Rủi ro rình rập từ quạt hơi nước tự chế

Nắng nóng đỉnh điểm, nhiều người sáng tạo quạt hơi nước bằng cách để đá tảng trước quạt điện để tạo hơi mát. Theo chuyên gia, việc này tiềm ẩn nhiều rủi ro gây mất an toàn.

Tự chế quạt hơi nước theo Tik Tok

Thời tiết nắng nóng gia tăng cùng với giá điện, nhiều người đã sáng tạo tiết kiệm điện bằng cách tự chế quạt hơi nước để hạ nhiệt nắng nóng. Anh Vũ Ngọc Anh (Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, xem trên Tik Tok có chia sẻ nhiều video giới thiệu tự làm quạt hơi nước nên anh làm theo. Chỉ cần đục lỗ nhỏ trên thùng xốp rồi gắn một chiếc quạt mini (để hút gió vào), kế bên là ống nhựa để hơi nước thoát ra. Bên trong thùng xốp, chỉ cần bỏ nước và đá vào. Khi bật quạt, đúng là hơi mát tỏa ra rất dễ chịu, nhiệt độ giảm đáng kể mà lại tiết kiệm điện.

Chỉ cần một clik chuột, trên các mạng xã hội hiện ra không ít clip hướng dẫn cách làm quạt hơi nước tại nhà. Theo đó, chỉ cần 2 chiếc chai nhựa là có thể tự tạo được chiếc quạt hơi nước mát lạnh bằng cách dùng dao rọc giấy cắt phần đáy 2 chai nước suối để tạo thành nắp đậy của chai. Dùng máy khoan lỗ tạo lỗ phần đáy chai sau dùng kẽm cột 2 chai vào sau cánh quạt thật chắc chắn. Cho đá viên vào chai và đậy nắp đáy chai lại. Bật quạt lên là bạn đã có ngay một chiếc máy quạt hơi nước ngay lại nhà.

Quạt điện hơi nước tự chế tiềm ẩn nhiều rủi ro gây mất an toàn.

KS Nguyễn Huy Bạo, nguyên cán bộ Học viện Kỹ thuật Quân sự cho biết, quạt điều hòa có chức năng làm dựa trên nguyên lý bốc hơi nước tự nhiên, tương tự như hiện tượng bốc hơi nước tại các thác nước hay gần sông hồ. Khi sử dụng quạt điều hòa, không khí nóng xung quanh sẽ được hút vào quạt từ nhiều hướng khác nhau, qua tấm lọc bụi sau đó đi vào tấm làm mát. Lúc này, hệ thống bơm nước sẽ hoạt động, bơm nước từ dưới bình chứa nước lên trên để làm ướt tấm làm mát. Không khí nóng khi đi vào đây sẽ bị hệ thống này hấp thụ nhiệt do hiệu ứng bay hơi của nước ngầm trên bề mặt tấm làm mát.

Quạt điều hòa có bình chứa nước rất lớn để cung cấp cho quá trình làm mát. Nước được bơm liên tục từ bình chứa nước lên tấm làm mát để tản đều ra các hướng khi quạt hoạt động. Đối với quạt tự chế, với những cách làm được truyền tai nhau có thể thấy cũng tạo ra hơi mát, nhưng tiềm ẩn nguy cơ điện giật, hỏng thiết bị, hại sức khỏe.

"Lắp trực tiếp quạt vào thùng xốp chứa đá làm các thiết bị linh kiện trong quạt bị ẩm, dễ dẫn đến chập cháy, đặc biệt nếu sử dụng vào ban đêm khi ngủ thì tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn cho người sử dụng", KS Nguyễn Huy Bạo cho biết.

Nguy hại cho sức khỏe

Theo BS Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), lợi ích của quạt hơi nước tự chế là có tác dụng làm mát cho những người không có điều kiện dùng điều hòa nhiệt độ. Tuy nhiên, khi sử dụng điều hòa tự chế, chúng ta sẽ không chủ động được nhiệt độ lạnh. Điều đó có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe nếu để lạnh quá mức. Vùng làm mát của điều hoà tự chế khá hẹp buộc người dùng phải ngồi gần để cảm nhận luồng gió mát. Việc này dễ gây ra các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt với trẻ nhỏ như gây ra các cơn ho, viêm họng, thậm chí viêm phổi nếu ngồi quá lâu.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, điều hòa tự chế với đặc trưng là quạt hơi nước nên làm độ ẩm trong phòng tăng cao, có thể tạo điều kiện cho nấm mốc, các loại vi khuẩn gây hại cho sức khỏe có cơ hội phát triển. Đặc biệt, trẻ em hoặc người có sức đề kháng thấp, rất dễ mắc các bệnh tai, mũi, họng do không khí ẩm thấp.  Người lớn, khi tiếp xúc gần hơi lạnh từ điều hoà tự chế cũng khiến làn da trở nên khô ráp, khó chịu. Đặc biệt, thùng nước đá nếu không được vệ sinh hàng ngày sẽ trở thành nguồn nước bẩn, tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn phát triển và gây bệnh.

TS Trần Văn Thịnh, nguyên Trưởng bộ môn Thiết bị điện, điện tử, ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, người dân không nên sử dụng quạt tự chế. Nếu muốn làm mát mà tiết kiệm điện thì có thể dùng quạt điều hòa. Tuy vậy, đối với quạt điều hòa, dù không tốn điện như máy điều hòa thì cũng không nên lạm dụng, nhớ làm sạch khay đựng nước và cánh quạt thường xuyên.

Việc dùng quạt hơi nước không đúng cũng khiến đồ đạc trong nhà giảm tuổi thọ, nhất là đồ điện tử. Bởi dưới tác động của quạt, độ ẩm tăng cao sẽ khiến các thiết bị điện tử bị ẩm, các chi tiết kim loại bị ôxy hóa và ăn mòn, các mối hàn han rỉ, các tụ hóa, điện trở và linh kiện trong mạch điện bị hỏng hóc, lão hóa, tình trạng chập mạch cũng dễ xảy ra. Vì thế nếu trường hợp vẫn dùng thì không nên để chiếc quạt thổi về hướng những thiết bị điện tử hoặc bọc thiết bị điện tử lại bằng túi nylon cũng là cách bảo vệ tốt nhất.

Khí hậu Việt Nam có độ ẩm cao nên máy làm mát này khó có thể đạt hiệu quả mà chỉ có tác dụng tương tự như quạt điện. Độ ẩm không khí càng cao, khả năng làm mát càng giảm. Loại quạt này tiêu tốn lượng nước khá lớn, một buổi có thể sử dụng đến vài chục lít nước và phải chọn nguồn nước sạch để tốt cho sức khỏe.

Link gốc


  • 25/05/2023 03:20
  • Theo suckhoedoisong.vn
  • 4587