PGS.TS Nguyễn Đức Lợi: Nhiệt độ ngoài trời càng cao thì máy điều hòa càng tốn điện

Xoay quanh vấn đề đang được nhiều người sử dụng điện thắc mắc gần đây là: Vì sao hóa đơn tiền điện nhiều hộ gia đình tăng đột biến?, PGS.TS Nguyễn Đức Lợi (Viện Khoa học và Công nghệ Nhiệt - Lạnh, thuộc Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội) đã trao đổi với evn.com.vn về cơ chế hoạt động của điều hòa - một trong những "thủ phạm" trực tiếp và các nguyên nhân gây tiêu tốn nhiều điện năng ở các hộ gia đình, đặc biệt trong mùa nắng nóng.

PV: Thưa ông, nhiều người dân thắc mắc vì sao sử dụng điều hòa vào mùa hè lại tiêu thụ nhiều điện hơn so với các thời điểm khác trong năm?

PGS.TS Nguyễn Đức Lợi: Trời càng nóng thì máy điều hòa càng tốn điện. Có 2 nguyên nhân: Thứ nhất, trời càng nóng thì hiệu quả năng lượng của máy càng giảm. Thứ hai, nhiệt độ ngoài trời càng nóng thì tổn thất nhiệt từ ngoài môi trường vào trong phòng càng tăng, máy phải làm việc đầy tải và hết công suất nên tiêu tốn điện năng sẽ rất cao.

Tổn thất nhiệt này được tính bằng công thức Q = k.F.Δt. Trong đó: k là hệ số truyền nhiệt, coi như không đổi. F là diện tích của vách, trần, nền nhà cũng không đổi. Δt là hiệu nhiệt độ giữa môi trường bên ngoài và trong nhà, nó phụ thuộc vào nhiệt độ bên ngoài.

Ví dụ, nếu nhiệt độ ngoài trời là 30 độ C, nhiệt độ trong nhà đặt 25 độ C thì hiệu nhiệt độ giữa môi trường bên ngoài và trong nhà lúc này là 5 độ. Nếu nhiệt độ ngoài trời là 40 độ C thì hiệu nhiệt độ là 15 độ và tổn thất nhiệt sẽ tăng lên gấp ba. Khi đó, máy điều hòa phải làm việc gấp ba lần, lượng điện tiêu thụ cũng tăng lên gấp ba lần.

PV: Ngoài yếu tố nhiệt độ ngoài trời tăng cao, còn có những yếu tố nào có thể tác động làm cho điều hòa tiêu thụ nhiều điện hơn trong mùa hè?

PGS.TS Nguyễn Đức Lợi: Thực tế thì có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự tiêu tốn điện năng cho điều hòa. Ví dụ, phòng ở không cách nhiệt tốt, không kín khí hoặc sử dụng máy điều hòa lâu năm, công nghệ cũ thì càng tốn nhiều điện hơn.

Lắp đặt máy điều hòa không đúng cách cũng làm tiêu tốn nhiều điện năng, thậm chí làm cháy, hỏng máy. Ví dụ như dàn nóng ở bên ngoài lắp ở vị trí mà ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp hoặc có vật cản che phía trước, dàn lạnh trong phòng nếu lắp không đúng vị trí khiến không khí điều hoà không được phân phối đồng đều trong phòng cũng là nguyên nhân gây tốn điện...

Ngoài ra, điều hòa tiêu tốn nhiều điện còn do thói quen của người sử dụng. Nhiều người bật máy lên là cài đặt nhiệt độ xuống thấp nhất có thể. Việc làm đó không làm cho nhà mát nhanh hơn mà còn lãng phí điện năng không cần thiết. Cứ giảm xuống 1 độ thì điều hòa đã tốn thêm 5-7% điện năng. Do đó, đặt nhiệt độ trong phòng càng gần nhiệt độ ngoài trời thì sẽ tiết kiệm điện. Hoặc nhiều người có thói quen chỉ tắt điều hòa bằng điều khiển từ xa. Trong trạng thái này, điều hòa vẫn tiêu thụ khoảng 15 W điện chờ, tức là cỡ 2 bóng đèn nhỏ.

PV: Thưa ông, ngoài máy điều hòa không khí, việc nhiệt độ ngoài trời tăng cao trong mùa nắng nóng có khả năng làm cho các thiết bị điện khác trong gia đình tiêu tốn nhiều điện năng hơn không?

PGS.TS Nguyễn Đức Lợi: Điều hòa và tủ lạnh là 2 loại thiết bị bị ảnh hưởng mạnh nhất khi nhiệt độ ngoài trời tăng cao. Các thiết bị khác thì không đáng kể.

PV: Gần đây, khi giải thích về một số hóa đơn điện của người dân tăng nhiều hơn trong mùa nắng nóng, Tổng công ty Điện lực Hà Nội cho rằng một trong những nguyên nhân chính là do sử dụng điều hòa và các thiết bị làm mát quá nhiều. Ông nghĩ thế nào về điều này?

PGS.TS Nguyễn Đức Lợi: Điều đó là hợp lý. Ngay gia đình tôi cũng có 4 máy điều hòa. Trong đó, 1 máy dùng cho phòng khách thì hoạt động cả ngày. 3 máy còn lại chỉ dùng vào buổi tối và đa phần chạy trong vài giờ chứ không để qua đêm. Nhưng vừa qua có vài đợt nắng nóng liên tiếp, cộng với hiệu ứng bê tông hóa ở đô thị thì điều hòa sẽ càng tiêu thụ nhiều điện. Thế nên, hóa đơn tiền điện tháng 6/2014 của gia đình tôi cũng tăng lên gần gấp đôi nhưng tôi cho là hợp lý.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.

Một số lưu ý sử dụng điều hòa để tiết kiệm điện:

-  Phòng ở: Che nắng cho cửa sổ phía ngoài, có rèm cửa phía trong

- Máy điều hòa: Chọn mua máy chính hãng, công nghệ mới, càng nhiều sao tiết kiệm năng lượng càng tốt. Máy 5 sao có thể tiết kiệm năng lượng tới 23% so với máy 1 sao.

- Lắp đặt chuẩn:

+ Dàn nóng đặt ở chỗ thoáng, mát, không bị ánh nắng chiếu vào, không bụi bẩn, không ngược chiều gió.

+ Dàn lạnh cũng phải được đặt ở nơi thoáng, phân phối được đều gió cho cả phòng.

+ Ống ga nối hai dàn càng ngắn càng tốt (giới hạn đối với điều hòa phòng là 5m).

+ Chênh lệch chiều cao giữa dàn nóng và dàn lạnh càng nhỏ càng tốt (giới hạn đối với điều hòa phòng là 3m).

+ Hút chân không phải thật tốt, nếu còn sót khí không ngưng trong hệ thống thì điện tiêu thụ sẽ tăng.

+ Nạp ga vừa đủ, thiếu ga hoặc thừa ga đều làm cho máy “ăn” điện nhiều hơn.

- Nên đặt nhiệt độ từ 25 độ C trở lên vào ban ngày, từ 27 – 28 độ C vào ban đêm.

- Dùng thêm quạt máy khi đang bật điều hòa cũng có thể tiết kiệm năng lượng khoảng 10%.

- Tắt hoàn toàn điều hòa bằng aptômat khi đi ra ngoài.

- Định kỳ 1 lần/năm vệ sinh bụi bẩn cho dàn nóng và dàn lạnh, 2 lần/tháng đối với lưới lọc bụi cho dàn lạnh.

 


  • 09/07/2014 08:55
  • Hoàng Tuyết (thực hiện)
  • 10230


Gửi nhận xét