Phía sau “bản trường ca” sông Đà

Sông Đà từ lâu đã đi vào thi ca, truyền thuyết, trở thành biểu tượng cho vùng núi rừng Tây Bắc hùng vĩ. Ngày nay, cùng với công cuộc trị thủy, sông Đà hung dữ ngày nào trở nên hiền hòa hơn, mang trong mình dòng điện sáng tỏa tới muôn nơi, mang nguồn nước cùng phù sa tô đẹp cho đồng bằng Bắc bộ. Và phía sau “bản trường ca” sông Đà ấy, giá trị to lớn hơn cả là mang lại sự ấm no cho chính cư dân nơi thượng nguồn dòng sông.

"Kho tàng" thủy sinh quý báu…

Việc xây dựng các công trình thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu trên dòng chính Sông Đà đã tạo ra những hồ chứa lớn giúp người dân có thể nuôi trồng, đánh bắt thủy sản vươn lên làm giàu trên chính dòng sông hung dữ năm nào. Theo Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình, hồ Thủy điện Hòa Bình có tổng diện tích mặt nước 16.800 ha, thuộc địa phận 2 tỉnh Hòa Bình và Sơn La với dung tích chứa trên 9 tỷ m³ nước. Hồ Thủy điện Hòa Bình được coi là kho tàng quý báu về thủy sinh vật và nguồn lợi thủy sản đặc trưng của vùng Tây Bắc như cá chiên, lăng, anh vũ...

Ông Hoàng Văn Son – Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản Hòa Bình cho biết: Phát huy những lợi thế trên, cùng với việc đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế, trong những năm gần đây tỉnh Hòa Bình rất quan tâm đến phát triển thủy sản, đặc biệt là việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển nuôi cá lồng bè trên hồ Thủy điện Hòa Bình. Mục tiêu là khai thác, tận dụng tốt tiềm năng lợi thế của tỉnh đối với các sản phẩm nuôi trồng có ưu thế và khả năng cạnh tranh như các loài cá lăng, chiên, tầm, trắm đen, rô phi, diêu hồng…; phát triển thành các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, quy mô lớn đạt các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Đối với hồ Thủy điện Sơn La có diện tích mặt nước trên 13.000 ha, đây là điều kiện hết sức lý tưởng để tỉnh tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản. Để khơi dậy tiềm năng, thế mạnh này, tháng 8/2016, HĐND tỉnh Sơn La đã ra Nghị quyết thông qua Đề án khai thác tiềm năng vùng các thủy điện trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020, nhằm phát triển kinh tế vùng hồ các thủy điện, trọng tâm hồ thủy điện Hòa Bình, Sơn La.

Nhiều hộ gia đình đã vươn lên làm giàu nhờ lòng hồ thủy điện

Làm giàu từ lòng hồ

Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình, đến nay, toàn tỉnh có 4.050 lồng bè nuôi trồng thủy sản trên hồ Hòa Bình với tổng sản lượng thủy sản đạt 7.700 tấn/năm. Ưu điểm nổi bật của nuôi cá lồng là tiết kiệm được diện tích mặt nước, ngoài ra, do lưu lượng nước thay đổi liên tục nên môi trường nuôi cá trên lòng hồ sạch hơn, vì thế cá ít bị nhiễm bệnh, năng suất cao. Những năm gần đây, lồng nuôi cá được chuyển từ lồng tre sang lồng sắt, nhờ đó số lượng cá nuôi được nhiều hơn, lồng thoáng, dễ vệ sinh, nên tỉ lệ dịch bệnh thấp.

Tại xã Hiền Lương (huyện Đà Bắc) vào những ngày cuối năm, xe cộ, tàu thuyền tấp nập qua lại. Từ ngày có hồ Hòa Bình, cùng với sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông tỉnh, nhiều bà con nơi đây đã tập trung nuôi cá lồng và thoát nghèo đói, vươn lên làm giàu nhờ mặt nước hồ Hòa Bình. Ông Xa Văm Đạm – Chủ tịch UBND xã cho biết: Xã có 8 thôn thì 4 thôn giáp lòng hồ với diện tích mặt nước lớn nên nghề nuôi, đánh bắt thủy sản trở thành thế mạnh của xã. Hiện toàn xã có khoảng 200 hộ nuôi trồng, đánh bắt, khai thác nguồn lợi từ lòng hồ Thủy điện Hòa Bình. 

“Xác định nghề nuôi thủy sản là điểm nhấn trong phát triển kinh tế trên con đường xây dựng nông thôn mới, xã đã vận động nhân dân mở rộng mô hình nuôi cá sạch gắn với bảo vệ môi trường nước, đảm bảo nghề nuôi cá lồng phát triển bền vững giúp người dân có thu nhập ổn định. Cá lồng được nuôi tập trung ở các xóm Doi, Mơ, Dưng, Ké với các loài trắm, chiên, lăng vàng... Bình quân sản lượng mỗi lồng nuôi cá thu hoạch 3,5- 4 tạ cá/lồng, sau khi trừ chi phí đầu tư, thu lãi khoảng 12- 14 triệu đồng/lồng”, ông Đạm cho biết.

Thủy điện Sơn La được hình thành sau hồ Thủy điện Hòa Bình, nhưng ông Lò Văn Khặn, bản Co Trặm, xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) lại là một trong những tấm gương tiêu biểu, vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen tại Hội nghị đại biểu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi lần thứ V, giai đoạn 2012 - 2017 diễn ra tại Hà Nội vừa qua. Với mô hình dưới nuôi cá lồng, trên thả vịt trời bay ở vùng lòng hồ Thủy điện Sơn La, hàng năm, ông thu nhập lên đến 1 tỷ đồng.

Vốn là hộ dân thuộc diện tái định cư Thủy điện Sơn La của xã Chiềng Bằng, khi đến làm ăn, sinh sống ở vùng lòng hồ, gia đình ông Khặn gặp không ít khó khăn. Trước đó, việc làm ăn kinh tế của gia đình ông chủ yếu dựa vào làm nương, làm vườn; tuy nhiên nơi ở mới lại có ít đất sản xuất, xung quanh mênh mông là nước, đã khiến ông thực sự lo lắng, đứng ngồi không yên.

Thế rồi ông cũng xác định, cần phải nhanh chóng thích nghi với nơi ở mới, ông tập chèo thuyền, đánh bắt cá, rồi tìm hướng làm ăn. Ông nghĩ, vùng sông nước rất thích hợp với nuôi trồng thủy sản, nên thường xuyên tìm hiểu, tích lũy những kinh nghiệm đánh bắt, nuôi trồng các loại thủy sản; đồng thời tìm hiểu, đăng ký tham dự những lớp tập huấn về nuôi cá lồng của Hội Nông dân, Trung tâm Khuyến nông huyện Quỳnh Nhai tổ chức.

Đúng thời điểm đó, ông Khặn được hỗ trợ nuôi thử nghiệm 1 lồng cá đầu tiên ở vùng lòng hồ sông Đà theo dự án di dân tái định cư Thủy điện Sơn La. “Lứa cá đầu tiên cho thu hoạch hơn 600 kg, bán với giá 100.000 đồng/kg, trừ chi phí cũng lãi được gần 50 triệu đồng. Món tiền ấy khiến cả nhà mừng đến phát… khóc”, ông Khặn kể.

Từ những câu chuyện thoát nghèo của nông dân vùng lòng hồ thủy điện cho thấy, người dân tái định cư, nhường đất cho thủy điện năm nào đã thực sự tìm ra “chìa khóa” vượt khó, bảo đảm một cuộc sống ấm no và bền vững. 


  • 19/02/2018 10:21
  • Theo TCDL chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 11042