Quy hoạch không gian biển gắn với phát triển năng lượng tái tạo

Quy hoạch Không gian biển Quốc gia là công cụ quan trọng hỗ trợ công tác quản lý nhà nước về biển theo cách tiếp cận tổng hợp; là quy hoạch mang tính khung, tổng thể, tích hợp, đa ngành, động và mở.

Chiều 28/6, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Quy hoạch Không gian biển Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch đặt ra 5 vấn đề trọng tâm và 4 đột phá có tính then chốt, sức lan tỏa lớn và tạo động lực cho phát triển.

Bốn khâu đột phá, một là tập trung xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ logistics gắn với phát triển ngành công nghiệp tàu thủy và vận tải biển. Hai là phát triển du lịch biển, đảo bền vững, có trách nhiệm, sáng tạo gắn với phát triển đô thị đảo xanh, thông minh. Ba là đẩy mạnh phát triển kinh tế thủy sản theo hướng xanh, tuần hoàn, carbon thấp, chống chịu cao, ưu tiên phát triển nuôi biển và đánh bắt xa bờ, gắn với bảo tồn biển và văn hóa biển.

Khâu đột phá cuối cùng là phát triển nhanh và bền vững các loại năng lượng sạch, xanh từ biển, ưu tiên phát triển điện gió ngoài khơi, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, quốc phòng, an ninh, nghiên cứu, đánh giá tổng thể về tiềm năng và phát triển ngành dầu khí, khoáng sản rắn, vật liệu xây dựng ở đáy biển.

Phát triển năng lượng tái tạo là chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, góp phần thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững và các mục tiêu về biến đổi khí hậu. Nội dung này được thể hiện trong Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo ông Nguyễn Đức Toàn - Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam: “Liên quan đến phát triển năng lượng tái tạo, Quy hoạch Không gian biển Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đưa ra định hướng cho phát triển lĩnh vực này. Phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hóa các nguồn năng lượng, trong đó thúc đẩy và khuyến khích đầu tư xây dựng, khai thác điện gió ngoài khơi, công nghiệp hydrogen, điện mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo khác tại các vùng biển, đảo có tiềm năng, đặc biệt khu vực Bắc Bộ, Nam Trung Bộ và Nam Bộ”.

Ngoài ra, ông cho biết thêm, trong Quy hoạch Không gian biển Quốc gia, trên cơ sở các dữ liệu hiện có, các vùng tiềm năng gió đã được xác định, để cơ sở thực hiện các hoạt động điều tra, khảo sát và xác định các khu vực biển ưu tiên cho phát triển điện gió ngoài khơi. Các hoạt động điều tra, khảo sát này sẽ được cụ thể trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch do Chính phủ ban hành trong thời gian tới.

Các thông tin chung về đánh giá sơ bộ tiềm năng năng lượng gió biển Việt Nam cho thấy vùng biển Việt Nam có tốc độ gió trung bình nhiều năm chủ yếu từ 7 đến 11 m/s trên tầng 100 m và có nhiều điều kiện phát triên các Trại điện gió trên biển (offshore windfarm). Các dự án điện gió biển hiện nay đã và đang được nghiên cứu khả thi với hàng chục ngàn km2 trên biển và công suất lắp đặt hàng chục GW. Hiện nay xu hướng phát triển mạnh mẽ các trại điện gió biển trên thế giới do giá thành đầu tư giảm mạnh và công nghệ đang tiến bộ rất nhanh. Xu hướng phát triển bền vững kinh tế biển, phải gắn liền với bảo tồn đa dạng sinh học biển và các hệ sinh thái biển quan trọng.

Link gốc


  • 03/07/2024 03:45
  • Theo petrotimes.vn
  • 3233