“Phàn nàn giảm nhiều, ủng hộ tăng lên…”

Đó là nhận xét của Tiến sỹ, chuyên gia kinh tế Cao Sĩ Kiêm - Nguyên Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khi trao đổi với phóng viên Tạp chí Điện lực về hoạt động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong năm 2017.

Ông Cao Sĩ Kiêm

Phóng viên (PV): Thưa ông, ông đánh giá thế nào về hoạt động của EVN trong năm vừa qua?

Ông Cao Sĩ Kiêm: Đứng ở vị trí một người dân, tôi rất cảm ơn ngành Điện, vì năm 2017 đã mang đến cho xã hội sản phẩm điện năng chất lượng và dịch vụ rất tốt. Người dân đã được sử dụng điện với độ tin cậy, ổn định cao hơn và giá cả hợp lý. Những yêu cầu của nhân dân, của đất nước, về cơ bản EVN đã đáp ứng được.

Ở góc độ nhà kinh tế và người đã làm kinh tế, tôi cũng rất phấn khởi, bởi ngành Điện – một ngành trụ cột đã thu được nhiều kết quả tích cực và khá toàn diện, góp phần to lớn vào sự tăng trưởng của nền kinh tế đất nước, cải thiện đời sống nhân dân. Đây cũng là nền tảng để kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững trong những năm tới. Đặc biệt, năm 2017, trong cộng đồng dư luận, kêu ca, phàn nàn về ngành Điện đã ít đi rất nhiều, thay vào đó, sự ủng hộ đã nhiều hơn, nhất là cộng đồng các doanh nghiệp.

PV: Trong những thành tựu mà EVN đã đạt được, theo ông đâu là kết quả mang tính đột phá và có ý nghĩa lớn nhất? 

Ông Cao Sĩ Kiêm: Nếu nói thành công có ý nghĩa của ngành Điện trong năm nay thì rất nhiều, nhưng có thể quy tụ lại ba vấn đề. Thứ nhất, EVN đã thực hiện đạt và vượt các kế hoạch về sản xuất kinh doanh điện; thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và đời sống của nhân dân, các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước. 

Thứ 2, Việc tái cơ cấu của EVN trong năm nay đã có những bước tiến tích cực sau nhiều năm gặp khó khăn. Phải khẳng định rằng, tái cơ cấu là chủ trương lớn và đúng đắn của Chính phủ không chỉ dành riêng ngành Điện mà còn cho tất cả các ngành kinh tế. Việc ngành Điện - ngành kinh tế mũi nhọn, thực hiện tái cơ cấu đúng lộ trình đã và đang tạo động lực, điều kiện để các ngành khác cũng triển khai tốt công việc này.

Thứ 3, công tác quản lý, kinh doanh và dịch vụ khách hàng của EVN đã có những bước đột phá, phục vụ tốt cho đời sống nhân dân và tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Điển hình, năm nay, chỉ số tiếp cận điện năng tăng 32 bậc so với năm 2016, góp phần không nhỏ vào việc cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam. Kết quả này có được là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và cũng là sự nỗ lực rất đáng ghi nhận của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

EVN cũng đã triển khai 100% dịch vụ điện trực tuyến. Đây là một bước tiến có ý nghĩa quan trọng, thể hiện sự phát triển đúng hướng, bắt kịp xu thế thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, cũng như đảm bảo yếu tố phát triển vững bền của ngành Điện. 

PV: Theo ông, đâu là những nguyên nhân cơ bản làm nên thành công của EVN năm 2017? 

Ông Cao Sĩ Kiêm: Tôi cho rằng, có 2 lý do chính. Thứ nhất, EVN đã chú trọng đến chất lượng sản phẩm. Nếu trước đây, chỉ là cung cấp điện, thì hiện EVN đã quan tâm đến việc nâng cao chất lượng điện năng, cung cấp điện với độ tin cậy cao hơn, ổn định hơn.

Thứ hai, những năm gần đây, EVN đã xác định dịch vụ khách hàng là khâu then chốt, quyết định sự phát triển bền vững của Tập đoàn. Từ tư duy phân phối điện, EVN đã chuyển sang tư duy phục vụ, xem khách hàng là trung tâm, là “thượng đế”. Đây là hướng đi đúng và tích cực của EVN trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, giúp người dân được thụ hưởng sản phẩm điện năng với chất lượng và dịch vụ tốt.

PV: Bên cạnh những thành tích đạt được, theo ông đâu là những khó khăn mà EVN vẫn phải đối mặt trong những năm tới?

Ông Cao Sĩ Kiêm: Ngành Điện là một ngành rất đặc thù, bởi là sản phẩm sản xuất ra không thể dự trữ được. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của EVN cũng phụ thuộc hoàn toàn vào các yếu tố bên ngoài như: Thời tiết, giá các nguyên liệu đầu vào, tỉ giá ngân hàng, vấn đề tiêu thụ điện của khách hàng… Bên cạnh đó, còn rất nhiều khu vực cần đầu tư cấp điện, nhất là những vùng biển đảo, vùng sâu, vùng xa..., đòi hỏi Nhà nước cũng như EVN phải đầu tư lớn, trong khi hiệu quả kinh tế thu lại rất hạn chế. Đây là những thách thức rất lớn mà EVN đang phải tiếp tục đối mặt trong hành trình đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

PV: Trước những thử thách này, ông có thể “hiến kế” gì, giúp EVN đạt được những mục tiêu trong năm 2018 cũng như những năm tới?

Ông Cao Sĩ Kiêm: Tôi cho rằng, việc đẩy mạnh ứng dụng KHCN sẽ quyết định sự phát triển đột phá của EVN trong những năm tới. Dù đã gặt hái được nhiều thành tựu, nhưng nếu xét về tính hiện đại của hệ thống điện, vẫn còn khoảng cách so với các nước tiên tiến trên thế giới. Ngành Điện là một ngành có yếu tố khoa học kỹ thuật rất sâu, nên việc ứng dụng KHCN sẽ là nền tảng vững chắc để EVN phát triển mạnh mẽ và bền vững.

Cùng với đó, EVN cũng cần tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý và chất lượng các dịch vụ khách hàng. Thực ra, cả hai giải pháp này EVN đều đã và đang nỗ lực thực hiện. Trải qua nhiều bước thăng trầm, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tạo được nền tảng rất tốt và có những định hướng rất đúng trong chiến lược phát triển. Hi vọng rằng, thời gian tới, EVN sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành quả hơn nữa, góp phần vào sự phát triển của kinh tế đất nước.

PV: Xin cảm ơn ông! 
 


  • 20/02/2018 10:12
  • Theo TCDL chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 13775