Phát triển năng lượng tái tạo: Tiềm năng lớn, thách thức cũng không nhỏ

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, việc khai thác, sử dụng nguồn năng lượng này đang là một thách thức lớn đối với các nhà hoạch định chính sách phát triển năng lượng Việt Nam.

Tiềm năng lớn

Đánh giá về tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết: Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, số giờ nắng bình quân trong năm từ 2.500 - 3.000 giờ với nhiệt độ bình quân năm trên 21 độ C. Ngoài ra, Việt Nam có tiềm năng lớn về các dạng NLTT khác như gió, sinh khối... Đây là những nguồn năng lượng sạch, quý giá, cần được khai thác một cách hợp lý, hiệu quả.

Riêng về tiềm năng điện gió, theo ông Nguyễn Văn Vy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, với công nghệ hiện đại, chỉ cần tốc độ gió từ 5m/s trở lên, tua bin đã có thể phát điện. Ước tính, điện gió trên đất liền của Việt Nam có thể tạo ra khoảng 40-50 nghìn MW, nếu cộng thêm tiềm năng điện gió từ ngoài khơi, Việt Nam có thể phát triển khoảng trên 100 nghìn MW. 

Còn với năng lượng mặt trời (NLMT), Việt Nam có thể lắp đặt các tấm pin NLMT ở nhiều vùng khác nhau như trên bờ biển, trên hồ nước, đồng bằng, rừng núi, trên mái nhà… Nếu tính trung bình, cứ khoảng 1 ha thu được 1 MW điện mặt trời, Việt Nam có thể sản xuất ra hàng chục ngàn MW công suất từ bức xạ NLMT.

Hệ thống điện mặt trời trên mái nhà của Tổng công ty Điện lực TP.HCM

Thách thức phía trước

Ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng giám đốc EVN cho rằng, để phát triển điện năng một cách hiệu quả, bền vững, EVN hoàn toàn ủng hộ chủ trương đẩy mạnh phát triển NLTT, phù hợp với quy hoạch. Ưu tiên phát triển NLTT sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, bảo vệ nguồn tài nguyên năng lượng, giảm tác động tiêu cực đến môi trường trong sản xuất điện. Tuy nhiên, khi có sự tham gia của NLTT, thiết kế hệ thống truyền tải và phân phối điện cũng sẽ phải điều chỉnh so với thiết kế truyền thống.

Tại Việt Nam, do nhu cầu sử dụng điện rất lớn, việc đẩy nhanh phát triển NLTT cũng cần phải lưu ý đến một số vấn đề như: Sự không ổn định của công suất phát vì phụ thuộc vào thời tiết (tốc độ gió, bức xạ mặt trời…). Để đảm bảo hệ thống điện vận hành ổn định, cần phải tính đến công suất dự phòng, bù đắp lượng công suất thiếu hụt khi nguồn NLTT không phát điện được. Các nguồn điện gió và điện mặt trời không có khả năng điều chỉnh điện áp nếu như không có các qui định chặt chẽ bắt buộc phải đầu tư các thiết bị bảo vệ trước khi nối lưới.

Cũng theo ông Ngô Sơn Hải, hiện nay, các nguồn điện đang vận hành theo cơ chế thị trường phát điện cạnh tranh. Dự kiến năm 2019, sẽ hình thành thị trường bán buôn điện cạnh trạnh. Tuy nhiên, vẫn chưa có cơ chế phù hợp cho NLTT hoạt động trong thị trường điện. Để khắc phục những bất cập trên, EVN đề nghị các cơ quan chức năng sớm phê duyệt các Quy hoạch về phát triển nguồn điện NLTT cấp tỉnh, cấp quốc gia. Các dự án NLTT khi xem xét cần đảm bảo sự phát triển đồng bộ giữa nguồn và lưới điện, đảm bảo khả năng vận hành an toàn, kinh tế của hệ thống điện và hiệu quả đầu tư chung của xã hội...

Ông Nguyễn Văn Vy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cũng kiến nghị, Nhà nước cần xây dựng chính sách đồng bộ, ổn định, lâu dài cho phát triển NLTT, tăng độ tin cậy cho các nhà đầu tư. Đồng thời xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong quá trình thiết kế, đầu tư xây dựng và quản lý khai thác vận hành các công trình nguồn điện từ NLTT; các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho lưới điện đồng bộ với các nguồn điện sử dụng NLTT và các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các công trình, thiết bị khác liên quan đến NLTT, áp dụng thống nhất trong toàn quốc.


  • 30/05/2018 02:29
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 72634