Phân biệt xe đạp điện: Thật - Giả

Với tính năng đơn giản, gọn nhẹ và dễ sử dụng, gần đây xe đạp điện đã trở thành một phương tiện giao thông khá phổ biến trên thị trường. Tuy nhiên, người tiêu dùng rất dễ mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ chất lượng đang được bày bán la liệt.

Theo khảo sát của phóng viên, các cửa hàng trên các phố Tây Sơn, Tôn Đức Thắng, Bà Triệu, Chùa Láng, Cầu Giấy (Hà Nội)…, bày bán khá nhiều loại xe đạp điện với kiểu dáng và mẫu mã phong phú. Mức giá của các xe nhãn mác ngoại dao động từ 10-30 triệu đồng/chiếc. Xe trong nước sản xuất khoảng 8,5 - dưới 10 triệu đồng/chiếc. Trong khi hầu hết các sản phẩm xe đạp nội đều niêm yết giá công khai đã gồm thuế, thì xe ngoại lại mập mờ về giá. Người bán hàng tùy khách mà “hét” giá.

Nhiều xe đạp mang thương hiệu hãng Honda, Yamaha hay Bridgestone được bày bán ở các cửa hàng là xe của các hãng sản xuất tại Trung Quốc, hoặc là hàng nhái, hàng giả.

Nhiều người cho rằng cứ mua xe có địa chỉ, người bán rõ ràng, có bảo hành bảo dưỡng đầy đủ sẽ yên tâm và coi đó là cơ sở để khẳng định hàng thật. Nhưng ở nhiều cửa hàng, xe giả hiện cũng có chế độ bảo hành bảo dưỡng đầy đủ như xe thật. Bởi vì mua giá thấp, bán giá cao, nên các cửa hàng bán xe đạp giả sẵn sàng bảo hành cho người tiêu dùng. Họ cũng nhập linh kiện về để thay thế trong thời gian bảo hành nhưng chất lượng phụ tùng kém, nên nhiều xe có khi phải thay tới vài lần và khi hết thời gian bảo hành (khoảng 1 năm) thì lúc đó người tiêu dùng phải tự bỏ tiền ra để thay.

Ngày 3/5/2013, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra 20 đại lý bán xe đạp điện trên địa bàn thành phố. Qua kiểm tra, phát hiện phần lớn các cửa hàng đều vi phạm về hóa đơn chứng từ, mẫu mã và chất lượng sản phẩm.

(Ảnh minh họa)

Trước đó, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an TP.HCM) đã kiểm tra một kho hàng tại quận 6, phát hiện gần 70 chiếc xe đạp điện Trung Quốc sản xuất, giả mạo nhãn hiệu Honda, Yamaha và 230 tờ tem giả mạo. Chủ lô hàng cho biết mua lại từ một công ty nhập khẩu, với giá khoảng 4,5 - 5 triệu đồng mỗi chiếc. Những chiếc xe này nếu tiêu thụ trót lọt, thì giá đến tay người tiêu dùng có thể lên tới 10 triệu đồng/chiếc.

Theo ông Trịnh Văn Ngọc, Trưởng phòng Chống hàng giả - Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương): Việc xe đạp điện nhập khẩu bán tràn lan trên thị trường và đang vi phạm về nhãn mác, thương hiệu như: Honda, Yamaha và xe đạp của Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam giả các nhãn mác của các nhà sản xuất trong nước đã ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng, phá hoại nền sản xuất trong nước và gây thất thu ngân sách của Nhà nước. Cục Quản lý thị trường đã có văn bản chỉ đạo các địa phương như Hà Nội, TPHCM, Lạng Sơn, Quảng Ninh... tăng cường kiểm tra xe đạp điện nhập khẩu về nguồn gốc xuất xứ, hóa đơn chứng từ, hàng hóa nhập vào Việt Nam.

Ông Đỗ Thanh Lam, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho rằng: Để kiểm soát tốt hơn mặt hàng này, cần có sự phối hợp của lực lượng hải quan, biên phòng, cảnh sát biển... ở khu vực biên giới. Đồng thời, người tiêu dùng cũng nên lựa chọn các thương hiệu đã có uy tín ở trong nước để nếu sản phẩm có “vấn đề” thì tìm được nơi giải quyết.
 

Cách phân biệt xe đạp điện thật - giả bằng mắt thường

Xe thật in nổi tên thương hiệu trên khung xe và động cơ. Xe giả hầu như không có.
Xe thật có tem phiếu đóng dấu của nhà sản xuất ghi thông số kĩ thuật, tên xe, loại xe.
Xích của xe thật có màu trắng như màu nhôm. Xích của xe giả có màu tối đen như xích xe đạp thường.
Yên xe giả bóp mềm hơn, do được làm bằng chất liệu kém chất lượng hơn, dễ bị bẹp và biến dạng.

Dự thảo Thông tư Quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật xe đạp điện đang được Bộ GTVT lấy ý kiến quy định:
- Các đơn vị xuất nhập khẩu, sản xuất và kinh doanh xe đạp điện tại thị trường Việt Nam phải đưa sản phẩm của mình ra kiểm định trước cơ quan quản lý chất lượng là Cục Đăng kiểm Việt Nam.
- Xe đạp điện được công nhận, cấp, dán tem chất lượng thì mới được đưa ra lưu thông trên thị trường.
- Các thông số kỹ thuật cơ bản phải kiểm định là trọng lượng bản thân của xe; số người cho phép chở kể cả người lái; loại động cơ điện gắn trên xe gồm công suất, điện áp và số km xe đi được sau khi nạp đầy điện…
- Khi xe lưu thông trên thị trường bị lỗi kỹ thuật thì nhà sản xuất, cung cấp xe nhập khẩu phải có trách nhiệm triệu hồi xe và khắc phục lỗi.

Kỹ sư Trần Trung Thành – Giám đốc kinh doanh, Tổng đại lý phân phối xe chạy điện Hà Nội: Trên thị trường hiện có 2 loại xe giả, làm giả giống hệt từ kiểu dáng đến nhãn hiệu của xe thật và chỉ giả về nhãn hiệu còn kiểu dáng tự thiết kế. Thông thường các loại xe giả có chất lượng rất kém ở hầu hết các bộ phận, đặc biệt là ắc quy và động cơ. Ắc quy xe giả có chất lượng kém sạc lâu đầy, nhanh sụt điện làm cho quãng đường sử dụng ngắn, không đạt được đầy đủ công suất. Động cơ chất lượng kém làm cho xe có công suất yếu, tốc độ di chuyển không cao, dễ bị hỏng hóc và hay chết máy, tuổi thọ không cao, nếu như xe thật dùng tốt đi được khoảng 3 năm thì xe giả chỉ đi được 1 năm đến 1,5 năm.

 


  • 09/07/2013 01:23
  • Theo TCĐL Chuyên đề Thế giới Điện
  • 33916


Gửi nhận xét