Mặt trước và sau của ổ cắm điện hẹn giờ - Nguồn: Internet
|
Theo TS. Trịnh Quang Khải - Khoa Hệ thống Điện, Trường Đại học Điện lực, ổ cắm điện hẹn giờ có hai mặt: Mặt trước bao gồm hệ thống đồng hồ để cài đặt ngày, giờ và ổ cắm dành để kết nối với thiết bị điện, mặt sau là phích cắm kết nối với nguồn điện 220V. Về cơ chế hoạt động, ổ cắm hẹn giờ cơ bản giống ổ cắm điện thông thường, chỉ thêm bộ phận đồng hồ đo thời gian. Khi người sử dụng cài đặt thời gian cần bật/tắt thiết bị điện và kết nối thiết bị này với nguồn điện thông qua ổ cắm hẹn giờ, đồng hồ sẽ hoạt động. Trong ổ cắm điện hẹn giờ có một thiết bị giống như công tắc. Khi đến thời gian cài đặt, thiết bị này sẽ hoạt động bật hoặc tắt nguồn điện kết nối với thiết bị theo yêu cầu.
Không chỉ tự động bật/tắt các thiết bị điện đơn giản trong ngày như: Tắt sạc điện thoại, laptop, hẹn giờ cho ấm sắc thuốc..., ổ cắm điện hẹn giờ còn có khả năng ghi nhớ và lặp lại các yêu cầu theo từng ngày, từng tuần hoặc trong cả tháng như: Thời gian bật/tắt đèn hành lang; tắt chế độ stanby của tivi; bật/tắt hệ thống tưới cây...
Sử dụng ổ cắm điện hẹn giờ không chỉ giúp người dùng tiết kiệm điện năng mà còn chống chai pin, tăng tuổi thọ cho các thiết bị điện.
Tuy nhiên, người sử dụng cũng cần lưu ý: Do ổ cắm điện hẹn giờ có công suất nhỏ (dưới 2.500 W), nên khi ứng dụng cho các thiết bị có công suất lớn như: Máy sưởi, điều hòa nhiệt độ, bình nóng lạnh,… cần phải có thiết bị trung gian (automat), nhằm chống ngắn mạch khi quá tải.
Hiện trên thị trường có 2 loại ổ cắm điện hẹn giờ: Ổ cắm hẹn giờ điện tử và ổ cắm hẹn giờ cơ, với giá cả dao động từ 160.000 – 500.000 đồng/sản phẩm. Ổ cắm điện hẹn giờ cơ không hoạt động được khi mất điện và khi có điện phải cài đặt lại; còn ổ cắm hẹn giờ điện tử khi mất điện vẫn lưu lại lệnh cài đặt và hoạt động bình thường nhờ năng lượng từ hệ thống pin.
Cách sử dụng như sau:
- Bước 1: Cài đặt giờ tắt/mở thiết bị điện trên ổ cắm điện hẹn giờ.
- Bước 2: Cắm ổ cắm điện hẹn giờ vào ổ cắm nguồn 220V.
- Bước 3: Cắm thiết bị điện vào ổ cắm điện hẹn giờ.
Nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkeley (Mỹ) cho thấy:
-Một bộ sạc chỉ cắm vào ổ điện, không sạc cho thiết bị nào: Tốn 0,26 W điện.
- Khi điện thoại vẫn được gắn vào bộ sạc dù đã đầy pin: Tốn 2,24 W điện.
- Khi điện thoại sạc pin, điện thoại sẽ tiêu tốn 3,68 W điện.
- Sạc điện thoại, laptop qua đêm cũng giảm tuổi thọ của pin.
Theo Tổ chức Energy Saving Trust (Vương quốc Anh), nếu tất cả người dùng trên thế giới:
- Bỏ thói quen sạc pin qua đêm, sẽ tiết kiệm được khoảng 78 Bảng Anh/năm.
- Rút tất cả các thiết bị đang ở chế độ chờ hoặc kết nối với nguồn điện vào ban đêm (gồm điện thoại thông minh, lò vi sóng, ti vi...), có thể tiết kiệm từ 50-80 bảng Anh/năm.
|