Phó thủ tướng Vương Đình Huệ giải thích về việc thực hiện điều chỉnh giá điện

Tại phiên thảo luận ở tổ về kinh tế xã hội của Quốc hội sáng 22/5, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã giải thích cụ thể về vấn đề điều chỉnh tăng mức giá bán lẻ điện bình quân 8,36% đang được dư luận đặc biệt quan tâm.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ - Nguồn ảnh: Võ Hải/VnExpress

Phương án ổn định kinh tế vĩ mô

Thông tin trên báo điện tử VnExpress ngày 22/5, trước nhiều câu hỏi về việc tăng giá điện đúng dịp nắng nóng, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết thời điểm tăng vào 20/3 không phải mùa hè. Tuy nhiên, hình thái thời tiết năm nay lại có nhiều biến đổi, ngay từ đầu tháng 4 trời đã nắng như đổ lửa, sang tháng 5 lại lạnh như mùa đông.

Phương án tăng 8,36% và thời điểm tăng giá từ ngày 20/3/2019 đã được cân nhắc lựa chọn để không tác động nhiều đến chỉ số CPI bình quân cả năm, kiềm chế được lạm phát kỳ vọng. Ngoài ra, nếu lùi lại thời điểm khác trong năm thì mức tăng sẽ gấp đôi mới trang trải được khoản chi phí mua điện năm 2019 là 20.000 tỷ đồng của EVN.

Báo VnExpress cũng dẫn lại ý kiến của Phó thủ tướng, nếu không có giá điện hợp lý thì không nhà đầu tư nào bỏ tiền ra đầu tư vào điện và rất khó để EVN tái tạo đầu tư. Theo quy định của Luật Điện lực, phải có chính sách hợp lý để thu hút nhà đầu tư, đảm bảo cân đối điện. Hiện, sản lượng điện do EVN tự sản xuất đang giảm dần, chủ yếu là mua từ thị trường, nên tổng chi phí hình thành điện do EVN sản xuất giảm. 

Theo tính toán, muốn tăng 1% GDP thì sản lượng điện phải tăng 2%, nên với tăng trưởng kinh tế (GDP) hiện là 7% thì sản lượng điện tương ứng là 14%. Nhưng 3 năm qua, bình quân sản lượng điện chỉ tăng 10,21%. Dự báo năm 2019 tổng công suất điện tăng 11,23% thì mới đảm bảo yêu cầu sản xuất, đời sống và tăng trưởng. 

EVN ủng hộ đề xuất kiểm toán bổ sung

Báo Công Thương ngày 22/5 trích dẫn ý kiến của Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN – ông Dương Quang Thành khi trả lời báo giới bên hành lang Quốc hội: “kiểm toán cũng là một việc tốt để người dân tin hơn vào tính minh bạch của giá điện”. "Tất cả các thông tin, thông số như tăng bao nhiêu, số lần tăng, các cuộc họp về điều hành giá đã được cung cấp đầy đủ và rõ ràng trong báo cáo của Chính phủ".

Hiện nay, EVN có nhiệm vụ mua điện, sản xuất, truyền tải và phân phối điện cho người tiêu dùng. Tỷ lệ mua điện của EVN hiện nay là 77%, còn sản xuất, phân phối, truyền tải chiếm chỉ chiếm 23% trong giá thành. Việc mua điện tăng lên, chi phí tăng lên thì bắt buộc phải điều chỉnh để bù đắp lại các chi phí.

Trước đó, báo cáo của Chính phủ gửi đến Quốc hội ngày 21/5 khẳng định, các khoản chi phí giá thành sản xuất kinh doanh điện đã được kiểm toán và không bao gồm các khoản chi phí đầu tư ra ngoài nghành của EVN. Việc tính toán phương án giá bán lẻ điện bình quân đã được EVN, Bộ Công Thương thực hiện theo đúng quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng quy định về việc xác định mức giá bán lẻ điện bình quân.

Chính phủ cũng lưu ý rằng phương án giá bán lẻ điện bình quân đã thực hiện chưa bao gồm khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện hợp đồng mua bán điện dự kiến năm 2018 của các nhà máy điện (khoảng 3.266 tỉ đồng) vào năm 2019, nếu bổ sung thêm chi phí này, tổng chênh lệch tỷ giá thực hiện hợp đồng mua bán điện là 7.090,8 tỉ đồng, khi đó giá bán lẻ điện bình quân năm 2019 sẽ là khoảng 1.879,90 đồng/kWh (tương ứng tỷ lệ tăng 9,26%). Tuy nhiên, để tránh tác động lớn đến chỉ số CPI và để ổn định kinh tế vĩ mô, Thường trực Chính phủ đã lựa chọn phương án tăng 8,36%.


  • 24/05/2019 08:14
  • PV (tổng hợp)
  • 14073