Ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch CMSC: EVN có đóng góp quan trọng cùng cả nước thực hiện thắng lợi nhiều mục tiêu 2021

12:00, 14/01/2022

Ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) đánh giá cao và biểu dương cán bộ, nhân viên và người lao động Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đoàn kết, nỗ lực lao động, khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ, góp phần quan trọng cùng cả nước thực hiện thắng lợi nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Trang tin evn.com.vn lược ghi bài phát biểu của Chủ tịch CMSC tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp - Nguyễn Hoàng Anh (ngoài cùng bên phải) trao Cờ thi đua của Chính phủ cho EVN. Ảnh: Ngọc Tuấn

Giữ vai trò chính trong đảm bảo an ninh năng lượng

Năm 2021, toàn thể lãnh đạo, cán bộ, nhân viên, người lao động EVN đã nỗ lực, đoàn kết, thống nhất vượt qua khó khăn, thách thức, cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra. EVN đã thực hiện tốt nhiệm vụ điều phối, đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân. Đặc biệt trong năm 2021, EVN đã đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, đóng góp vào sự thành công chung của các sự kiện chính trị, văn hóa lớn của đất nước như: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 -2026,…

Tập đoàn cũng đã tích cực tham gia các hoạt động hỗ trợ, an sinh xã hội và chung sức với Chính phủ, các Bộ ban ngành Trung ương và các địa phương trong công tác phòng, chống COVID-19. Cụ thể, trong năm 2021, EVN đã hỗ trợ Quỹ vắc-xin phòng, chống COVID 400 tỉ đồng; hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho khách hàng bị ảnh hưởng với tổng số tiền giảm khoảng 3.000 tỉ đồng

Trong năm 2021, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã xây dựng, trình Ủy ban để báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Chiến lược phát triển Tập đoàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là căn cứ, tiền đề để Tập đoàn xây dựng kế hoạch phát triển hàng năm cũng như trong trung hạn và dài hạn. Cũng trong năm 2021, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban, các Bộ, ngành liên quan, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã hoàn thành công tác cổ phần hóa, chính thức chuyển Tổng công ty Phát điện 2 sang mô hình công ty cổ phần. Đây cũng là doanh nghiệp nhà nước đầu tiên thực hiện cổ phần hóa thành công theo Nghị định 126/2017/NĐ-CP của Chính phủ về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước kể từ khi Ủy ban được thành lập.

Về kết quả sản xuất kinh doanh, EVN đã thực hiện nhiều giải pháp về kỹ thuật, tài chính, đảm bảo Công ty mẹ và các đơn vị trực thuộc đều có lợi nhuận, nộp ngân sách đạt 22.440 tỉ đồng; bảo toàn và phát triển vốn nhà nước, tổng giá trị tài sản hợp nhất toàn EVN ước tính đến hết năm 2021 là 731.000 tỷ đồng (bằng 100,2% so với năm 2020). Một số chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra như tổn thất điện năng đạt 6,27%, thấp hơn 0,13% so với chỉ tiêu đề ra và giảm 0,15% so với năm 2020…

Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp - Nguyễn Hoàng Anh trao Cờ thi đua của Ủy ban cho các tập thể thuộc EVN. Ảnh: Ngọc Tuấn

Về đầu tư xây dựng, EVN đã khởi công được 3 dự án nguồn điện lớn, có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo cung ứng điện trong thời gian tới là Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng, Ialy mở rộng, Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I; hoàn thành và đưa vào vận hành Nhà máy Thủy điện Thượng Kon Tum, hoàn thành cụm công trình cửa xả dự án thủy điện tích năng Bác Ái. Về hạ tầng lưới điện, đã khởi công được 195 công trình và hoàn thành 176 công trình lưới điện 500/220/110kV.

Tôi đánh giá cao định hướng, quyết tâm của EVN trong công tác chuyển đổi số - đây là xu hướng tất yếu để nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp trong thời gian tới. Điều này được thể hiện thông qua Đề án tổng thể Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam đến năm 2022, tính đến năm 2025 và kết quả năm thứ 3 liên tiếp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam nhận được giải thưởng Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc Việt Nam.

6 nhiệm vụ trọng tâm

Tôi cơ bản thống nhất với mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp mà EVN đã đề ra cho năm 2022 với chủ đề “Thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả”.

EVN cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp kinh tế, kỹ thuật kết hợp phòng, chống dịch hiệu quả để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị là đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, đặc biệt trong giai đoạn dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp. Lưu ý việc phụ tải có thể tăng cao khi dịch bệnh được kiểm soát, chương trình phục hồi kinh tế được đẩy mạnh trong thời gian sắp tới.

Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành trao Cờ thi đua của EVN cho các tập thể có thành tích xuất sắc năm 2021. Ảnh: Ngọc Tuấn

Trên cơ sở Đề án Chiến lược phát triển Tập đoàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, EVN sớm hoàn thiện, trình Ủy ban Kế hoạch sản xuất - kinh doanh 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 và Kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2022 để làm cơ sở triển khai nhiệm vụ năm 2022 và các năm tiếp theo. Ngoài mục tiêu đáp ứng các nhiệm vụ chính trị, EVN phải lưu ý đến hiệu quả sản xuất - kinh doanh, bảo toàn và phát triển vốn. Trong điều kiện chi phí nhiên liệu đầu vào (than, dầu, khí) tăng cao, cần làm tốt công tác điều hành hệ thống điện, thị trường điện để tối ưu chi phí mua điện, cũng như thực hiện triệt để các giải pháp tiết kiệm chi phí. Bên cạnh đó, EVN cũng cần nghiên cứu xu hướng phát triển trên thế giới cũng như tại Việt Nam để từng bước triển khai các loại hình năng lượng mới, đón đầu các dịch vụ mới như hệ thống sạc pin cho xe điện…

Tiếp tục tổng hợp, báo cáo các Bộ, ngành, địa phương những khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý, công tác giải phóng mặt bằng,… để được hỗ trợ, hướng dẫn, đồng thời triển khai các giải pháp phù hợp để đẩy nhanh thủ tục đầu tư, thu xếp vốn, đảm bảo tiến độ, chất lượng các công trình nguồn và lưới điện lớn, quan trọng. Trước mắt, phải tập trung tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án điện thuộc các Chuỗi dự án khí - điện Lô B và Cá Voi Xanh.

Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân trao Bằng khen của EVN cho các tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2021. Ảnh Ngọc Tuấn

Tiếp tục thực hiện công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, việc cổ phần hóa phải cố gắng thay đổi về chất, về quản trị doanh nghiệp, thu hút các nhà đầu tư chiến lược để tăng cường năng lực quản lý, thu hút nguồn vốn cho đầu tư và phát triển.

Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, phấn đấu đến hết năm 2022, EVN cơ bản chuyển đổi thành doanh nghiệp hoạt động theo mô hình doanh nghiệp số; đẩy mạnh chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực quản trị, đầu tư xây dựng, sản xuất, kinh doanh và dịch vụ khách hàng.

EVN cũng cần tiếp tục chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, công nhân viên; thực hiện tốt các nhiệm vụ an sinh xã hội; nâng cao hơn nữa vai trò của Công đoàn và các tổ chức quần chúng, chú trọng hơn nữa đến công tác đào tạo, đào tạo lại để tăng năng suất lao động, nhằm thực hiện tốt mục tiêu năng suất lao động tăng từ 8 - 10%/năm.


Xuân Tiến (lược ghi)

Share