“Rồng lửa” của thợ truyền tải điện

Thiết bị bay không người lái do các kỹ sư Công ty Truyền tải điện 2 (PTC2) cải tiến có camera độ nét cao và có thể “khạc lửa” xử lý nhanh, gọn, chính xác vật thể vướng trên đường dây 500 kV chỉ trong vài phút. Thiết bị được gọi là “rồng lửa” này đã hỗ trợ đắc lực cho những người thợ truyền tải điện.

Cải tiến để thiết bị bay có thể xử lý sự cố

Vào cuối năm 2018, Công ty Truyền tải điện 2 (PTC2) đã nhập thiết bị bay mang tên UAV Altura Zenith ATX8 của Hà Lan để tiến hành thí điểm kiểm tra đường dây 220 kV, 500 kV. Thiết bị này có ưu điểm là khả năng bay tối đa 40 phút ở độ cao 600 m. Camera có độ nét cao, dễ dàng phát hiện, nhận dạng thiết bị, mã hóa và tìm điểm sự cố. Cho đến nay, sau khi được Bộ Quốc phòng cấp phép bay (12 tháng), thiết bị này đã bay kiểm tra 1.228 km đường dây 500 kV, 1.613 km đường dây 220 kV, phát hiện được rất nhiều sự cố tiềm ẩn. Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của thiết bị này là chỉ có khả năng phát hiện, nhận dạng sự cố, không có khả năng xử lý tại chỗ. Đơn vị phải thực hiện cắt điện, công nhân buộc phải trèo lên, dùng tay gỡ chướng ngại vật hoặc “vật thể lạ”.

Vì vậy, một nhóm 20 người bao gồm các kỹ sư vô tuyến điện, cơ khí Phòng Kỹ thuật PTC2 đã được tập hợp lại để hiện thực hóa ý tưởng lắp đặt chiếc UAV mới dựa trên chiếc UAV nhập ngoại và khắc phục được nhược điểm trên. “Chúng tôi phải lặn lội xuống TP. HCM tìm mua vật tư lắp ráp cho UAV mới. May mắn thay, qua những người chơi flycam, chúng tôi được biết phụ tùng lắp đặt một thiết bị bay không khó lắm”, anh Nguyễn Duy Dũng - Trưởng Phòng Kỹ thuật PTC2 cho biết.

Cán bộ Phòng Kỹ thuật PTC2 đang điều khiển UAV sáng chế xử lý sự cố trên đường dây 500 kV

Chỉ sau 3 tháng, mô hình UAV cải tiến được lắp ráp hoàn chỉnh với các tình huống thử nghiệm là con diều vướng trên đường dây 500 kV có nguy cơ gây cháy nổ. Các kỹ sư đã dùng hệ thống UAV bay thẳng từ mặt đất lên vị trí con diều. Khi tiếp cận con diều, hệ thống phun nhiên liệu được kích hoạt và đầu phun đánh lửa đốt cháy vật thể được phát hiện. 

Theo các kỹ sư PTC2, thiết bị mới được chế tạo có hai phần chính: Hệ thống bay và bộ nhiên liệu xử lý vật thể lạ. Khác với UAV nhập khẩu, thay vì có camera phát hiện sự cố, UAV tự chế có hệ thống bơm áp lực cao đẩy nhiên liệu từ một bình xăng khoảng 1 lít dưới bụng máy, đi kèm với hệ thống đánh tia lửa điện.

Không còn lo sợ hiểm nguy khi trèo cao

Sáng kiến của Phòng Kỹ thuật PTC2 được hoàn thành và ra mắt đúng vào dịp kỷ niệm 25 năm đóng điện đường dây tải điện siêu cao áp Bắc - Nam mạch 1 (27/5/1994- 27/5/2019). Thiết bị này đã hỗ trợ hiệu quả cho công việc của thợ truyền tải điện, bởi trước đây họ đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiểm tra chất lượng đường dây, các vị trí cột, phát hiện và xử lý sự cố. Theo anh Nguyễn Duy Dũng, ngoài việc bị những ảnh hưởng của điện từ trường đến sức khỏe, công nhân đi xử lý sự cố còn phải vượt qua những khu vực có địa hình hiểm trở, thường xuyên đối mặt với những loại động vật nguy hiểm như ong, kiến, vắt, rắn… 

“Tôi nhớ có lần, một cán bộ đang trèo lên đường dây xử lý sự cố đã chạm phải tổ ong vò vẽ, bị chích đến vài chục vết, cũng may được cấp cứu kịp thời, nên không nguy hiểm đến tính mạng. Có thiết bị này, anh em chúng tôi bớt lo lắng phải đối mặt với những nguy hiểm khi trèo cao”, anh Dũng cho biết. 

Đánh giá về thiết bị này, ông Trần Thanh Phong - Giám đốc Công ty Truyền tải điện 2 cho biết: Ngoài những lợi ích trên, UAV mới còn giúp nâng cao năng suất lao động, giảm được sức người. Trước đây, để kiểm tra 1 tuyến đường dây 500 kV cả đội 5-6 người thực hiện, cho đến nay chỉ cần có 2 công nhân là có thể xử lý cùng tuyến đường dây như vậy. Và điều quan trọng nhất là sẽ không phải cắt điện khi xử lý sự cố, không ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của khách hàng.

Được biết, sắp tới các kỹ sư PTC2 sẽ nghiên cứu đưa ra các giải pháp chống nhiễu cho thiết bị khi bay sát đường dây 500 kV và tìm cách xử lý những vật thể lớn hơn nằm vắt ngang đường dây. Trong tương lai, PTC2 sẽ tiếp tục cải tiến và hoàn thiện thiết bị, để đội “rồng lửa” này bảo vệ đường dây 500 kV - mạch máu năng lượng quốc gia một cách hiệu quả nhất. 


  • 18/10/2019 10:32
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 42007