Ông Phạm Lê Phú - Tổng giám đốc EVNNPT
|
PV: Vì sao công trình đường dây 500/220kV Nho Quan - Phủ Lý - Thường Tín được nhấn mạnh là đóng vai trò rất quan trọng, thưa ông?
Ông Phạm Lê Phú: Đây là công trình lưới điện truyền tải trọng điểm, cấp bách để tăng cường khả năng liên kết lưới, truyền tải công suất của trục 500kV Nho Quan - Thường Tín và tăng cường cấp điện cho Trạm biến áp 220kV Phủ Lý, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải của các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, khu vực phía Nam Hà Nội và lân cận.
Hai trạm 500kV gồm Nho Quan và Thường Tín hiện nay có vai trò rất quan trọng trên lưới truyền tải điện, tập trung nguồn công suất rất lớn, nhưng mới chỉ được liên kết với nhau thông qua mạch đường dây 500kV Nho Quan - Thường Tín mạch 1. Do đó, công trình đường dây đang triển khai là rất cấp thiết. Ngoài ra, công trình đường dây 500/220kV Nho Quan - Phủ Lý - Thường Tín còn giúp giảm tổn thất điện năng trong hệ thống.
PV: Cập nhật về khối lượng thi công đến nay như thế nào, thưa ông?
Ông Phạm Lê Phú: Đến nay, dự án bàn giao mặt bằng được 217/230 vị trí móng (đạt 94%), 22/99 khoảng néo (đạt 22%); đúc móng 163/230 vị trí (đạt 71%), dựng cột 89/230 vị trí (đạt 39%), kéo dây 13/99 khoảng néo (đạt 13%).
Tuy nhiên, do nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ nên dự án đang chậm tiến độ. Vướng mắc lớn nhất là việc chồng lấn quy hoạch với khu du lịch Quốc gia Tam Chúc trên địa bàn tỉnh Hà Nam, dẫn đến phải thực hiện điều chỉnh tuyến các đoạn tuyến từ vị trí 75 - 86, từ vị trí 92 - 119 theo yêu cầu điều chỉnh tuyến của UBND tỉnh Hà Nam.
Việc điều chỉnh tuyến trong khi một số vị trí đã thi công làm phát sinh rất nhiều công việc từ khảo sát thiết kế, phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, tháo hạ di chuyển những vị trí cột đã thi công cùng một loạt những thủ tục liên quan.
Đến nay, công tác điều chỉnh tuyến vẫn đang được EVNNPT tích cực phối hợp với UBND tỉnh Hà Nam và các đơn vị liên quan tìm biện pháp tháo gỡ, nhưng vẫn còn rất nhiều nội dung.
Ngoài ra, tình hình dịch bệnh trong 2 năm qua cũng tác động tiêu cực đến tiến độ dự án. Do dịch bệnh nên việc di chuyển nhân lực thi công, đền bù giải phóng mặt bằng, vận chuyển cung cấp vật tư thiết bị gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ của dự án này.
PV: Ông có thể cho biết dự án bị chậm tiến độ gây ảnh hưởng như thế nào đến việc đảm bảo an toàn cung cấp điện? EVNNPT đã làm những gì để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trên?
Ông Phạm Lê Phú: Việc chậm hoàn thành dự án sẽ làm ảnh hưởng đến việc đảm bảo an toàn cung cấp điện các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình và khu vực phía Nam Hà Nội cũng như giảm khả năng liên kết của lưới điện quốc gia.
Hiện nay, tỉnh Hà Nam đang được cấp điện qua 2 nguồn chính là từ Trạm biến áp 220kV Hà Đông thông qua 1 mạch đường dây 220kV Hà Đông - Phủ Lý và từ Trạm biến áp 500kV Nho Quan thông qua 1 mạch đường dây 220kV Nho Quan - Phủ Lý. Vào các khung giờ cao điểm, cả hai đường dây 220kV này đều vận hành trong chế độ đầy tải, nguy cơ quá tải khi mùa nắng nóng đang đến gần và đặc biệt là nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng, sản xuất được hồi phục khi thích ứng linh hoạt với đại dịch COVID-19.
Đoàn công tác Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực cùng lãnh đạo EVNNPT làm việc với UBND tỉnh Hà Nam về dự án đường dây 500/220kV Nho Quan - Phủ Lý - Thường Tín, tháng 12/2021
|
Để khắc phục, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến hai đoạn tuyến đang phải thực hiện điều chỉnh trên địa bàn tỉnh Hà Nam, EVNNPT đã nhiều lần họp và làm việc với UBND tỉnh Hà Nam với sự tham gia của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nhưng đến nay vẫn chưa hoàn toàn tháo gỡ được.
Với những đoạn tuyến đã được bàn giao, EVNNPT chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ theo phương châm: Mặt bằng được giải phóng đến đâu, tập trung nguồn lực để thi công đến đó, sẵn sàng lực lượng để thi công hoàn thiện những đoạn tuyến còn lại ngay sau khi vướng mắc được tháo gỡ.
Công trình đường dây 500/220kV Nho Quan - Phủ Lý - Thường Tín đang triển khai
|
Do đó, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia kính đề nghị UBND tỉnh Hà Nam cùng các sở, ngành và địa phương, nhất là khu vực huyện Kim Bảng, sớm thống nhất tọa độ các vị trí chân móng cột thuộc đoạn tuyến điều chỉnh và có văn bản chấp thuận hướng tuyến các đoạn tuyến điều chỉnh. Đồng thời, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ hoàn thành giải phóng mặt bằng, hoàn thành bàn giao toàn bộ vị trí chân móng cột đoạn tuyến điều chỉnh trong quý 1/2022 và hành lang tuyến trong quý 2/2022.
EVNNPT cũng đề nghị UBND các tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình và TP Hà Nội quan tâm hỗ trợ để EVNNPT đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng phần hành lang an toàn đối với các khoảng cột còn lại trên địa bàn.
PV: Xin cảm ơn ông!