Nỗi niềm... cấp điện ở vùng cao

Dù dối diện nhiều khó khăn nhưng Điện lực Đông Giang (Quảng Nam) vẫn nỗ lực cung cấp điện đảm bảo sản xuất, sinh hoạt... của người dân.

Trong một dịp trò chuyện với anh Lê Minh Lâm - Giám đốc Điện lực Đông Giang, tôi hỏi: “Điện sướng hè, cứ có cầu dao đóng là thu tiền…”. Ai ngờ anh trả lời: “Vất lắm anh ơi”. 

Vất vả thợ điện vùng cao. 

Khó khăn chồng chất

Điện lực Đông Giang chịu trách nhiệm quản lý, phân phối điện cho 20 xã và thị trấn của Tây Giang và Đông Giang. Đến nay, còn 2 thôn A Riêu, xã A Xan (đang triển khai) và Aur, xã A Vương (Tây Giang) là chưa có điện. Trong đó điện kéo về Aur là khó nhất, bởi phải đi bộ chừng 4 tiếng đồng hồ qua 100% địa hình có rừng phòng hộ.

"Điện lực Đông Giang nhận nguồn 220kV từ Thạnh Mỹ, đi qua 4 huyện Nam Giang - Đại Lộc - Đông Giang - Tây Giang, kéo dài 250km. Trên này, từ tháng 4 đến tháng 7 là giông sét liên tục, đánh vào đường dây, cây ngã đổ, dẫn tới mất điện, thế là dân than phiền. Gần như toàn bộ hệ thống điện đi qua chủ yếu là rừng và cây công nghiệp của người dân, nên phát quang hành lang tuyến đâu có dễ. Mình chịu sức ép phải di dời trụ, mà thỏa thuận ban đầu là mình bồi thường, bà con đồng ý, địa phương thống nhất. Rồi khi mở tuyến, phát quang hành làng, đụng cây của dân, dễ chi họ chịu giá theo quy định nhà nước. Anh em và chính quyền vào cuộc, thuyết phục họ mới chịu…” - anh Lê Minh Lâm nói.

Điều kiện thời tiết cực đoan là mối lo nhất của cán bộ điện lực vùng cao, từ bão, sạt lở, lũ đến sét. "Tôi đi miền núi nhiều, mùa hè hay cúp điện vào buổi chiều, nghĩ kỳ lạ mấy ông điện, cứ nắng nóng là cúp" - Anh Lâm chia sẻ và cho biết thêm: “Anh hình dung đi, nếu Tây Giang bị sét giông làm mất điện, thì 13 - 15h chiều Đông Giang sẽ mất điện, sẽ kéo luôn xuống Đại Lộc lúc 17 - 18h chiều. Nếu Nam Giang bị mất điện, thì Đông Giang và Tây Giang sẽ ảnh hưởng, vì nhận nguồn bên đó. Sự cố thường chiều tối nên việc tìm kiếm vị trí rất cực, khiến việc khắc phục kéo dài. Còn nếu mưa bão sạt lở, thì anh em chỉ có cách duy nhất là đi bộ, khắc phục hoàn toàn bằng thủ công, vì ở địa phương không có đơn vị xây lắp điện chuyên nghiệp. Chậm có điện là đương nhiên, nhưng khó khăn này ít ai hiểu và thông cảm”.

Chuyện nhỏ mà... không nhỏ

Cũng theo anh Lê Minh Lâm, ở vùng này dịch vụ sửa chữa điện hạn chế, nên điện lực phải lo luôn điện trong nhà dân. Cháy cái bóng, mất điện trong nhà, họ cũng kêu điện lực. Còn chuyện xử phạt hành lang an toàn lưới điện, quy định có đó, nhưng dễ gì bởi đa số bà con có thu nhập thấp. “Sợ nhất là họ đốn cây ngã đổ đường dây điện nhưng tiền đâu họ nộp phạt” - anh Lâm nói. Chưa kể, người dân vùng cao rất sợ điện giật, nên họ yêu cầu dây bọc khóa chứ không phải dây trần, nhưng nếu vậy thì kinh phí đầu tư rất lớn, chưa nói phải thay đổi kết cấu. Đụng tới là tiền.

Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) phê duyệt dự án đầu tư đường dây và trạm biến áp 110kV Đông Giang với số tiền là 95 tỷ đồng, dự kiến quý I/2025 sẽ hoàn thành. Nếu EVNCPC và Quảng Nam tác động đầu tư nhà máy thủy điện Tr’Hy bố trí hệ thống 22kV cung cấp điện cho Tây Giang, sẽ thêm lối thoát cho Đông Giang nếu mất điện thì đẩy từ Tr’Hy xuống, lúc đó Điện lực Đông Giang sẽ có 3 nguồn dự phòng.

Nghĩ cho cùng, chủ động điện thì ngành điện thu tiền đã đành, nhưng kinh tế, dân sinh mới là chuyện lớn, nhưng anh Lâm nói có một số dự án của địa phương đầu tư chưa bàn giao, nên điện lực không thể đầu tư phát triển được. Ở đồng bằng, chuyển đổi số đã lâu, giờ ít ai đến nhà phát giấy, thu tiền, nhưng ở núi thì sao? Ngành điện quy định 95% không dùng tiền mặt, nhưng vùng cao thì còn xa. Nhà nước hỗ trợ cho người dân vùng cao mỗi tháng 50 nghìn tiền điện, số này sẽ được trích tự động qua tài khoản khi chi trả tiền.

Thế nhưng họ không có thẻ ngân hàng, lại phải thu bộ. Ví dụ họ dùng hết 20 nghìn đồng/tháng, mình chờ họ tới UBND xã lãnh số tiền 50 nghìn đồng hỗ trợ mới thu được tiền điện. “Áp lực thi đua đó, nhưng chịu thôi. Phải thu bộ, thuê dịch vụ thu cho đủ chỉ tiêu. Sắp tới đây, nếu tỷ lệ cao hơn nữa, thì không có tiền để thuê chưa biết tính làm sao” - anh Lâm chia sẻ.

Đoạn đối thoại trên giữa tôi và anh, vỡ ra thêm nhiều điều mà người ngoài nhìn vào khó hiểu thấu đáo. Có anh em nói, bây giờ không còn cảnh trèo trụ ghi chữ điện nữa vì đã được trang bị hệ thống truyền tín hiệu, nhưng vùng cao sóng chập chờn khó triển khai...

Mỗi năm hàng chục tỷ đồng từ nhiều nguồn đầu tư vào điện vùng cao, nhưng khó khăn còn rất nhiều. Ngành điện đang trải qua sóng gió, nhưng đó là chuyện ở trên cao, ở cấp 1, 2 tầm trung ương và khu vực chứ như Điện lực Đông Giang thứ bậc cấp 4, sao tôi chỉ đọc được những thở dài kín đáo…

Link gốc


  • 11/01/2024 10:15
  • Theo Báo Quảng Nam
  • 2873