5/7 nhà máy nhiệt điện về đích chậm 3 - 4 năm
Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, trong năm 2018, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng (Hội đồng) đã tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu của chủ đầu tư đối với 15 dự án điện, trong đó nhiệt điện có 11 công trình (Vĩnh Tân 4, Vĩnh Tân 1, Vĩnh Tân 3, Duyên Hải 1, Duyên Hải 2, Duyên Hải 3, Duyên Hải 3 mở rộng, Thái Bình 2, Long Phú 1, Sông Hậu 1, Hải Dương) và thủy điện có 04 công trình (Trung Sơn, Thượng Kon Tum, Pắc Ma, Đa Nhim mở rộng).
Trong 15 dự án điện, có 5 công trình, hạng mục công trình hoàn thành thi công xây dựng và được Hội đồng kiểm tra chấp thuận đưa vào khai thác sử dụng: Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, Nhà máy Thủy điện Trung Sơn, cấp PAC Tổ máy số 1 Nhà máy nhiệt điện BOT Vĩnh Tân 1, Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1, Nhiệt điện Duyên Hải 3 (có 4/5 công trình do EVN đầu tư).
Tuy nhiên, chỉ có một số nhà máy nhiệt điện được chủ đầu tư tổ chức thi công tốt và đưa vào vận hành, phát điện thương mại sớm hơn so với kế hoạch: Nhà máy Nhiệt điện BOT Vĩnh Tân 1 (do nhà đầu tư Trung Quốc thực hiện, vượt 06 tháng), Vĩnh Tân 4 (do EVN là chủ đầu tư, vượt 03 tháng) phát huy hiệu quả đầu tư, kinh tế - xã hội và góp phần đảm bảo an ninh năng lượng. Còn lại, phần lớn các công trình nhiệt điện có tiến độ thi công chậm so với kế hoạch.
Trong danh mục các công trình điện Hội đồng theo dõi, có 5/7 nhà máy nhiệt điện chậm từ 2 - 3 năm, 2/3 công trình thủy điện chậm từ 1 - 4 năm (công trình còn lại chưa được khởi công theo kế hoạch), điển hình như: Nhiệt điện Sông Hậu 1 (hoàn thành hơn 60%), Nhiệt điện Long Phú 1 và Nhiệt điện Thái Bình 2 (hoàn thành trên 80%) nhưng do xuất hiện nhiều vướng mắc, thiếu vốn, nên tiến độ phát điện thương mại sẽ tiếp tục bị chậm từ 2 - 3 năm hoặc có thể hơn.
Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 là một trong số ít công trình nhiệt điện hoàn thành tiến độ trước 03 tháng so với kế hoạch đề ra
|
Làm gì để không ảnh hưởng đến an ninh năng lượng?
Theo Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng, ngoài một số dự án nguồn điện được chủ đầu tư tập trung tổ chức thực hiện hoàn thành đưa vào phát điện thương mại như nhiệt điện Duyên Hải 1, Duyên Hải 3, Vĩnh Tân 4, BOT Vĩnh Tân 1 góp phần cung ứng điện cho nhu cầu sản xuất, phần lớn các nhà nhiệt điện còn lại đều chậm tiến độ so với kế hoạch; cần phải được giải quyết dứt điểm tồn tại, vướng mắc, trong đó đặc biệt là các nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Long Phú 1 và Sông Hậu 1 đã được thi công, nhưng còn tồn tại, vướng mắc trong nhiều năm.
Bên cạnh đó, cần tiến hành đồng bộ các dự án truyền tải điện. Dự án tuyến đường dây 500 kV mạch 3 gặp vướng mắc về thủ tục đầu tư xây dựng, giải phóng mặt bằng chậm. Một số đường dây 110/220 kV ở khu vực Nam Trung bộ đã quá tải. Việc sớm đưa vào vận hành đường dây 500 kV mạch 3 là hết sức cấp bách nhằm cân đối nguồn điện giữa các khu vực và đảm bảo cung ứng điện cho miền Nam.
Để đáp ứng cùng lúc cho nhiều nhà máy nhiệt điện hoạt động thì cần phải có các các giải pháp đảm bảo độ tin cậy cung cấp, chất lượng và tỷ lệ dự trữ than an toàn cho phát điện. Các chủ đầu tư, đơn vị quản lý vận hành chưa có giải pháp căn bản việc xử lý tro, xỉ thải tại các nhà máy nhiệt điện, trong khi các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan mới dừng ở việc đôn đốc mà chưa có định hướng, chỉ đạo cụ thể.
Hội đồng kiến nghị Văn phòng Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu và báo cáo đề xuất các giải pháp phù hợp, tháo gỡ vướng mắc về vốn để sớm hoàn thành dự án nhiệt điện Thái Bình 2, dự án Sông Hậu 1 và Long Phú 1; xây dựng quy hoạch phát triển hệ thống truyền tải và phân phối điện đồng bộ, hợp lý, nghiên cứu giải pháp xã hội hóa trong việc đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải nhằm tận dụng các nguồn lực xã hội;
Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan có các giải pháp và lộ trình cụ thể trong việc đảm bảo nguồn cung nguyên liệu lâu dài cho nhà máy điện. Xử lý tro xỉ nhà máy nhiệt điện, đặc biệt là các công việc liên quan đến quy hoạch và việc xây dựng cảng trung chuyển than. Cần rà soát, tính toán lựa chọn tối ưu tỷ trọng nhiệt điện than trong hệ thống điện lực quốc gia trong Quy hoạch điện VIII đảm bảo đồng bộ với các nguồn điện khác, nhằm mục tiêu đáp ứng đủ điện năng cho phát triển kinh tế và không gia tăng tác động bất lợi đến môi trường.