Hiệp hội Hydrogen của Pháp cho biết vào đầu năm 2024, Pháp có thể sản xuất 12 tấn hydro không carbon mỗi ngày, với công suất điện phân được lắp đặt là 30MW, so với mức 13MW vào đầu năm 2023.
Giám đốc hệ sinh thái Hydrogen của Michelin Valérie Bouillon-Delporte, kiêm chủ tịch Hiệp hội Hydrogen của Pháp nhấn mạnh: "Chúng tôi đã tăng gấp đôi công suất sau một năm".
Theo Hiệp hội Hydrogen Pháp, đợt triển khai gia tăng công suất này "tương ứng với các địa điểm sản xuất hydro có hàm lượng carbon thấp hoặc tái tạo đã được đưa vào sử dụng trong khu vực, cũng như các trạm sạc có công suất sản xuất tại chỗ cao (2,5MW)".
Các dự án công nghiệp sản xuất hydro bằng điện phân đã hoàn tất khâu cấp vốn và sẽ khởi công xây dựng với tổng công suất lên đến 300MW vào năm 2023 ở Pháp, tương đương với công suất sản xuất 120 tấn hydro khí mỗi ngày, bà Bouillon-Delporte cho biết.
Tuy nhiên, Pháp vẫn chưa đạt được mục tiêu đã đề ra cho năm 2030 là đạt được công suất sản xuất lắp đặt 6,5GW và 10GW vào năm 2035.
Bà Bouillon-Delporte giải thích: "Chúng tôi không thể đạt được tiến triển nhanh như mong đợi là do vấn đề quy tắc". Cho đến nay vấn đề này vẫn chưa cho phép các nhà đầu tư có đủ tầm nhìn và kiểm soát rủi ro.
Bà nhấn mạnh rằng, Pháp cần nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu. Với tổng công suất 300MW được tài trợ, Pháp đang dẫn đầu trong số 3 quốc gia hàng đầu ở châu Âu, chỉ sau Thụy Điển (1.400MW) và Đức (550MW).
Khi được sản xuất trong điều kiện sạch và không phát thải CO2, Hydro được coi là yếu tố quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng và sinh thái đang diễn ra.
Hydro được dùng để khử carbon cho ngành công nghiệp nặng như luyện thép, hóa dầu, phân bón hoặc xi măng (nếu không có nó sẽ không thể loại bỏ dầu, than hoặc khí đốt, cũng như giảm lượng khí thải CO2), cũng như làm nhiên liệu cho các phương tiện vận tải hạng nặng hoặc có cường độ cao.
Ngoài những vấn đề về quy tắc, vẫn còn một số trở ngại kỹ thuật cản trở ngành hydro sạch phát triển trong công nghiệp ở Pháp, đặc biệt là do điện phân theo các kỹ thuật khác nhau có thể sinh lời so với sản xuất hydro hiện tại.
Ngày 30/01, 19 trường đại học và tổ chức nghiên cứu công của Pháp đã cùng cam kết triển khai một chương trình nghiên cứu nhằm đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa các sáng kiến, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành hydro khử carbon của Pháp ra đời.
Chương trình có tên là H2DEC, với ngân sách 13,2 triệu euro trong 5 năm, nhằm mục đích triển khai những bản minh họa và nguyên mẫu dựa trên các phát minh bắt nguồn từ nghiên cứu cơ bản và một chương trình nghiên cứu lớn khác được triển khai vào năm 2021 trong 8 năm, với kinh phí 83 triệu euro.
Bà Catherine Guillemin, chủ tịch của một công ty tăng tốc chuyển giao công nghệ (SATT), nói với AFP rằng: "Họ sẽ cố gắng khắc phục các rào cản và những khó khăn kỹ thuật trong việc sản xuất, lưu trữ và chuyển đổi hydro không carbon. Chương trình H2DEC quy tụ tổng cộng 2/3 nghiên cứu công của Pháp, đây là lần đầu tiên có một nhóm lực lượng nghiên cứu công quốc gia như vậy".
Một dấu hiệu cho thấy sự phát triển của hydro theo hướng vận tải hạng nặng đó là TotalEnergies và Air Liquide đã ra mắt Teal Mobility tại triển lãm ngày 30/01, để cùng xây dựng mạng lưới 100 trạm hydro cho các tài xế xe tải trên các tuyến đường chính của châu Âu. Pháp dự kiến sẽ triển khai 24 trạm, trong đó có 6 trạm đã được France Hydrogen tính đến.
Tổng cộng có 69 trạm sạc hydro được mở ở Pháp trong số 197 trạm do France Hydrogène thống kê. Tất cả các trạm này đều dùng để cung cấp năng lượng cho xe buýt, xe chở rác, xe sedan hoặc xe tải nhỏ.
Link gốc