Phòng, chống trộm cắp thiết bị điện: Cách nào?

09:47, 09/10/2019

Thời gian gần đây đã xảy ra nhiều vụ trộm cắp thiết bị điện, gây thiệt hại không nhỏ cho ngành Điện, làm mất điện của hàng trăm khách hàng thậm chí đe dọa đến an toàn tính mạng của người dân và chính đối tượng trộm cắp. Làm thế nào để ngăn chặn hiệu quả các hành vi phạm pháp nêu trên, ông Lê Trọng Tài - Phó Ban Pháp chế EVN đã có những chia sẻ về vấn đề này.

PV: Ông có thể điểm qua một số vụ trộm cắp thiết bị điện thời gian qua? 

Ông Lê Trọng Tài: Chỉ trong thời gian ngắn (từ ngày 4-12/7/2019), trên địa bàn TP.Nam Định đã xảy ra 14 vụ trộm cắp thiết bị điện tại 13 trạm biến áp (TBA), có trạm bị trộm tới 2 lần. Mới đây nhất, đối tượng gây ra 11 vụ trộm cắp dây cáp điện trên địa bàn thị xã Sơn Tây đã bị công an bắt giữ khi đang thực hiện vụ trộm cắp mới.

Nghiêm trọng nhất có thể kể đến vụ mất trộm 70 thanh giằng trên nhiều trụ điện thuộc đường dây cao thế 110 kV Đông Hà- Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị) ngày 30/7. Đây là tuyến đường dây độc đạo cấp điện cho khu vực phía Tây tỉnh Quảng Trị và một số vùng lân cận của Lào, nếu xảy ra sự cố đổ cột, thì hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng. 

PV: Với người dân thường, trạm biến áp, cột điện… luôn là những nơi nguy hiểm, và luôn có cảnh báo nguy hiểm chết người, nhưng tại sao, bọn trộm cắp vẫn cố tình đột nhập? Điều này đơn giản là sự liều lĩnh hay còn có yếu tố nào khác, thưa ông?

Ông Lê Trọng Tài: Tôi cho rằng, những đối tượng trộm cắp đã có “nghề” nên mới liều lĩnh như vậy. Vụ việc ở TP. Nam Định, đối tượng Phạm Văn Thành (xã Khánh Lợi, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) khai nhận từng học cơ khí, có chút hiểu biết về điện, nên nảy sinh ý định trộm cắp, bán lấy tiền tiêu xài.

Nguy hiểm hơn, đối tượng Hà Hữu Dũng (xã Long Xuyên, huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội) đã gây ra 11 vụ trộm cắp dây cáp tại thị xã Sơn Tây còn giả danh nhân viên điện lực, mang theo nhiều dụng cụ như kìm cộng lực, bút thử điện, găng tay cao su, quần áo thợ điện, ngụy trang kỹ, tránh sự chú ý của người dân khi thực hiện trộm cắp thiết bị điện.

Có thể thấy, tất cả những đối tượng trộm cắp thiết bị điện đều có chủ đích, kế hoạch và nhận thức rất rõ hành vi, hậu quả của mình chứ không phải là loại trộm cắp đơn thuần.

PV: Ngoài thiệt hại về kinh tế, hậu quả những vụ trộm thiết bị điện còn là gì thưa ông?

Ông Lê Trọng Tài: Ngành Điện sẽ chịu tổn thất lớn khi phải thay thế những thiết bị có giá trị do kẻ gian đánh cắp trong khi đối tượng trộm cắp chỉ bán giá rất rẻ ra ngoài thị trường. Ngoài ra, còn nhiều hậu quả không lường trước được. Như tôi đã nói, với vụ mất trộm 70 thanh giằng trên nhiều trụ điện thuộc đường dây cao thế 110 kV Đông Hà - Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị), giả sử, nếu có gió mạnh, hàng loạt trụ điện sẽ bị gãy đổ, hàng ngàn hộ dân bị mất điện, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân ở  gần khu vực đó.

Còn đối với việc mất dây trung tính tại TBA sẽ dẫn đến điện áp tăng cao, gây chập cháy các thiết bị điện, phải mất nhiều thời gian khắc phục, đời sống, sản xuất của nhân dân sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. 

PV: Theo quy định của pháp luật, những hành vi này sẽ bị xử phạt như thế nào thưa ông?

Ông Lê Trọng Tài: Theo quy định của pháp luật, ngoài việc khắc phục hậu quả và xử phạt hành chính với số tiền phạt tùy theo giá trị của thiết bị vật tư bị trộm cắp, các đối tượng nếu tái diễn và gây hậu quả nghiêm trọng, có thể bị phạt tù từ 12 đến 20 năm hoặc chung thân theo Điều 138 Bộ Luật Hình sự năm 2009.

PV: Theo ông, việc xử phạt những hành vi như vậy liệu đã đủ sức răn đe?

Ông Lê Trọng Tài: Hiện số tiền mà các đối tượng phải nộp lại là rất nhỏ so với những thiệt hại mà họ gây ra cho ngành Điện và khách hàng sử dụng điện. Tôi cho rằng, quy định của pháp luật đã có tính răn đe, nhưng với các đối tượng “ngựa quen đường cũ” nhiều lần, cần phải có các mức phạt nặng hơn mới đủ sức nặng ngăn ngừa tái phạm.  

PV: Để ngăn chặn hiệu quả loại tội phạm này cần những giải pháp nào, thưa ông?

Ông Lê Trọng Tài: Ngoài những chế tài xử phạt nghiêm khắc của pháp luật, sự vào cuộc quyết liệt của ngành Điện và các ngành chức năng, còn phải dựa vào tai, mắt của nhân dân mới có thể ngăn chặn hiệu quả loại tội phạm này. Các đơn vị cần tuyên truyền đến người dân về kỹ năng xử lý tình huống khi phát hiện có trộm (liên hệ với ai, như thế nào…). Nên thưởng nóng hoặc có quy chế khen thưởng kịp thời những cá nhân, tập thể có thành tích trong phong trào phòng chống tội phạm, mỗi người dân là một “trị an viên”, góp phần bảo vệ tài sản của ngành Điện và quyền lợi của chính khách hàng sử dụng điện.

PV: Xin cảm ơn ông! 


Theo TCĐL Chuyên đề Thế giới điện

Share