Quản trị dòng tiền và giữ chân nhân sự

Hàng loạt doanh nghiệp (DN) phải linh động tìm cách quản trị dòng tiền, nhân sự hiệu quả.

Cần dòng tiền để duy trì sản xuất, kinh doanh

Trước khó khăn chung của nền kinh tế, các DN xây dựng đang phải đối mặt với không ít khó khăn trong việc quản trị dòng tiền, nhân sự. Chi tiêu mất kiểm soát, tiền thu về ít hơn số tiền phải chi. Theo ông Phan Đình Quân - Giám đốc Kinh doanh Công ty CP Sản xuất Lọc khí Việt (VAF), khó tuyển dụng nhân sự chất lượng cao cũng như thu hút, giữ chân người tài. Thực trạng trên dẫn đến DN thường xuyên lỗ, không có DN nước ngoài nào đầu tư vào VAF. 

Ảnh minh họa.

Với các DN ngành xây dựng, khó khăn lớn nhất là đang phải đối mặt với nhiều khoản nợ trước chưa thanh toán, vì thế việc duy trì dòng tiền rất khó khăn. Ông Nguyễn Văn Phúc - Phòng Kinh doanh Công ty TNHH Thép Povina cho biết, nhiều DN phải cầm cố nhà xưởng, hay các bất động sản khác để lấy tiền duy trì hoạt động của công ty.

Để giải bài toán dòng tiền, nhân sự, VAF quyết định thuê công ty tư vấn lên kế hoạch quản trị dòng tiền, nhân sự. Kết quả, sau 6 tháng, bộ máy DN hoạt động trơn tru hơn trước, dòng tiền được kiểm soát, các phòng ban hoạt động năng suất, hiệu quả. Mọi chi tiêu đều có kế hoạch, số tiền chi ra không nhiều và mất kiểm soát như trước. Từ đó, hiệu suất sử dụng dòng tiền tăng lên 50%, cơ hội tìm kiếm các đối tác trong và ngoài nước cũng tăng lên. 

“Mặc dù số tiền bỏ ra thuê DN ngoài về tư vấn, hỗ trợ bằng số tiền thất thoát dòng tiền trước đây, nhưng rõ ràng việc quản trị bộ máy, chi tiêu tốt hơn trước giúp DN vận hành và phát triển tốt hơn trước”, ông Quân nhấn mạnh.

VAF cũng duy trì những khóa đào tạo chuyên sâu cho nhân viên văn phòng. Với công nhân thì được học nâng cao tay nghề từ bên thứ ba.

Sau 6 tháng, VAF tổ chức đánh giá một lần để xem điểm mạnh, điểm yếu của nhân viên. Những nhân viên đạt KPI, có nhiều điểm mạnh được khen thưởng, nhân viên yếu ở đâu sẽ được đào tạo lại. Đặc biệt, VAF trả lương đúng hạn, tổ chức các hoạt động gắn kết nhân viên như du lịch, nghỉ mát hằng năm. Từ đó, khiến nhân viên luôn cảm thấy gắn kết và dễ dàng hòa nhập với văn hóa công ty.

Bà Nguyễn Thị Lan - Tổng giám đốc Công ty CP Lavis Brothers Coating cho rằng, dòng tiền là huyết mạch sự sống còn của DN. Nếu không quản trị tốt dòng tiền thì sẽ rất dễ rơi vào phá sản, thua lỗ. Vì thế, Lavis Brothers Coating tập trung quản lý chặt chẽ các chi phí, thu hẹp những chi phí không thiết yếu. 

Với công nợ, Lavis Brothers Coating thu hẹp đến mức tối thiểu bằng cách lựa chọn những khách hàng đầu ra, giảm thời gian công nợ và cho khách chính sách hỗ trợ giá kèm tuổi nợ để kích thích dòng tiền về. Quản lý dòng tiền tốt, nên doanh thu của Lavis Brothers Coating vẫn ổn định và tăng trưởng. Nhân sự tích cực và có tinh thần quyết tâm cho thị trường 6 tháng cuối năm. Đặc biệt, Lavis Brothers Coating còn tuyển dụng thêm nhân sự để triển khai thêm các phân khúc sản phẩm hệ thống, thúc đẩy kinh doanh cho khách hàng hệ thống. 

Ông Nguyễn Minh Hoàng- Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển ADB cho biết, để giải quyết bài toán dòng tiền, DN cần chú trọng tối ưu hóa quy trình quản lý hàng hóa thành phẩm và hàng tồn kho để giải phóng dòng tiền, phân tích dòng tiền và báo cáo thu chi nhằm đánh giá tình hình quản lý dòng tiền thông qua các chỉ tiêu phù hợp, dự báo dòng tiền một cách thường xuyên liên tục để kiểm soát và cân đối giữa dòng tiền vào và ra, nâng cao các kiến thức về quản lý tài chính cho cán bộ tài chính. 

Trong đó, điều quan trọng nhất là phải tìm hiểu và lựa chọn khách hàng, đối tác chính xác. Hiện nay, nhiều công ty đang mắc kẹt với những món nợ xấu khó thu hồi, thậm chí không thể thu hồi được do khách hàng gây ra, tiếp theo là chọn sai đối tác, nhà cung cấp không đủ năng lực thanh toán, điều mà lẽ ra họ nên cân nhắc kỹ trước khi tham gia ký kết hợp đồng.

Xây dựng văn hóa để giữ nhân sự

Cũng theo ông Hoàng, thời buổi khó khăn, việc chảy máu chất xám là điều thường xuyên xảy ra. Khi DN đối thủ muốn thâu tóm thị trường, việc đầu tiên là họ “săn” nhân viên kinh doanh. Vì vậy, để giữ chân nhân viên thì không chỉ là đồng lương mà quan trọng người lãnh đạo DN phải xây dựng văn hóa DN tốt để nhân viên tin tưởng, gắn bó với công ty, không vì lợi nhuận trước mắt mà “dứt áo ra đi”.

Theo ông Hoàng, có 3 biện pháp để xây dựng văn hóa DN: 

Thứ nhất, phải đào tạo cho nhân sự có giá trị cốt lõi, dựa trên nền tảng đạo đức, xây dựng văn hóa DN trên nền tảng bác ái, yêu thương cộng đồng, để nhân viên yêu, tôn trọng lãnh đạo, yêu mến đồng nghiệp, môi trường, có động lực để gắn bó với công ty. 

Thứ hai, lãnh đạo DN cần thường xuyên cập nhật kiến thức để đào tạo nhân viên. Ngoài việc thuê nhân sự bên ngoài về đào tạo tốn kém chi phí, mỗi lãnh đạo phải là một người có trình độ, có hiểu biết để có thể khiến nhân viên học hỏi, tâm phục khẩu phục cả về kiến thức và cách cư xử.

Thứ ba, lãnh đạo phải đồng cam cộng khổ, cùng ăn cùng ở cùng làm với nhân viên. Phải cho nhân viên thấy họ đang phấn đấu vì công ty của chính họ chứ không phải của ông chủ. Khi nhân viên hiểu được sự thành bại của công ty cũng là sự thành bại của chính họ thì họ sẽ gắn bó, xem công ty như ngôi nhà của họ và có ý thức vun đắp. Để làm được điều đó, người chủ phải gắn kết, cùng làm việc, thân thiện với nhân viên chứ không phải xa cách, khác biệt.

Link gốc


  • 13/07/2023 03:47
  • Theo https://doanhnhansaigon.vn/
  • 3927