Đảm bảo điện đi trước một bước
Với vai trò chủ đạo trong đầu tư nguồn và lưới điện, đáp ứng nhu cầu điện cho nền kinh tế và đời sống nhân dân, góp phần quan trọng đảm bảo an sinh xã hội, an ninh - quốc phòng biên giới, hải đảo, EVN đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đầu tư phát triển nguồn và lưới điện, đảm bảo cung cấp đủ điện, đáp ứng nhu cầu phụ tải ngày càng tăng, tạo môi trường thuận lợi thu hút vốn đầu tư vào Việt Nam.
Sản lượng điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tăng liên tục với tốc độ cao, từ 34,9 tỷ kWh năm 2003 lên mức 115,2 tỷ kWh năm 2013; tốc độ tăng điện thương phẩm bình quân là 12,69%/năm, tăng gấp 1,88 lần so với tăng trưởng GDP, điện thương phẩm bình quân trên người dân đến cuối năm 2013 là 1.285 kWh/người/năm, tăng 2,96 lần so với năm 2003 (434 kWh/người/năm).
CBCNV Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 2 làm việc tại công trình Nhiệt điện Nhơn Trạch 2. Nguồn: EVN PECC2
|
Mặc dù từ năm 2008, kinh tế thế giới suy thoái, sản xuất trong nước gặp nhiều khó khăn, việc huy động đủ vốn cho nhu cầu đầu tư các dự án nguồn và lưới điện, gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực cao, EVN đã thu xếp đủ vốn. Kết quả, từ năm 2003 đến 2013, trong vòng 10 năm, EVN đã đầu tư và đưa vào vận hành 60 tổ máy thuộc 29 dự án nguồn điện mới với tổng công suất 10.416 MW, chiếm 46,6% tổng công suất phát điện, nâng tổng công suất của toàn hệ thống điện tới cuối năm 2013 đạt 30.597 MW, trong đó, EVN sở hữu trên 18.500 MW, chiếm gần 61%. Như vậy, tính đến nay, về quy mô nguồn điện, Việt Nam xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, thứ 31 trên thế giới. Đặc biệt, ngày 23/12/2012, Thủ tướng Chính phủ đã cắt băng khánh thành công trình Nhà máy Thủy điện Sơn La, hoàn thành sớm 3 năm so với Nghị quyết của Quốc hội, mang lại hiệu quả cao về kinh tế - xã hội. Với công suất 2.400 MW, Nhà máy Thủy điện Sơn La trở thành công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á, là điểm sáng về tinh thần đoàn kết, kỷ luật và đồng tâm,nhất trí, phát huy sức mạnh nội lực, vươn lên làm chủ khoa học công nghệ hiện đại của cán bộ, công nhân Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng như các đơn vị khác tham gia xây dựng công trình.
10 năm qua (2003-2013), EVN đã đóng điện thành công, đưa vào vận hành nhiều công trình lưới điện trải dài trên địa bàn cả nước, từ thành phố đến các xã vùng sâu vùng xa. So với năm 2003, lưới điện từ 110 kV đến 500 kV tăng 220% với tổng chiều dài là 32.655km; dung lượng trạm biến áp tăng 356% với tổng dung lượng là 85.254 MVA. Lưới điện trung, hạ áp tăng 220% với 406.970km; dung lượng trạm biến áp tăng 250% với 61.897 MVA. Từ năm 2003 đến 2013, EVN đã đầu tư 477.826 tỷ đồng vào phát triển kết cấu hạ tầng điện lực, bình quân bằng khoảng 7,14% tổng đầu tư cả nước.
Trưởng thành qua những công trình điện
Tham gia trực tiếp hàng trăm công trình nguồn và lưới điện đồng bộ, lực lượng tư vấn thiết kế điện và quản lý dự án đã tạo được bước bứt phá ngoạn mục. Nếu như Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 1 được biết đến như cánh chim đầu đàn trong lĩnh vực tư vấn điện Việt Nam, tham gia những công trình mang tầm thế kỷ như: Thủy điện Sơn La, Ialy, Sê San 3, Bản Vẽ, Pleikrong, Sông Bung 4, Tuyên Quang, Nhiệt điện Uông Bí mở rộng 1, Quảng Ninh 1-2, Mông Dương 1-2…; với công nghệ bê tông đầm lăn (RCC), trạm biến áp kín (GIS) được áp dụng thành công đầu tiên ở Việt Nam, thì Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 2 trưởng thành từ hàng trăm công trình nguồn và lưới điện tại các tỉnh phía Nam như: Thủy điện Trị An, Hàm Thuận Đa Mi-Đa Nhim, Đại Ninh, A Vương, Buôn Kuôp, Srêpok 3; các công trình tại Trung tâm Điện lực Phú Mỹ, Ô Môn, Cà Mau, Nhơn Trạch, Vĩnh Tân, Duyên Hải..,; các đường dây 500 kV Phú Mỹ-Nhà Bè-Phú Lâm, Sơn La-Hiệp Hòa, Đà Nẵng-Hà Tĩnh, Nhà Bè-Ô Môn, Vĩnh Tân-Sông Mây, cáp ngầm 220 kV Nhà Bè- Tao Đàn…; các Trạm biến áp 500 kV Phú Mỹ, Nhà Bè, Tân Định, Ô Môn, trạm GIS 220 kV Tao Đàn, Hiệp Bình Phước…Công ty Tư vấn Xây dựng điện 2 cũng được biết đến như là một đơn vị tư vấn hàng đầu của Việt Nam về nhà máy điện công nghệ tuabin hỗn hợp.
Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 3 với lực lượng lao động tinh gọn và cơ động, ngày càng mở rộng quy mô hoạt động. Cùng với việc trực tiếp tham gia xây dựng quy hoạch Trung tâm Nhiệt điện Nghi Sơn (1.800 MW), Quảng Trạch (2.400 MW), Long Phú (4.400 MW); Quy hoạch phát triển lưới điện phát triển các tỉnh, thành phố: Đà Lạt, Vũng Tàu, Biên Hòa, Cần Thơ… Công ty Tư vấn Xây dựng điện 3 đã ngày càng trưởng thành.
Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 2 tiến hành khảo sát đá khu vực nhà máy điện hạt nhân Ninh thuận 1. Nguồn: EVN PECC2
|
Ra đời từ Phân viện Quy hoạch Thiết kế điện Miền Nam (năm 1976), Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 4 đã từng bước vươn lên trở thành đơn vị tư vấn độc lập cho nhiều công trình quan trọng như: Buôn Tuasrah, Krông Hnăng, Trung Sơn, Srêpok 4, Hồi Xuân, Thủy điện Tích năng Bác Ái…
Cùng với sự trưởng thành của lực lượng tư vấn xây dựng điện, các ban quản lý dự án lưới điện miền Bắc, miền Trung, miền Nam và các ban quản lý dự án nguồn điện bao gồm: ATĐ1 - ATĐ7, A Sơn La, NPB cũng đã khẳng định được thương hiệu của mình trong lĩnh vực quản lý dự án lưới điện.
Theo Quy hoạch điện VII, năm 2015, EVN sẽ cung cấp cho nền kinh tế khoảng 150-155 tỷ kWh, năm 2020 khoảng 300-330 tỷ kWh.Theo đó, EVN sở hữu 23.000 MW công suất nguồn, chiếm 56% tổng công suất nguồn của hệ thống điện, sản xuất sản lượng điện chiếm khoảng 40% nhu cầu sử dụng điện; năm 2020, sở hữu khoảng 32.300 MW công suất nguồn, chiếm khoảng 43% tổng công suất nguồn cả hệ thống điện, chủ động sản xuất 38-40% nhu cầu điện. Để đảm bảo tính đồng bộ, EVN sẽ phải xây dựng hệ thống lưới điện truyền tải và phân phối hiện đại, đồng bộ với nguồn điện và đảm bảo kết nối đến các phụ tải. Khó khăn vẫn còn ở phía trước, nhưng với những thành quả đã đạt được là cơ sở để EVN phát triển bền vững, giữ vững vai trò chủ đạo trong đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Nguồn: Ấn phẩm Điện lực VN - 60 năm: Thắp sáng niềm tin
Share