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là đồng bào Dao. Những hộ dân trong thôn phần lớn di dân từ Hà Giang về từ năm 1990. Do địa hình chia cắt, đường đèo dốc, đồi núi rất hiểm trở, địa bàn rộng, giao thông rất khó khăn nên nhiều năm qua, dòng điện lưới quốc gia vẫn chưa thể về với người dân trong thôn. Những năm trước, không có điện cho nên cuộc sống người dân ở Thài Khao rất vất vả, thiếu thốn cả về vật chất và tinh thần. Không điện sáng, không đài, không ti-vi, không thông tin liên lạc... Các gia đình trong bản quanh năm làm bạn cùng thứ ánh sáng vàng vọt của những chiếc đèn dầu. Khoảng chục năm năm trở lại đây, một số gia đình gần bờ suối cũng tận dụng lắp đặt máy phát điện mi-ni chạy bằng sức nước. Tuy nhiên, do công suất dòng điện loại này yếu nên bà con chỉ dùng thắp các loại bóng đèn siêu tiết kiệm điện để đáp ứng nhu cầu tối thiểu.

Anh Bàn Văn Thanh, một người dân ở thôn Thài Khao vui mừng chia sẻ: Năm nay được Ðảng, Nhà nước quan tâm kéo điện lưới quốc gia về từng nhà, bà con vui lắm. Suốt mấy chục năm nay, người Dao trong thôn luôn khát khao được thấy ánh sáng điện, được nghe tiếng máy nổ... và giờ thì ước mơ đó đã thành hiện thực rồi. Xuân này, mọi người cũng phấn khởi vì đường bê tông mới dẫn từ trung tâm xã về đến thôn, lại thêm có dòng điện lưới để sử dụng. Từ nay sẽ chịu khó làm ăn, rồi còn để dành tiền mua cái tivi xem, nghe tuyên truyền chủ trương của Ðảng, Nhà nước đến Nhân dân, để không bị người xấu lôi kéo, cuộc sống bà con nhất định sẽ khá lên nhờ dòng điện quốc gia.

Công nhân Điện lực Na Hang - Lâm Bình kiểm tra nguồn điện cung cấp đồng bào các xã vùng cao

Được biết, công trình cấp điện về thôn Thài Khao nằm trong dự án xây dựng 11.634 m đường dây 35 kV, ba trạm biến áp với tổng kinh phí hơn 16 tỷ đồng qua các thôn: Quảng Tân 2, Cọ Cỏm, Giốc Chanh, Thài Khao và Nắc Con, bảo đảm cung cấp điện cho 218 hộ dân dọc tuyến. Với sự nỗ lực cố gắng của cán bộ, nhân viên ngành Điện tỉnh Tuyên Quang, niềm mong mỏi bấy lâu của hàng trăm người dân đã trở thành hiện thực. Đến nay, chỉ sau mấy tháng được đón nhận dòng điện lưới quốc gia, thôn Thài Khao đã có hàng chục hộ mua ti-vi để phục vụ sinh hoạt. Qua các chương trình truyền hình, phát thanh, người dân dần được cập nhật những thông tin thời sự, sức khỏe, nhất là có điều kiện áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, kinh nghiệm phát triển kinh tế... Nhiều hộ dân trong thôn đầu tư máy móc sử dụng điện, như: máy xay xát, máy cắt, chế biến thức ăn chăn nuôi... để làm dịch vụ, phát triển sản xuất hiệu quả, tăng thu nhập gia đình. Từ ngày có điện lưới, nhờ có hệ thống loa truyền thanh, việc tuyên truyền các văn bản của xã, huyện, thông báo họp thôn để triển khai phòng, chống rét, dịch bệnh cho gia súc, gia cầm đến người dân cũng được thuận tiện hơn rất nhiều. Cán bộ, công nhân viên điện lực còn đến tận nhà dân hướng dẫn sử dụng điện an toàn, tiết kiệm.

Cũng trong dịp đầu năm nay, cùng chung niềm vui như ở xã Yên Lâm còn có hơn 600 hộ gia đình ở nhiều thôn vùng sâu, vùng xa thuộc các xã: Hồng Thái, Ðà Vị, Yên Hoa, Sinh Long, huyện miền núi Na Hang (Tuyên Quang) cũng được đón nhận dòng điện lưới quốc gia. Đây là kết quả sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự nỗ lực, cố gắng không mệt mỏi của tập thể cán bộ, nhân viên ngành Điện tại tỉnh Tuyên Quang.

Dù thi công tại địa bàn núi cao hiểm trở, địa hình vùng sâu, vùng xa, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự hỗ trợ của người dân địa phương nên chỉ sau tám tháng triển khai, đã có 17 trạm biến áp được xây dựng mới với hơn 90 km đường dây 35 kV, 150 km đường dây hạ thế 0,4 kV. Hành trình đưa điện đến từng hộ dân quả không đơn giản bởi đây là địa bàn đồng bào các dân tộc thiểu số thường sinh sống phân tán, không tập trung. Nhìn những cột điện chót vót trên những đỉnh đồi với đường dây tỏa đi bên các sườn đồi núi cheo leo, chúng tôi cũng phần nào hình dung được những khó khăn, vất vả mà cán bộ, công nhân thực hiện dự án phải vượt qua trong hành trình mang ánh sáng tới các bản vùng cao. Để việc sử dụng điện lưới của đồng bào bảo đảm an toàn, ngành Điện tỉnh Tuyên Quang còn triển khai phát tờ rơi tuyên truyền sử dụng điện an toàn hiệu quả và tiết kiệm đến từ hộ dân; thường xuyên hướng dẫn bà con cách sử dụng các thiết bị điện an toàn.

Điện lưới quốc gia được đưa về với các bản vùng cao. Từ nay, người dân không còn phải sinh hoạt dưới ánh đèn dầu mập mờ, mà có thể quây quần bên chiếc tivi, cùng nhau được nghe những chủ trương, đường lối của Đảng; được học và làm theo những mô hình hay, cách làm hiệu quả. Vì vậy, điện lưới quốc gia sẽ là cơ sở quan trọng giúp bà con từng bước thay đổi tư duy nhận thức trong việc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số nơi vùng sâu, vùng xa của tỉnh Tuyên Quang, từ đó củng cố niềm tin vững chắc của người dân đối với Đảng và Nhà nước.

Link gốc


  • 04/03/2021 04:16
  • Theo dangcongsan.vn
  • 3497