Phi hành gia Tim Peake ủng hộ việc xây dựng trang trại điện năng lượng mặt trời ngoài không gian

Tim Peake - Phi hành gia người Anh đầu tiên lên trạm vũ trụ ISS cho rằng việc xây dựng trang trại năng lượng điện mặt trời ngoài không gian là hoàn toàn khả thi, đặc biệt là sau khi ông được trực tiếp lên thăm và trải nghiệm làm việc ở Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS đầu năm 2016.

Sau khi trở thành phi hành gia người Anh đầu tiên của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (European Space Agency-ESA) tới thăm Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS vào năm 2016, ông Tim Peake đã luôn bày tỏ mong muốn được là người tiên phong trong việc tổ chức các hoạt động mới ngoài không gian, bao gồm các hoạt động thương mại và sản xuất, trong đó, Tim Peake hết sức ủng hộ ý tưởng xây dựng trang trại năng lượng điện mặt trời ngoài không gian, ông cho rằng điều này là “hoàn toàn khả thi” sau trải nghiệm của bản thân ngoài vũ trụ.

ESA hiện đang rất quan tâm về việc biến chuyện xây dựng các nhà máy điện mặt trời ngoài không gian thành hiện thực thông qua dự án Solaris với hai công trình “nghiên cứu chuyên sâu” trong năm 2023, Solaris sẽ được trình bày tại cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng ESA vào tháng 11/2022 và ESA hy vọng sẽ đưa ra được một dự án hoàn chỉnh cho EU vào năm 2025 để thu về các khoản đầu tư phù hợp.

Tim Peake - phi hành gia người Anh đầu tiên của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (European Space Agency-ESA) tới Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS

Chương trình Solaris của ESA sẽ là cơ sở để thực hiện đưa các tấm pin mặt trời vào không gian, mỗi tấm được lập trình vận hành rồi liên kết với nhau bằng các robot thông minh để xây dựng hoàn chỉnh một trang trại năng lượng điện mặt trời.

Trong khi các trang trại năng lượng điện mặt trời trên Trái đất không thể tạo ra điện trong thời gian ban đêm hoặc thời tiết xấu, thì các tấm pin năng lượng trên không gian có thể thu năng lượng mặt trời liên tục mà theo ESA, đó là “nguồn năng lượng vô hạn”.

Dự án trên được củng cố thêm cơ sở khi việc vận chuyển nguyên liệu, hàng hóa ra ngoài không gian được tập đoàn Space X của tỷ phú Elon Musk cam kết tối ưu chi phí, qua đó SpaceX sẽ hướng tới cung cấp dịch vụ đưa hàng hóa nặng lên quỹ đạo trái đất bằng tên lửa Falcon Heavy chỉ với chi phí 1.000 USD/1kg so với mức 2.700 USD/1kg như hiện tại, thậm chí là sẽ tiến tới chỉ còn 300 USD/1kg  trong tương lai.

Cơ sở cho chính sách giảm giá thành vận chuyển này là SpaceX đang thử nghiệm thế hệ tên lửa Falcon Heavy mới có thể đưa hàng hóa, vật liệu nặng vào không gian rồi quay về nguyên vẹn, sau đó được tái sử dụng nhiều lần.