Quán triệt Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia

17:09, 08/05/2020

Ngày 8/5, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội nghị báo cáo viên tháng 5/2020 quán triệt Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị “Về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình và Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng đồng chủ trì hội nghị tại đầu cầu Hà Nội. Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tuyến tới các tỉnh/thành phố trên cả nước.

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có gần 300 đại biểu đại diện các bộ, ngành, Trung ương.

Đảng ủy Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có đồng chí Nguyễn Hữu Tuấn – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy EVN, đồng chí Trịnh Mai Phương - Ủy viên BTV, Trưởng Ban Truyền thông EVN tham dự Hội nghị.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình quán triệt Nghị quyết 55 tại hội nghị

Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Bình – Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh an ninh năng lượng gắn chặt với phát triển bền vững. Nước ta đang trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, vì vậy, bảo đảm nhu cầu về năng lượng cho phát triển kinh tế nhanh và bền vững, giữ vững quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và không ngừng cải thiện đời sống nhân dân có ý nghĩa và vai trò đặc biệt quan trọng. Cũng từ nhận định đó, Đảng ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách và có sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ ngành Năng lượng về nhiều mặt với phương châm "năng lượng phải đi trước một bước".

Về Nghị quyết 55, ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh: Trước hết, việc bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia là nền tảng, đồng thời là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước. Đây là một nhiệm vụ rất khó và phải có thị trường mới có thể phát triển năng lượng một cách nhanh và bền vững.

Cùng với đó, phải xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hoá hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh; áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng.

Đặc biệt, khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng; kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, cạnh tranh không bình đẳng, thiếu minh bạch trong ngành năng lượng.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng nhấn mạnh việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường phải được xem là quốc sách quan trọng và trách nhiệm của toàn xã hội chứ không chỉ dừng lại ở chính sách khuyến khích chung chung.

Ngoài ra, cần phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hoá các loại hình năng lượng; ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch.

Ngành Điện Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc trong những năm qua

Ông Nguyễn Văn Bình cho biết, nhu cầu năng lượng hàng ngày rất lớn ngày nay càng cho thấy vai trò to lớn của lĩnh vực này. Năng lượng là một điểm sáng, cũng là một tiền đề để phát triển kinh tế, xã hội ở nước ta. Cái khó của đầu tư năng lượng là cần nguồn vốn rất lớn trong khi thời gian hoàn vốn lâu, nhưng Việt Nam đã làm rất tốt.

Đảng ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để phát triển ngành năng lượng. Năm 2003, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 26 về Chiến lược và quy hoạch phát triển ngành Điện lực Việt Nam. Bốn năm sau, Trung ương ban hành Nghị quyết số 18 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050.

Nhấn mạnh chủ trương của các văn bản này, ông Bình lưu ý an ninh năng lượng gắn với trật tự an toàn xã hội và an ninh quốc phòng rất chặt chẽ.

Riêng với mục tiêu phát triển điện hạt nhân, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết chúng ta đã có chủ trương và có đề án, nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, để phù hợp với thực tiễn và tình hình mới, Đảng và Nhà nước đã quyết định dừng xây dựng các nhà máy điện hạt nhân.

“Đầu tư trong lĩnh vực năng lượng cũng giống như việc “liệu cơm gắp mắm” trong cuộc sống hàng ngày. Phải tính toán, tìm hướng đi phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của mình”, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết.

Kết luận hội nghị, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương - Lê Mạnh Hùng đề nghị cơ quan tuyên giáo, đội ngũ báo cáo viên các cấp tiếp tục tham mưu cho cấp ủy quán triệt nội dung cơ bản Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị; tuyên truyền thông tin sâu rộng đến người dân về Hiệp định Thương mại tự do Liên minh Châu Âu - Việt Nam. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp, trong đó chú trọng tuyên truyền những mô hình, điển hình, những cách làm hay, kinh nghiệm tốt, đồng thời tổ chức cho cán, bộ, đảng viên đóng góp vào văn kiện đại hội đảng bộ các cấp.

Cùng với đó tuyên truyền sâu sắc, thiết thực kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020) và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó chú trọng việc khôi phục, phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19.


Lê Việt

Share