Ảnh minh họa
|
Tại Hội nghị đánh giá kết quả đầu tư các dự án điện gió được tổ chức vào tháng 1/2020, ông Trần Ðình Nhân - Tổng giám đốc EVN cho biết, trong việc phát triển điện mặt trời thời gian qua, mặc dù EVN đã thường xuyên theo dõi, chủ động nắm bắt thông tin và khẩn trương làm việc với các chủ đầu tư (từ năm 2018), nhưng thực tế vẫn còn nhiều vướng mắc, chưa đồng bộ giữa phát triển nguồn và lưới truyền tải điện. EVN đã và đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải tỏa công suất các dự án điện gió. Dự kiến trong quý III/2020, Tập đoàn sẽ giải tỏa hết công suất nguồn điện này, sớm hơn so với kế hoạch.
Cũng theo ông Trần Ðình Nhân, để phát huy hiệu quả các dự án điện gió, tránh những vướng mắc lặp lại như đối với các dự án điện mặt trời, các nhà đầu tư cần trao đổi, chia sẻ thẳng thắn, thường xuyên cung cấp thông tin, tình hình triển khai dự án với EVN, để giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc. Về phía EVN, Tập đoàn sẽ công khai các thông tin về tình hình đầu tư xây dựng các dự án điện gió.
Ðánh giá cao nỗ lực của EVN, nhưng các nhà đầu tư vẫn còn lo ngại, nhiều dự án điện gió sẽ được bổ sung vào Quy hoạch có thể gây nên sự quá tải lưới truyền tải điện. Do đó, các nhà đầu tư đề nghị, EVN sớm đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án truyền tải điện đồng bộ với các dự án điện gió; đồng thời, Bộ Công Thương nghiên cứu, cân nhắc, bổ sung quy hoạch các dự án điện gió phù hợp, tránh xảy ra quá tải như các dự án điện mặt trời thời gian qua.
Tính đến cuối năm 2019, ngoài 9 dự án điện gió đã được cấp chứng nhận vận hành thương mại (COD), hiện còn 31 dự án (tổng công suất 1.645MW) đã ký hợp đồng mua bán điện (PPA) nhưng chưa COD. Qua tính toán và kiểm tra, điều kiện giải tỏa công suất các dự án cho thấy, các khu vực có dự án, về cơ bản sẽ được giải tỏa hết công suất vào năm 2021, chỉ riêng khu vực Ninh Thuận và Bình Thuận còn gặp khó khăn. Ngoài ra, có 59 dự án đã bổ sung vào Quy hoạch Ðiện lực đến năm 2025, nhưng chưa ký hợp đồng mua bán điện, tổng công suất khoảng 2.700 MW. Qua tính toán, khu vực Phú Yên quá tải nhẹ; khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận quá tải; các khu vực còn lại đều có thể giải tỏa tốt.
Từ thực tế đó, EVN đề nghị các chủ đầu tư tích cực đàm phán về đấu nối và ký hợp đồng mua bán điện với EVN, đảm bảo đúng tiến độ, nhất là đối với các dự án nằm trong khu vực giải tỏa công suất thuận lợi; đồng thời, các chủ đầu tư cần phối hợp với EVN, thực hiện các thử nghiệm, sớm được công nhận COD. Cùng với đó, các nhà đầu tư điện gió cũng phải nâng cao chất lượng công bố và dự báo công suất nguồn; tuân thủ nghiêm quy định/yêu cầu vận hành…
Với các dự án đang chờ bổ sung vào quy hoạch, EVN kiến nghị Bộ Công Thương ưu tiên các dự án có khả năng đảm bảo giải tỏa được công suất. Ðối với các địa phương có lưới truyền tải điện đã bị quá tải, nhưng vẫn xin được bổ sung các dự án điện vào quy hoạch, EVN sẽ đề nghị Bộ không bổ sung.
Giá mua điện gió tại điểm giao nhận điện:
- Dự án điện gió trong đất liền: 1.928 đồng/kWh (tương đương 8,5 Uscents/kWh)
- Dự án điện gió trên biển:
2.223 đồng/kWh (tương đương 9,8 Uscents/kWh).
* Giá trên được áp dụng cho một phần hoặc toàn bộ nhà máy nối lưới đưa vào vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021; được áp dụng trong 20 năm, kể từ ngày vận hành thương mại.
(Theo Quyết định số 39/2018/QÐ-TTg ngày 10/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ)
|
Theo TCĐL Chuyên đề Thế giới điện
Share