Nỗ lực triển khai Đề án 06 đã mang đến lợi ích cho cả EVN và khách hàng

Liên tục từ năm 2022 đến nay, EVN đã không ngừng phấn đấu, hoàn thành đạt và vượt tiến độ các nhiệm vụ được giao tại Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), mang lại lợi ích thiết thực cho cả EVN và khách hàng sử dụng điện, góp phần xây dựng kinh tế số, xã hội số.

Chiều 10/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì phiên họp lần thứ 9 của Ủy ban và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06.

Tham dự phiên họp có Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, các đồng chí bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành; lãnh đạo các địa phương, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn về công nghệ thông tin.

Về phía EVN, Tổng giám đốc EVN Nguyễn Anh Tuấn tham dự phiên họp tại trụ sở Chính phủ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chỉ bàn làm, không bàn lùi để thúc đẩy mạnh mẽ động lực chuyển đổi số.  Ảnh: VGP

Thủ tướng Chính phủ khẳng định, chuyển đổi số đã trở thành phong trào, xu thế, là yêu cầu khách quan và lựa chọn chiến lược. Việc triển khai thực hiện Đề án 06 được xác định là nhiệm vụ then chốt, quan trọng của chuyển đổi số quốc gia. Thời gian qua, công tác chỉ đạo, điều hành đã có kinh nghiệm hơn, bám sát thực tiễn hơn, hiệu quả hơn. Công tác tổ chức thực hiện từ Trung ương đến cơ sở được triển khai đồng bộ, tích cực hơn. Người dân, doanh nghiệp ủng hộ, đồng hành, tham gia tích cực hơn. Chuyển đổi số đã đến "từng ngõ, từng nhà, từng người". 

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương; sự chỉ đạo quyết liệt của các thành viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Tổ công tác Đề án 06; sự đồng lòng, ủng hộ và tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp.

Giai đoạn 2022 - 2024, EVN ghi nhiều dấn ấn triển khai Đề án 06

Trong những năm qua, nhằm thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia, góp phần xây dựng Chính phủ số, xã hội số và mang lại nhiều tiện tích cho người dân, khách hàng, EVN đã triển khai Đề án chuyển đổi số. Hiện nay, EVN đang tiếp tục thực hiện mục tiêu trở thành doanh nghiệp hoạt động trên môi trường số vào năm 2025.

Tổng giám đốc EVN Nguyễn Anh Tuấn (hàng đầu, đầu tiên bên trái) tham dự phiên họp. Ảnh: bocongan.gov.vn

Tại Đề án 06, EVN được giao thực hiện kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDL Dân cư) qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia để cung cấp 2 dịch vụ là: Cấp điện mới từ lưới điện hạ áp và Thay đổi chủ thể hợp đồng mua bán điện. Ngay trong năm 2022, Tập đoàn đã hoàn thành việc kết nối, triển khai cung cấp 2 dịch vụ được giao sớm hơn 5 tháng so với nhiệm vụ được Thủ tướng giao trong Quyết định số 06/QĐ-TTg.

Đồng thời trong năm 2022, EVN đã hoàn thành việc tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, xây dựng các giải pháp để thực hiện kết nối, tích hợp và chia sẻ dữ liệu của CSDL dân cư qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia (DVCQG) với 100% các dịch vụ điện hiện đang cung cấp trên Cổng DVCQG.

Bên cạnh đó, EVN cũng đã xây dựng hệ sinh thái số EVNConnect với mục tiêu tăng cường kết nối với các nền tảng chuyển đổi số của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, của các đối tác để khai thác tối đa nguồn dữ liệu chung Quốc gia và cung cấp dịch vụ điện trên các nền tảng số này.

Năm 2023, EVN triển khai việc tích hợp định danh điện tử mức độ 2 của Bộ Công an để thông qua đó, người dân có thể giao dịch toàn bộ dịch vụ điện trên môi trường số qua nền tảng VNeID và Cổng DVCQG.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, EVN tiếp tục phối hợp với Trung tâm Dữ liệu dân cư, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an để toàn bộ hợp đồng mua bán điện của EVN đều được đối soát khớp với thông tin trong CSDL dân cư. Đến nay, công tác đối soát này đang được EVN thực hiện quyết liệt và dự kiến hoàn thành trong năm 2024.

EVN và người dân đều được lợi khi khai thác CSDL dân cư phục vụ triển khai Đề án 06

EVN hiện đang cấp điện phục vụ hơn 99,8% số hộ dân trên toàn quốc, tương ứng 31,1 triệu khách hàng. Bình quân hàng năm, EVN có thêm khoảng 1 triệu khách hàng mới và khoảng gần 1 triệu yêu cầu của người dân và doanh nghiệp về thay đổi các nội dung trong Hợp đồng mua bán điện đã ký.

Các hợp đồng mua bán điện và các dịch vụ điện đã được EVN cung cấp theo phương thức điện tử, và phục vụ trên Cổng DVCQG. Toàn bộ hồ sơ giao dịch dịch vụ điện được sử dụng hồ sơ điện tử, ký điện tử bằng CA hoặc OTP. Theo đó, việc các dịch vụ điện lực của EVN được kết nối với CSDL dân cư qua Cổng DVCQG, đây là mảnh ghép quan trọng để mang lại sự thuận lợi, đơn giản cho người dân. Cụ thể, các loại hồ sơ, giấy tờ cá nhân trong Giấy đề nghị mua điện như giấy tờ tùy thân, hộ gia đình được thay thế bằng các thông tin trong CSDL dân cư.

Nhờ đó, giúp khách hàng có thể cung cấp thông tin hồ sơ mọi lúc  mọi nơi, giảm chi phí đi lại. Đồng thời, giúp EVN tiết kiệm chi phí in ấn, bảo quản, lưu trữ tài liệu giấy với gần 20 triệu trang hồ sơ/năm với 2 triệu yêu cầu về dịch vụ về cấp điện và hợp đồng mua bán điện, 760 triệu trang giấy/năm cho việc in hóa đơn.

Bên cạnh đó, việc kết nối CSDL dân cư đã giúp EVN định danh được các chủ thể hợp đồng mua bán điện qua hệ thống VNeID, mở ra các hướng để khai thác các thông tin biến động dân cư vào công tác quản lý việc mua bán và sử dụng điện của khách hàng.

Đối với EVN, những lợi ích mà Tập đoàn nhận được từ thực tiễn triển khai các nhiệm vụ trong Đề án 06 là rất lớn. EVN đã được khách hàng ghi nhận và đánh giá cao qua các dịch vụ số “chạm tiện ích”. Theo kết quả đánh giá bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện dịch vụ công, dịch vụ trực tuyến, đến hết tháng 6/2024, EVN được xếp hạng ở vị trí số 1 trong các Bộ/ngành cung cấp dịch vụ trên Cổng DVCQG.

Thời gian tới, EVN sẽ tiếp tục khai thác có hiệu quả các CSDL quốc gia để mang đến cho khách hàng sự hài lòng và nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

 


  • 11/07/2024 03:02
  • Phạm Ngọc
  • 7252