Tới dự toạ đàm có ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, đại diện Tổng cục tiêu chuẩn đo lường Việt Nam, cùng các chuyên gia năng lượng.
Về phía EVN có Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm, Trưởng Ban Kinh doanh EVN Nguyễn Quốc Dũng, đại diện Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội (EVNHANOI).
Theo ông Nguyễn Quốc Dũng – Trưởng Ban Kinh doanh EVN, lượng điện sinh hoạt tháng 6 trên toàn quốc tăng 18% so với tháng 5 và tăng 12% so với cùng kỳ năm 2019.Theo quy luật hàng năm, mức tiêu thụ điện sinh hoạt sẽ tăng cao nhất khi bước vào tháng 7.
Trước thực tế lượng điện tiêu thụ của khách hàng tăng cao do nắng nóng, EVN thực hiện nghiêm túc việc tự phúc tra 100% cho khách hàng có sản lượng tăng đột biến từ 1,3 lần so với tháng trước liền kề. Từ 1/7/2020, EVN cũng đã bổ sung 2 bước kiểm soát trên Hệ thống thông tin quản lý khách hàng (CMIS), nhằm tăng cường sự giám sát nội bộ, đảm bảo tính chính xác trong việc ghi chỉ số, lập hoá đơn tiền điện.
Trưởng Ban Kinh doanh EVN khuyến nghị khách hàng tra cứu hoá đơn tiền điện theo mẫu mới tại các trang web CSKH ngành Điện. Mẫu hóa đơn điện tử và thông báo tiền điện được thay đổi bố cục, bổ sung các biểu đồ so sánh tình hình tiêu thụ điện của khách hàng qua các tháng, các năm; so sánh tương quan với các khách hàng khác trong khu vực…
Trước câu hỏi về việc thực hiện quyền giám sát ghi chỉ số của khách hàng, đặc biệt tại khu vực miền Bắc – công tơ điện lắp trên cột cao, khách hàng khó theo dõi chỉ số, Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm cho biết, lịch ghi chỉ số được quy định trong Hợp đồng mua bán điện. Trên cơ sở lịch ghi chỉ số của từng khu vực được công bố công khai, khách hàng có thể giám sát công tác ghi chỉ số công tơ của Điện lực.
Bên cạnh đó, với những khách hàng đã lắp đặt công tơ điện tử, việc thu thập chỉ số tiêu thụ điện đã hoàn toàn tự động nên khách hàng không còn thấy thợ điện đi ghi chỉ số. Tại những khu vực có tỷ lệ lắp đặt công tơ điện tử cao như TP. Hà Nội, các tỉnh miền Trung, đa số khách hàng có thể truy cập website CSKH, hoặc liên hệ tới Trung tâm CSKH để được hỗ trợ thông tin về chỉ số điện từng ngày rất đơn giản và tiện lợi.
Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm phát biểu tại tọa đàm
|
Trao đổi cụ thể về tình hình ghi chỉ số điện tại khu vực TP. Hà Nội, bà Tô Lan Phương – Trưởng Ban Kinh doanh EVNHANOI cho biết, tổng số công tơ bán điện của EVNHANOI là hơn 2,61 triệu công tơ, trong đó bán điện cho mục đích sinh hoạt là hơn 2,3 triệu khách hàng (chiếm tỷ lệ 88,54% số công tơ bán điện của EVNHANOI).
Việc ghi chỉ số công tơ hằng tháng thực hiện theo lịch cố định. Lịch ghi chỉ số được niêm yết tại các phòng Giao dịch khách hàng của các công ty điện lực; được công khai trên website CSKH (http://cskh.evnhanoi.com.vn/TraCuuLichGCS), Zalo, Ứng dụng EVNHANOI CSKH.
Hiện nay, EVNHANOI đang áp dụng 3 hình thức ghi chỉ số: Ghi chỉ số bán tự động (sử dụng thiết bị ghi chỉ số HHU dùng sóng RF đọc chỉ số công tơ tại hiện trường); ghi chỉ số tự động (dữ liệu đo đếm được đọc và truyền về tự động hàng ngày); ghi chỉ số trực tiếp (sử dụng máy tính bảng kết hợp camera GCS, thực hiện chụp ảnh mặt công tơ trực tiếp tại vị trí lắp đặt công tơ).
Khi truy cập website CSKH của Tổng công ty, khách hàng có thể tra cứu dữ liệu chỉ số hàng ngày nếu ghi chỉ số tự động. Còn lại, khách hàng có thể tra cứu dữ liệu chỉ số hàng tháng (có ảnh chụp chỉ số công tơ cơ). Cũng trên website CSKH, khách hàng tại Hà Nội còn có thể đặt ngưỡng cảnh báo khi tiêu thụ điện tăng cao, tra cứu hoá đơn tiền điện, hoặc sử dụng công cụ tính tiền điện trực tuyến,...
Đông đảo chuyên gia, nhà báo tham dự tọa đàm
|
Khách hàng còn chưa tiếp cận hết các thông tin, tiện ích về dịch vụ điện
Về vấn đề kiểm định công tơ, ông Bùi Trung Dũng – Vụ Đo lường thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng cho biết, hoạt động cung cấp dịch vụ kiểm định công tơ điện được quy định tại Nghị định 105/2016/NĐ-CP của Chính phủ (quy định về điều kiện kinh doanh hoạt động của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường).
“Việc kiểm định công tơ điện được thực hiện trên hệ thống tự động, rất khó có khả năng can thiệp của con người để làm sai lệch các thông số”- ông Dũng cho hay.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, trước đây, Hội nhận được 1.500 – 2.000 đơn thư khiếu nại của người tiêu dùng mỗi năm, trong đó có khiếu nại về dịch vụ điện. Nhưng những năm gần đây, hầu như không có khiếu nại của khách hàng về ngành Điện, nếu có là liên quan hợp tác xã bán điện (không thuộc EVN). Tuy nhiên, Hội có nhận được thắc mắc của khách hàng về việc kiểm định công tơ, tính chính xác của công tơ, giá điện bậc thang,... Vừa qua, Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam có tham gia đoàn kiểm tra liên ngành về công tác ghi chỉ số, lập hoá đơn tiền điện và giải quyết khiếu nại. Việc kiểm tra được thực hiện khách quan, đoàn đã kiểm tra ngẫu nhiên và trực tiếp gặp gỡ các khách hàng có thắc mắc về chỉ số điện.
Thực tế ngành Điện đã cung cấp rất nhiều tiện ích, thông tin về chỉ số, hoá đơn nhưng khách hàng có thể chưa biết, chưa nắm được nên chưa khai thác các thông tin mà ngành Điện đã cung cấp, do đó dẫn tới những thắc mắc không cần thiết về vấn đề này, ông Hùng cho hay.