Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải
|
PV: Thưa ông, thách thức lớn nhất của EVN trong vận hành hệ thống điện năm 2018 là gì?
Ông Ngô Sơn Hải: Năm 2018 là một năm vận hành khó khăn của hệ thống điện quốc gia với phụ tải tăng khá cao, khoảng 10,86% so với năm 2017, cao hơn kế hoạch do Bộ Công Thương phê duyệt 2,2 tỷ kWh.
Ngoài ra, còn phát sinh một số khó khăn như, việc cung cấp khí giảm, cung cấp than cho nhiệt điện cũng không ổn định... Trong 3 tháng cuối năm, khả năng cấp khí Nam Côn Sơn chỉ đạt 16,5 triệu m3/ngày, bằng 75% so với trước đây. Các nguồn cấp khí vận hành nhiều sự cố và thời gian khắc phục thường kéo dài hơn.
Việc cấp than cho các nhà máy nhiệt điện vào những tháng cuối năm 2018 cũng còn nhiều bất cập. Lượng than tồn kho của các nhà máy nhiệt điện đều ở mức thấp kỷ lục. Nhiều nhà máy không đủ than vận hành. Có những thời điểm, phải giảm công suất huy động hoặc đưa một số tổ máy vào dự phòng vì thiếu than, như trường hợp của các nhà máy nhiệt điện: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nghi Sơn. Trong đó điển hình là Quảng Ninh, có những thời điểm phải ngừng 2/4 tổ máy do thiếu than.
Mặt khác, diễn biến thủy văn tại các hồ thủy điện không thuận lợi. Cuối tháng 12, thời điểm cuối mùa lũ, nhưng nước về các hồ thủy điện khu vực miền Trung, miền Nam rất thấp, hầu hết các hồ khu vực miền Trung không có lũ về và chưa thấy dấu hiệu sẽ được cải thiện trong thời gian tới.
PV: Trong bối cảnh đó, EVN đã vận hành hệ thống điện như thế nào để đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định?
Ông Ngô Sơn Hải: EVN đã thực hiện hàng loạt các giải pháp, góp phần nâng cao độ tin cậy cung cấp điện như, bố trí sửa chữa thiết bị nguồn và lưới điện ngay từ cuối năm 2017 và trong quý I/2018, đảm bảo từ quý II/2018 hệ thống điện đạt độ sẵn sàng cao nhất.
Tập đoàn cũng đã chỉ đạo quyết liệt các đơn vị thành viên phối hợp chặt chẽ với các đơn vị ngoài ngành, tạo mọi điều kiện đưa các nguồn điện mới vào vận hành đúng tiến độ. Phối hợp với đơn vị cung cấp than, tháo gỡ các vướng mắc trong việc cấp than cho các nhà máy nhiệt điện. Phối hợp với Tổng công ty Khí Việt Nam đảm bảo các nguồn khí hiện có vận hành ổn định, hạn chế sự cố dài ngày, đồng thời sớm đưa các mỏ khí mới vào vận hành, đáp ứng nhu cầu khí cho phát điện.
Các công ty thủy điện cũng sử dụng nguồn nước một cách tiết kiệm, giữ mực nước cao nhất có thể, đảm bảo có đủ nước, đáp ứng các yêu cầu của hệ thống điện cũng như nhu cầu sử dụng nước cho nông nghiệp và sinh hoạt vùng hạ du trong cao điểm của mùa khô.
Tâp đoàn cũng đã xây dựng phương án cung cấp điện cho các ngày cao điểm nắng nóng, với kịch bản phụ tải điện tăng trưởng cao, đồng thời trên cả 3 miền, từ đó, có các giải pháp sẵn sàng ứng phó trong trường hợp nắng nóng kéo dài trên diện rộng… Có thể nói, EVN đã và đang hoàn thành tốt nhiệm vụ cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong năm 2018, không để xảy ra tình trạng cắt điện do thiếu nguồn. Đây là thành công lớn nhất trong vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2018.
Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề cần nhìn nhận, đánh giá lại, từ đó, rút kinh nghiệm cho năm 2019 nhất là vấn đề dự báo, phối hợp với các Tập đoàn (PVN, TKV) trong việc chuẩn bị nguồn nhiên liệu sơ cấp cho phát điện.
PV: Theo ông, những khó khăn, thử thách lớn nhất trong vận hành hệ thống điện năm 2019 là gì?
Ông Ngô Sơn Hải: Theo nhận định của EVN, năm 2019 sẽ là một năm vận hành căng thẳng của hệ thống điện quốc gia với nhiều thách thức lớn cần giải quyết.
Trước tiên, phải kể đến là các khó khăn về nguồn nhiên liệu than và khí cho phát điện. Tiếp theo, do tình hình thủy văn trong mùa lũ năm 2018 của các hồ miền Trung, miền Nam không thuận lợi, nhiều hồ không có lũ về nên hầu hết các hồ thủy điện sẽ không thể tích được nước đến MNDBT, khó có thể đáp ứng nhu cầu nước hạ du cũng như đảm bảo cho phát điện trong mùa khô năm 2019.
Thách thức lớn và cũng là điểm mới trong năm 2019, đó chính là việc tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo (gió, mặt trời) vào hệ thống điện. Theo kế hoạch, một lượng lớn các nhà máy năng lượng tái tạo, đặc biệt là các nhà máy điện mặt trời sẽ bắt đầu phát công suất vào hệ thống với tổng công suất dự kiến khoảng 2.200 MWp.
Với đặc tính vật lý tự nhiên, các nguồn điện mặt trời sẽ không ổn định, công suất phát phụ thuộc vào bức xạ mặt trời và có hệ số đồng thời khá cao, có nghĩa là sẽ cùng phát khi bắt đầu ngày và cùng ngừng phát trời tối. Điều này sẽ tạo ra thay đổi lượng công suất lớn trong khoảng thời gian rất ngắn trong khi nguồn công suất dự phòng của hệ thống không cao. Đây chính là thách thức rất lớn mà hệ thống điện Việt Nam chưa từng đối mặt trong quá khứ.
PV: EVN làm gì để giải quyết các khó khăn đồng thời về than, khí và nước về các hồ thủy điện?
Ông Ngô Sơn Hải: EVN sẽ tiếp tục làm việc và triển khai ký hợp đồng với các nhà cung cấp than/khí, giải quyết dứt điểm vấn đề nhiên liệu sơ cấp cho các nhà máy điện, đảm bảo các nhà máy nhiệt điện có đủ nhiên liệu vận hành. Trường hợp than trong nước cấp không đủ, EVN sẽ chủ động nhập than và phối hợp với TKV, Tổng công ty Đông Bắc cùng nhập than cho phát điện.
Đối với việc tích nước của các hồ thủy điện ở miền Trung, miền Nam: Khi nhận thấy nguy cơ không có lũ về, EVN đã chỉ đạo Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) huy động tối đa nhiệt điện than và tuabin khí, tiết kiệm nước, tích nước làm nguồn dự phòng cho thủy điện. Các đơn vị phát điện chủ động làm việc với UBND các tỉnh về việc thống nhất yêu cầu nước của hạ du trong những tháng còn lại của năm 2018 và các tháng mùa khô năm 2019 trên cơ sở lượng nước còn lại trong hồ thủy điện và dự báo mực nước về thời gian tới, đảm bảo sử dụng nguồn nước hiệu quả, tiết kiệm, hài hòa giữa 2 mục tiêu sử dụng nước cho hạ du và nước cho phát điện.
PV: Còn với việc tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống điện quốc gia thì sao, thưa ông?
Ông Ngô Sơn Hải: EVN đã có kế hoạch tổ chức các lớp học nâng cao kiến thức cho các đơn vị trong vận hành nguồn năng lượng tái tạo, tận dụng nguồn hỗ trợ của các tổ chức nước ngoài có nhiều kinh nghiệm về năng lượng tái tạo như GIZ, DEPP, USAID… Trên cơ sở đó, Tập đoàn chỉ đạo các đơn vị vận hành, nghiên cứu ứng dụng các giải pháp kỹ thuật đã được sử dụng trên thế giới, giải quyết các vấn đề tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo tại Việt Nam như, đầu tư các hệ thống dự báo nguồn điện mặt trời, hệ thống quản lý nguồn NLTT, hệ thống giám sát chất lượng điện; đề xuất hiệu chỉnh các quy định liên quan đến NLTT, hoàn thiện các quy trình vận hành, các phương án vận hành và xử lý sự cố đối với nguồn NLTT.
Trong tính toán cân đối nguồn năng lượng năm 2019, EVN đã chỉ đạo A0 thực hiện tính toán, xây dựng 4 kịch bản, tương ứng với các mức tăng trưởng phụ tải và tần suất nước về các hồ thủy điện, từ đó, có đánh giá tổng quan về sự cân bằng cung cầu của hệ thống. Đối với việc tích hợp năng lượng tái tạo, EVN đã chỉ đạo A0 thực hiện các tính toán mô phỏng trước khi đưa các nhà máy vào vận hành, đề xuất những kiến nghị, giải pháp cho việc giải tỏa công suất nhà máy, đảm bảo hệ thống được vận hành an toàn, liên tục, ổn định.
PV: Xin ông cho biết vì sao năm 2019, Tập đoàn chọn chủ đề “Nâng cao hiệu quả vận hành hệ thống điện và thị trường điện?
Ông Ngô Sơn Hải: Năm 2019, EVN đã lựa chọn chủ đề “Nâng cao hiệu quả vận hành hệ thống điện và thị trường điện” với mục tiêu xuyên suốt là đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục, ổn định chất lượng điện, đáp ứng đủ điện cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vận hành nguồn điện, lưới điện truyền tải và phân phối, thị trường điện một cách hợp lý, sao cho hoạt động sản xuất- kinh doanh mang lại hiệu quả nhất.
Trước bối cảnh năm 2019 sẽ là một năm vận hành căng thẳng của hệ thống điện quốc gia, việc lựa chọn chủ đề trên thể hiện rõ nỗ lực và quyết tâm của Tập đoàn trong việc đảm bảo cung ứng đủ điện cho nhu cầu phát triển của đất nước, không để xảy ra tình trạng tiết giảm, thiếu điện do thiếu nguồn cung.
PV: Xin cảm ơn ông!
Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
Share