Phát triển tuabin gió công suất 20 MW
09:25, 16/09/2011
Các nhà khoa học thuộc Phòng thí nghiệm quốc gia về năng lượng bền vững Riso,Trường Đại học Kỹ thuật Quốc gia Đan Mạch vừa giới thiệu phương pháp thiết kế tuabin gió công suất 20 MW.
Phát triển tuabin gió công suất 20 MW (Ảnh minh họa)
|
Có khoảng 16.000 - 20.000 bộ phận cấu thành tuabin gió này, cấp điện cho 15.000 - 20.000 hộ dân. Đây là kết quả của Dự án “Nâng cao chất lượng năng lượng gió” hợp tác giữa các nước châu Âu, do Phòng thí nghiệm quốc gia về năng lượng bền vững Riso đứng đầu, được khởi động cách đây 5 năm với hơn 120 nhà khoa học, cùng ngân sách 23 triệu Euro.
Một kết quả quan trọng khác nữa là việc phát triển tuabin mang tên LIDAR dựa trên công nghệ laser có khả năng dự báo được hướng gió, cường độ gió và cả sự vận động hỗn loạn trong không khí. Tuabin LIDAR có thể phát hiện ra gió trước khi chúng chạm vào các cánh quạt, nhờ đó căn chỉnh hướng hệ thống và điều chỉnh cánh quạt cho hợp lý, giúp tăng công năng của gió và kéo dài tuổi thọ của tuabin.
Ngoài ra, tuabin LIDAR còn giúp tăng khả năng sản xuất điện lên 5% nhờ có cánh quạt dài. Theo tính toán của Viện Năng lượng Đan Mạch, nếu được đưa vào sử dụng thực tiễn, tuabin LIDAR một cách gián tiếp có thể sẽ giảm 25.000 tấn khí thải CO2 từ nay đến năm 2025.
Hiện nay, tuabin gió có công suất lớn nhất thế giới đạt khoảng 5 – 6 MW. Trong vài năm tới, dự báo, hiện tượng biến đổi khí hậu sẽ diễn ra trên toàn cầu dấn đến nhu cầu sản xuất và sử dụng năng lượng tái tạo trở nên cấp bách. "Vì vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để sớm đưa vào sử dụng dòng tuabin mới này”, Peter Hjuler Jensen – phụ trách Dự án khẳng định.
Ngọc Minh (Theo Science Daily)
Share