Cái điện về làng mình rồi!
Ngay trước Tết Nhâm Dần, toàn xã Phước Lộc chính thức được hòa vào lưới điện quốc gia. Sau đằng đẵng chờ đợi, người dân nơi đây đã được sử dụng ánh sáng ổn định, chẳng chập chờn như ngọn đèn dầu mấy chục năm, hay phải dùng điện thủy luân khi mờ khi tỏ.
Nói gần 50 năm Phước Lộc mới có điện, là tính từ ngày thống nhất đất nước đến nay, như một mốc thời gian để mà nhớ. Chứ những già làng lớn tuổi nhất của làng Ong (làng ong bộng, thôn 6, xã Phước Lộc) cũng chưa bao giờ được sử dụng điện lưới.
Già Hồ Văn Yên (77 tuổi) chẳng nhớ làng được thành lập từ khi nào, chỉ nhớ cùng cha ông từ dãy Ngọc Linh phía Nam Trà My, Kon Tum di chuyển qua đây. Thấy con suối, ngọn đồi bao quanh dải đất trống, phù hợp để lập làng thì dừng lại. Làng có từ đó. Cũng chừng đó thời gian, điện lưới vẫn là thứ xa xỉ.
“Gần 80 tuổi rồi nhưng đây là lần đầu tiên được sử dụng điện lưới. Mừng cho lớp con cháu có cái điện thắp sáng, chỉ tiếc là…”. Già Yên tiếc, là bởi làng đã không còn như trước nữa. Chiều 28.10.2020, đỉnh núi bị mưa lũ cắt làm đôi, làng hoàn toàn bị xóa sổ, 11 người bị vùi lấp, trong đó có ba người đến nay chưa được tìm thấy.
Vết nứt không thể xóa, người làng cũng không còn được sống cùng nhau nữa. Một số người đã tìm qua thôn khác để ở, nhóm còn lại cũng lác đác và họ cũng không còn muốn ở lại cái mảnh đất chứa ký ức đau thương này.
Ngôi làng với nghề nuôi ong bộng trứ danh khó thể phục hồi. Rừng vẫn còn đó. Ong vẫn sẽ tìm về những hốc cây được đục sẵn để cho mật. Nhưng người đã không còn như trước nữa.
Và, ánh điện đến với họ khi tất cả còn bộn bề. Hơn một năm từ ngày núi lở, làng ong vẫn bộn bề trong bùn đất của những ngày mưa dài lê thê. Làng, chỉ còn lại đâu mười mấy hộ. Chiều chiều, họ lại bó gối ngó về ngôi nhà mới đang được xây dựng.
“Cứ chờ thôi, lâu rồi cũng quen. Chỉ không quen cái là diện tích đất sản xuất bị mất hết rồi, giờ không có cái gì làm. Ở không một chỗ không phải là bản tính của dân ở đây. Ong thì chưa đến mùa, nên lâu lâu kiếm được chút rượu thì lai rai” - Hồ Văn Vẻ (53 tuổi) nói trong hơi men chếnh choáng.
“Nếu là làng hồi trước, sẽ thấy được sự thay đổi rõ rệt của việc được sử dụng điện lưới ngay. Bởi làng này khá giả nhất ở đây, không thiếu thứ gì. Khi mới chỉ vài ba nhà được sử dụng điện thủy luân, thì đã có ti vi để cả làng cùng xem rồi. Nếu không có trận lũ quét năm đó, thì làng sẽ hoành tráng hơn rất nhiều…” - Quốc Anh, cán bộ địa chính xã Phước Lộc nói, như phân trần.
Có điện, dân làng mơ về một ngày mới tươi sáng
|
Những niềm vui mới
Khác với làng Ong, làng “bạch hầu” hồ hởi hơn nhiều khi đón ánh điện về. Hơn 7 năm trước, hàng loạt người chết do dịch bạch hầu, mà lúc đó, người làng ở đây đều gọi là “bệnh lạ” bởi chưa từng có ai bị như thế.
Người dân chưa từng biết mũi kim là gì. Họ sống thuần theo bản năng. Để rồi, ngành y tế “giật mình” bởi dịch xảy ra cướp đi nhiều sinh mạng. Từ đây một chiến dịch tiêm chủng phòng bệnh bạch hầu không chỉ riêng cho người dân Phước Lộc mà 6 huyện miền núi diễn ra rầm rộ.
Giờ, bước chân vào đầu làng đã kịp nghe tiếng nhạc “thời thượng” vang lên từ những chiếc loa kẹo kéo. Đám thanh niên làng, vẫn bắt kịp thời cuộc với những bản remix đang hot, như thể đó là cách họ thông báo với mọi người rằng, làng đã có điện!
Khi được hỏi, thay đổi lớn nhất của làng là gì từ khi có điện, chị Hồ Thị Thủy (21 tuổi) kéo tay chúng tôi về nhà mình khoe nồi cơm điện và chiếc ấm nấu nước siêu tốc vừa mới mua.
“Cơm nấu bằng cái nồi này thơm, ngon hơn cơm củi, lại nhanh. Nước thì vù một cái đã sôi ùng ục, chẳng cần phải nhen lửa để nấu tô mì tôm như trước nữa” - Thủy khoe.
Có lẽ, đó cũng là nồi cơm điện đầu tiên của làng. Nên, có nhiều người hiếu kỳ, cầm chén qua nhà Thủy xin tí cơm để “xem cơm điện nó như thế nào”.
Khi chúng tôi lên, trời vẫn còn sáng, nhưng nhà nào cũng bật điện sáng choang. “Không sợ tốn điện à?”, chúng tôi cười hỏi. Câu trả lời là tiếng cười rộn, lộ cả hàm răng đỏ quạch vì đang nhai trầu.
“Chú vô ngó cái bằng khen xem tôi mấy tuổi rồi? 75 phải không, cũng chừng đó năm mới có điện mà dùng. Chừ bật lên, tranh thủ ngó xí chứ sau này chết rồi, muốn cũng không được” - bà Hồ Thị Duông hóm hỉnh.
Cả làng đang tập trung ở nhà anh Hồ Văn Bông (44 tuổi) xem ti vi. Thanh niên thì tranh thủ uống xí rượu “giải mỏi” sau một ngày lên rẫy rồi bàn chuyện bóng banh; đám trẻ nít thì chăm chú vào những hình ảnh sặc sỡ đang nhảy múa trên cái ti vi cũ mèm.
“Có cái ti vi cũ này coi đã chứ không có tiền sắm sửa. Rồi sau này có tiền, mua cái ti vi to hơn, đẹp hơn cho cả làng coi đá bóng” - anh Bông gãi gãi đầu, đưa tay mời chén rượu.
Chúng tôi rời làng khi mặt trời khuất dần sau lưng núi. Ở phía sau, người làng vẫn đang tập làm quen với những cái tên của cầu thủ nổi đình nổi đám của cả thế giới và Việt Nam.
Người “làng bạch hầu” (thôn 8A, 8B) tập trung tại nhà anh Hồ Văn Bông để xem ti vi
|
Chờ ngày tươi sáng
“Có điện rồi, chuyện xây dựng nông thôn mới cũng phải tính để nâng cao đời sống của người dân chứ?” - tôi hỏi ông Lưu Huyền Thoại - Chủ tịch UBND xã Phước Lộc.
“Không anh ạ. Phải tìm mục tiêu nào sát với thực tiễn hơn, mà cụ thể ở đây là phải giúp bà con thoát nghèo cái đã. Chuyện nông thôn mới, là chuyện lâu dài, mà Phước Lộc, tầm nhìn phải xa hơn nữa. Anh nghĩ đi, đợt lũ năm 2020 hầu như đã xóa sạch mọi nỗ lực của huyện, xã trong 20 năm kể từ khi tách xã. Giờ, tái thiết là cả một vấn đề” - ông Thoại bộc bạch.
Cái khó mà ông Thoại nói, thể hiện ngay trong việc dựng lại nhà ở cho người dân ở làng Ong. Từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền địa phương, những người dân mất nhà được xây dựng ngôi nhà mới với trị giá 140 triệu đồng. Nhưng do địa hình nơi đây quá khó khăn, cách trở nên với chừng đó tiền, các đơn vị không chịu thi công.
“Xã phải đi năn nỉ những thợ xây tại địa phương để họ làm. Chưa có ai như mình cả, thợ xây đáng nhẽ phải xin mình để được làm, đằng này ngược lại. Cũng may là có một nhóm thợ trước đó đã xây những kiểu nhà nhỏ lẻ này nên họ mới nhận. Chỉ chừng đó thôi, cũng đã đủ khó chứ chưa kể đến điều kiện thời tiết. Vậy nên, nhiệm vụ tối quan trọng hiện tại là tái thiết” - ông Thoại khẳng định.
Nhưng, có điện, có đường rồi thì mọi việc cũng sẽ dễ hơn một chút. Xã đang lên kế hoạch lắp đặt loa phát thanh ở các thôn để mỗi khi có tuyên truyền hay thông báo cho bà con kế hoạch gì cũng không phải chạy tới từng thôn như trước. Có điện, các trạm BTS của viễn thông cũng rục rịch lắp đặt, không còn là vùng “lõm sóng” nữa.
“Cách đây mấy năm, xã đầu tư đâu 4 cái loa kẹo kéo. Mỗi cán bộ luân phiên nhau chở cái loa đó đứng ở đầu thôn rồi bật loa. Trời nắng thì không sao, nhưng trời mưa thì như cực hình. Đường ở đây toàn là dốc dựng đứng, lại lầy lội. Sau đợt một cán bộ bị té gãy chân thì dừng, không làm nữa. Giờ, có điện rồi thì lắp cái loa phát thanh, nói suốt ngày thì họ cũng sẽ nghe hết được thôi” - ông Thoại tếu táo.
Ông Lê Quang Trung - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, Phước Lộc được định hướng phát triển kinh tế gắn với vườn rừng, dược liệu. Hiện tại, đã trồng thử nghiệm thành công 1 nghìn gốc sâm Ngọc Linh ở làng Ong, sâm đang phát triển tốt khi thổ nhưỡng phù hợp. “Lộ trình phát triển đã có sẵn, giờ có thêm điện lưới thì mọi việc sẽ suôn sẻ hơn. Hy vọng, Phước Lộc sẽ sớm trở mình” - ông Trung nói.
Đỉnh trời Phước Lộc vẫn như thế, trầm mặc vốn có. Những hủ tục, giờ men theo viền sáng của ánh điện lui sâu về phía cánh rừng. Giờ, người dân ở đây cần thời gian để làm quen với ánh sáng đèn điện, và để biết cách khai thác nguồn điện để sản xuất kinh doanh, làm cuộc đổi đời…
Link gốc